Phát triển Công đoàn trong doanh nghiệp ở Lục Yên: Vì sao khó khăn?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2012 | 9:07:25 AM

YBĐT - Để tìm hiểu vấn đề này trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái), chúng tôi đã phải liên lạc với không ít công ty, doanh nghiệp và hễ nói đến tổ chức công đoàn là doanh nghiệp nào cũng tìm cách lảng tránh với nhiều lý do khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp, số lao động ổn định chỉ dưới 10 người, hoạt động mang tính gia đình nên khó thành lập tổ chức công đoàn.
Nhiều doanh nghiệp, số lao động ổn định chỉ dưới 10 người, hoạt động mang tính gia đình nên khó thành lập tổ chức công đoàn.

Duy chỉ có lãnh đạo HTX Khai thác đá vôi và vật liệu xây dựng Bó Luông là có thái độ hợp tác. Còn với những doanh nghiệp khác, để nắm được suy nghĩ của họ, chúng tôi chỉ có thể tận dụng những cuộc điện thoại ngắn ngủi.

“Tôi chưa bao giờ biết đến tổ chức công đoàn”

HTX Khai thác đá vôi và vật liệu xây dựng Bó Luông được thành lập từ năm 2001, hiện có 40 lao động đang làm việc, nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp khác, người lao động ở đây chưa bao giờ nghĩ đến việc thành lập tổ chức công đoàn.

Khi được hỏi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Chủ nhiệm HTX cho hay: “Tôi rất tán thành với việc thành lập công đoàn cơ sở trong HTX, nhưng vì quy mô của đơn vị còn nhỏ lẻ, nhân công lao động theo mùa vụ… nên HTX chưa thành lập được tổ chức công đoàn”.

Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như việc nắm bắt về tổ chức này ở những người công nhân của HTX Bó Luông, chúng tôi nhận thấy gần như không ai biết đến tổ chức công đoàn. “Tôi chưa bao giờ biết đến tổ chức công đoàn”- anh Lương Ngọc Kim, công nhân HTX Bó Luông cho biết.

Có thể nhận thấy một điểm chung rất rõ ở đây là hầu hết các doanh nghiệp tư nhân, kể cả giới chủ và người lao động đều chưa nắm rõ về tổ chức công đoàn. Theo thống kê, hiện nay huyện Lục Yên có gần 100 công ty, doanh nghiệp, HTX lớn nhỏ, tuy nhiên chỉ có 4 đơn vị thành lập được tổ chức công đoàn, thu hút sự tham gia của gần 300 lao động trong số hàng nghìn lao động ở các đơn vị trên.

Công đoàn không phải là đối trọng của doanh nghiệp

Luật Công đoàn đã quy định, bên cạnh việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, tổ chức công đoàn còn có vai trò như người trọng tài giữa người lao động với chủ doanh nghiệp. Nghĩa là bên cạnh giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của giới chủ với người lao động, công đoàn cũng có nhiệm vụ đảm bảo quá trình sản xuất cho giới chủ, nếu người lao động vi phạm thoả ước lao động đã ký thì doanh nghiệp có quyền kiện người lao động.

Chính vì người sử dụng lao động và người lao động còn thiếu hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng và tầm quan trọng của tổ chức công đoàn nên nhiều chủ doanh nghiệp né tránh, né tránh cả việc tạo điều kiện thành lập công đoàn trong đơn vị mình và né tránh cả báo chí, vì họ không hiểu rằng, việc thành lập công đoàn cơ sở là do nhu cầu nguyện vọng của người lao động chứ không phải là do giới chủ lập nên.

Còn với người lao động, trong số ít người từng nghe về tổ chức công đoàn thì họ cũng cho rằng tổ chức này là ở tận đâu đó rất xa vời. Đặc biệt nhiều chủ doanh nghiệp còn cho rằng, có tổ chức công đoàn là "mọc" thêm phiền phức như đòi tăng lương, đòi giờ nghỉ, đòi các quyền lợi khác… Vì những lý do này mà nhiều chủ doanh nghiệp không muốn có tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp nên chưa ủng hộ việc thành lập.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng tác động không kém như: các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (đa số lao động ổn định dưới 10 người), nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động mang tính gia đình nên không chú trọng đến việc thành lập tổ chức công đoàn; nhiều doanh nghiệp chưa ổn định về lao động, sản xuất, kinh doanh, hoạt động phân tán hoặc có tên doanh nghiệp nhưng chủ sử dụng lao động lại ở địa phương khác.

Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến là vẫn còn không ít người lao động an phận, bằng lòng với thu nhập từ đồng lương mà không quan tâm đến hoạt động xã hội, quan tâm đến chính quyền lợi thiết thân của mình. Hơn nữa, điều kiện sống và làm việc của công nhân lao động ở nhiều doanh nghiệp còn khó khăn nên vào tổ chức công đoàn dường như đó là điều "xa xỉ".

Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh của các cấp công đoàn còn nhiều hạn chế cũng làm ảnh hưởng tới việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền

Từ thực tế trên có thể thấy, một trong những nguyên nhân là công tác tuyên truyền chưa thật tốt. Việc tuyên truyền Luật Công đoàn, Luật Lao động và các chủ trương, chính sách về phát triển công đoàn ngoài quốc doanh còn hạn chế.

Vì vậy, để chăm lo tốt hơn cho người lao động trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tới đây các cấp công đoàn cần đẩy mạnh đi sâu đi sát cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng, thu nhập của lao động...; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức cơ bản của pháp luật lao động, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam cho các chủ doanh nghiệp và người lao động, giúp người lao động hiểu rõ hơn về pháp luật lao động, ý nghĩa của tổ chức công đoàn, quyền và trách nhiệm của họ khi tham gia tổ chức công đoàn; đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất trong công nhân lao động, nhằm giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp; duy trì, đổi mới phương pháp hoạt động, vì lợi ích của người lao động đi đôi với đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là phòng lao động -thương binh và xã hội để phối hợp tốt trong việc điều tra, khảo sát số lượng công nhân lao động, số lượng doanh nghiệp.

Về một số giải pháp nhằm nâng cao số lượng công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, ông Cù Ngọc Quý - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Lục Yên cho biết: “Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra về hợp đồng lao động, công tác bảo hộ lao động, nắm bắt số lượng lao động…”.

Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, việc phát triển doanh nghiệp không chỉ đơn giản là lợi nhuận mà một trong những tiêu chí nằm trong sự phát triển ấy chính là yếu tố văn hoá.

Mặc dù trong nhiều doanh nghiệp, các hoạt động như quan tâm hỗ trợ người lao động trong cuộc sống, thăm hỏi lúc ốm đau… vẫn được thực hiện, đó cũng là một trong những việc làm của công đoàn, song tất cả những việc làm đó nếu được tổ chức công đoàn đứng ra, cùng với những yếu tố khác thì những hoạt động đó mới đủ điều kiện để cấu thành nên yếu tố văn hoá trong doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Mai Huyên

Các tin khác
Cán bộ, chiến sỹ Phòng 2, Cục C50 đang ngăn chặn các website cá độ bóng đá trên Internet.

Ngày 21/6, đại tá Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) cho biết trung bình mỗi ngày có từ 20- 30 website về cờ bạc, cá độ được “khai sinh”.

YBĐT - Khó khăn, vất vả song những người làm báo huyện cùng với giới báo chí của tỉnh vẫn đang ngày đêm nỗ lực cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp vinh quang của những người làm báo và tạo nên những sản phẩm báo chí, mang hơi thở cuộc sống.

Lãnh đạo thành phố Yên Bái, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái tặng hoa chúc mừng BCH Đoàn thành phố Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2012 – 2017.

YBĐT - Ngày 21/6, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Yên Bái đã long trọng tổ chức Đại hội (Đại biểu) lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2012 – 2017. >>Góp sức trẻ xây dựng thành phố Yên Bái

Tổ phát thanh - Truyền hình tiếng dân tộc trong giờ làm việc.

YBĐT - Họ là tổ Phát thanh – Truyền hình tiếng dân tộc của Đài PT-TH tỉnh Yên Bái. Công việc ngày ngày của họ là đem thông tin tới đồng bào các dân tộc thiểu số. Để làm được công việc thiết thực và ý nghĩa này, các anh, các chị ở đây đã phải nỗ lực không ngừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục