Cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc cải thiện sức khỏe, bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2012 | 3:05:02 PM
YBĐT - Tình trạng kết hôn và mang thai sớm, đẻ dày, đẻ nhiều và đẻ tại nhà vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, sự thiếu kiến thức làm mẹ của những bà mẹ trẻ đã để lại những chuyện đau lòng không đáng có...
Chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai tại Trạm Y tế xã Phong Dụ Thượng.
|
Hoàng Thị Khởi ở thôn Làng Ngõa, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) đã trải qua cơn “thập tử nhất sinh” mà nguyên nhân chính xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản, dẫn đến mang thai sớm và đã sinh đứa con đầu lòng ở tuổi 16 cách đây hơn nửa năm.
Do chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ ở độ tuổi này nên đứa con sinh ra sức khỏe rất yếu, luôn trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng và đã mắc nhiều bệnh...
Trường hợp của Khởi không phải là cá biệt bởi tình trạng kết hôn và mang thai sớm, đẻ dày, đẻ nhiều và đẻ tại nhà vẫn còn phổ biến ở những thôn, bản vùng cao. Như ở xã Phong Dụ Thượng, tình trạng này vẫn diễn ra ở các thôn: Khe Mạng, Than Dẹt...
Nữ hộ sinh Hoàng Thị Lỷ - Trạm Y tế xã Phong Dụ Thượng chia sẻ: “Thực tế, tình trạng kết hôn sớm và mang thai sớm vẫn xảy ra tương đối nhiều trên địa bàn xã. Chỉ tính từ năm 2010 trở lại đây, có trên hàng chục trường hợp mang thai sớm đến khám và sinh con tại trạm.
Bên cạnh đó, tình trạng đẻ tại nhà và tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều cặp vợ chồng lén lút cưới nhau khi mới 15, 16 tuổi. Không có kiến thức về sức khoẻ sinh sản, có những trường hợp mang thai đến tháng thứ ba mà không hay. Không nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai, sinh đẻ là nguyên nhân chính gây ra các trường hợp tai biến sản khoa”.
Địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng cao ít được tiếp cận thông tin, nhất là kiến thức làm mẹ và chịu ảnh hưởng của tập quán lạc hậu mà đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn làphụ nữ và trẻ em.
Dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực rất nhiều nhưng tình trạng kết hôn, mang thai sớm vẫn xảy ra phổ biến. Tuy dễ bị tổn thương do liên quan trực tiếp đến quá trình mang thai, sinh đẻ và bệnh tật nhưng đáng lo ngại hơn cả là không phải người dân nào cũng biết về những kiến thức cơ bản nhất.
Theo thống kê của Trạm y tế xã từ tháng 12/2011 đến tháng 6/2012, tổng số phụ nữ có thai là 82 người, trong đó ở độ tuổi vị thành niên mới phát hiện 29 trường hợp; có 154 phụ nữ mang thai được khám tại trạm; số phụ nữ đẻ được quản lý là 75 trường hợp, trong đó: đẻ tại trạm 19 trường hợp, đẻ tại nhà 38 trường hợp, đẻ nơi khác 18 trường hợp. Số liệu này cho thấy, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà rất cao. Nguy hiểm hơn là khi mang thai, nhiều phụ nữ không hề biết đến các dấu hiệu nguy hiểm; nhiều người vẫn làm việc nặng nhọc cho tới tận ngày sinh...
Theo ước tính, ở Phong Dụ Thượng, có khoảng 15% số phụ nữ mang thai lần đầu ở độ tuổi từ 13 - 17, trong số đó: 10% đã từng có các vấn đề về sản khoa và tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà thiếu sự hỗ trợ của cán bộ y tế chiếm hơn 50%.
Trước thực trạng đó, huyện Văn Yên đã chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu tỷ lệ tai biến trước và sau khi sinh đồng thời thường xuyên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng quan tâm đến công tác này.
Chị Nguyễn Thị Thiên - Giám đốc Trung tâmDân số - Kế hoạch hoá gia đình huyện Văn Yên, thành viên Ban chỉ đạo Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe" tỉnh Yên Bái cho biết: Chúng tôi đã tìm hiểu và đưa ra nhiều phương án nhưng khó nhất là trình độ nhận thức của người dân rất hạn chế. Khi Dự án được triển khai, công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu; tổ chức các hội nghị vận động cộng đồng từ lãnh đạo xã đến trưởng thôn, đặc biệt đến đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản; tổ chức các buổi họp với đại diện các tổ chức đoàn thể, kêu gọi toàn xã hội thiết thực quan tâm, chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ em; lồng ghép nội dung cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong các buổi họp thôn, bản".
Năm 2011, Dự án này đã triển khai ở xã Lâm Giang, An Bình, Mỏ Vàng... và năm 2012 tiếp tục triển khai ở 7 xã: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Đại Sơn, Viễn Sơn...
Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe" đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện Văn Yên, huyện Lục Yên. Cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, Dự án cũng nhất thiết cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Mỗi em nhỏ sinh ra đều mong muốn mình có được một trái tim khỏe mạnh. Nhưng bất hạnh thay, ở Yên Bái, không ít em có hoàn cảnh khó khăn từ khi mới chào đời đã mắc căn bệnh hiểm nghèo: bệnh tim bẩm sinh.
YBĐT - Thân thiện và đầy trách nhiệm, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội Yên Bái đã tạo cho học viên niềm tin vào cuộc sống.
YBĐT - Chỉ trong một buổi chiều 13/6, tại xã Minh Xuân và xã Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã xảy ra liền lúc 2 vụ đuối nước thương tâm làm 2 em Hoàng Tiến Đạt, 9 tuổi và Hà Anh Tuấn, 5 tuổi tử vong.
YBĐT - Chiến tranh đã đi qua, Lục Yên đổi mới từng ngày, sự thanh bình đã hiện hữu trên quê hương xứ Ngọc, những người lính của K200 ngày nào đã trở về bình lặng sống dưới mái nhà sàn ấm nồng bếp lửa.