“Những người bạn” của đồng bào vùng cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/6/2012 | 2:54:48 PM

YBĐT - Họ là tổ Phát thanh – Truyền hình tiếng dân tộc của Đài PT-TH tỉnh Yên Bái. Công việc ngày ngày của họ là đem thông tin tới đồng bào các dân tộc thiểu số. Để làm được công việc thiết thực và ý nghĩa này, các anh, các chị ở đây đã phải nỗ lực không ngừng.

Tổ phát thanh - Truyền hình tiếng dân tộc trong giờ làm việc.
Tổ phát thanh - Truyền hình tiếng dân tộc trong giờ làm việc.

Hình ảnh của họ, giọng nói của họ đã quá đỗi thân thuộc với đồng bào vùng cao, đồng bào các dân tộc thiểu số. Những cái tên như Triệu Thị Mến, Vàng Thị Mai, Hà Kim Nghĩa, Giàng A Chua… đã được đồng bào coi là những người bạn, người thân trong gia đình bởi họ đã mang đến cho đồng bào những thông tin quý giá, chia sẻ cho đồng bào những kinh nghiệm hay.

Họ là tổ Phát thanh – Truyền hình tiếng dân tộc của Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) tỉnh Yên Bái. Công việc ngày ngày của họ là đem thông tin tới đồng bào các dân tộc thiểu số. Để làm được công việc thiết thực và ý nghĩa này, các anh, các chị ở đây đã phải nỗ lực không ngừng.

Chương trình tiếng dân tộc trên Đài PT-TH Hoàng Liên Sơn có từ năm 1977 với 3 thứ tiếng: Giáy, Mông, Dao. Năm 1991 tách tỉnh, Đài PT-TH tỉnh Yên Bái từ đó cũng có chương trình phát thanh tiếng dân tộc với tiếng Thái, Mông, Dao. Cũng từ đó đã bao lớp thế hệ những người làm chuơng trình tiếng dân tộc với nhiệt huyết mang thông tin tới đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chị Triệu Thị Mến – tổ trưởng Tổ chương trình tiếng dân tộc cũng đã có 16 năm trong nghề, chị chịu trách nhiệm biên tập một chương trình gốc để các biên dịch viên dịch sang tiếng dân tộc. Chị chia sẻ: “Đa phần nội dung đều được chuyển từ chương trình tiếng phổ thông sang nên chọn lọc thông tin là rất quan trọng. Thông tin phải gần gũi với đồng bào, đáp ứng mục tiêu tuyên truyền. Biên tập phải ngắn gọn, nội dung dễ hiểu nhất mới tạo được hiệu quả tuyên truyền”.

Ngoài chương trình thời sự, chương trình tiếng dân tộc của Đài tỉnh còn có những chuyên mục như: An toàn giao thông, Bàn chuyện làm ăn, Nhà nước và pháp luật, Chuyện trong nhà ngoài bản… rất nhiều những chuyên mục gần gũi với đồng bào đã được các anh chị dày công xây dựng. Những chuyên mục đó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc.

Với thời lượng phát sóng 30 phút mỗi ngày cho mỗi thứ tiếng, hàng tháng lại có 1 chương trình truyền hình tiếng Dao, 2 chương trình tiếng Mông gửi về VTV5, 4 chương trình truyền hình tiếng Mông địa phương, chương trình tiếng dân tộc đã đáp ứng cho khán thính giả đầy đủ các thông tin về thời sự, chính trị tổng hợp, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và các vấn đề xã hội của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số như hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những người làm chương trình. Trong đó, phải kể đến công tác biên tập và dịch ra tiếng dân tộc.

Người biên tập không chỉ dịch đúng với văn bản mà còn phải dịch được theo lối “tư duy” của đồng bào, ngôn ngữ dịch phải trong sáng, dễ hiểu, tránh dùng những từ ngữ văn hoa, chơi chữ. Chị Vàng Thị Mai – người có 16 năm làm công tác biên dịch, phát thanh viên tiếng Mông của Đài cho biết: “Tiếng Mông cái “tôi” luôn đi trước nên khi dịch không thể dịch từ sang từ được mà phải đọc cả đoạn, hiểu nội dung rồi dịch. Làm sao để đồng bào mình dễ hiểu nhất, phù hợp với bản sắc văn hóa. Nhiều từ khó chúng tôi phải hỏi các cụ trên quê, hoặc dịch theo ý hiểu của mình. Vì vậy công việc biên dịch đòi hỏi phải am hiểu tường tận ngôn ngữ của dân tộc mình, phải trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực”. 

Bên cạnh đó, để chương trình phong phú, thu hút được đồng bào nghe, các anh chị cũng phải đi cơ sở để làm được những chương trình có tiếng động của chính đồng bào hay đi thu âm những bài hát dân gian do chính đồng bào hát.

Để sản xuất một chương trình đó, phóng viên, biên tập viên của chương trình tiếng dân tộc phải đi đến những vùng sâu, vùng xa để ghi hình, để phỏng vấn, thu âm và phải vật lộn với từng con chữ, từng khuôn hình để có tác phẩm báo chí hay. Nhưng bù lại là tình cảm của đồng bào, là kinh nghiệm được đúc rút, là những kỷ niệm làm nghề không bao giờ quên.

Chị Mến vẫn còn nhớ lắm lần đi công tác tại xã Lang Thíp, huyện Văn Yên để thu bài hát của đồng bào dân tộc Dao. Mặc dù đồng bào đã được chuẩn bị trước song khi đứng trước máy lại sợ quá không thể hát được. Lúc đó đã quá khuya mà thu đi thu lại vài lần rồi vẫn chưa được, chị nghĩ: “Muốn gần gũi với đồng bào không chỉ biết nói tiếng của đồng bào mình mà phải biết hát nữa”.

Thế là chị liền hát trước. “Thật lạ là mình vừa hát xong thì có tiếng hát đáp lại của đồng bào ngay. Thật tự nhiên, mọi người bắt đầu cùng hát cho đến 3 – 4 giờ sáng mà không ai muốn về. Buổi thu âm đã thành công ngoài mong đợi của tổ công tác và dường như trở thành một buổi giao lưu văn nghệ” – chị Mến chia sẻ.

Vất vả của nghề không được các anh chị đong đếm bởi những người làm chương trình rất “say” nghề, luôn mong muốn được góp phần mang đến cho người dân ở vùng sâu, vùng xa những thông tin vừa xảy ra trong tỉnh, những cách làm ăn mới, đạt hiệu quả cao và cả những kinh nghiệm của chính một số người dân tộc thiểu số để thoát khỏi đói nghèo.

Những lá thư yêu cầu bài hát, hỏi đáp về luật pháp hay hỏi địa chỉ của người làm ăn giỏi… là nguồn động viên lớn đối với các anh chị trong tổ tiếng dân tộc và cũng chứng tỏ bà con đã rất quan tâm đến các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài tỉnh, đồng thời cũng khẳng định nội dung phát trong chương trình phù hợp với nhu cầu cần nghe, cần xem của bà con. Từ đó các anh, các chị mong muốn được xây dựng chương trình phong phú hơn nữa, hay hơn nữa, gần gũi hơn nữa để phục vụ đồng bào.

Chị Triệu Thị Mến tâm sự: “Chúng tôi muốn làm được nhiều hơn nữa. Những chương trình từ cơ sở, sát với thực tế còn ít quá mà đặc thù chương trình tiếng dân tộc phải đi đến vùng sâu, vùng xa, mất nhiều thời gian, công sức mới có thể thu âm, ghi hình được trong khi đó đội ngũ làm chương trình tiếng dân tộc lại mỏng, kiêm nhiệm nhiều. Nếu được đầu tư cả về nhân lực và vật lực, chắc chắn chúng tôi sẽ có nhiều chương trình hay, thiết thực hơn nữa, phù hợp hơn nữa với đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Vẫn biết là nhiệm vụ tuyên truyền đến đối tượng người dân tộc thiểu số vẫn nặng nề, con đường đi tới phía trước còn nhiều khó khăn nhưng tin rằng, bằng nỗ lực của chính những người làm chương trình tiếng dân tộc, bằng sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu, dự án phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và sự đồng tình ủng hộ, động viên khuyến khích kịp thời của khán, thính giả, những cán bộ phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên của Tổ chương trình tiếng dân tộc Đài PT-TH tỉnh sẽ không phụ lòng mong đợi và niềm tin của mọi nguời!

Thanh Ba

Các tin khác
Khó có thể tin đây là công trình Trường mầm non Hoa Huệ được khởi công từ cuối năm 2011.

YBĐT - Trường mầm non Hoa Huệ là trường mầm non duy nhất trên địa bàn xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái). Năm học 2011 - 2012 trường có 6 lớp 180 học sinh trong đó có 1 lớp ở điểm lẻ, năm học 2012 - 2013 số trẻ trong độ tuổi đông, trong khi trường chỉ được giao tuyển sinh 1 lớp.

Đồng chí Bùi Anh Túy - Tổng biên tập Báo Yên Bái cùng các phóng viên, biên tập viên trao đổi nghiệp vụ với cộng tác viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Văn Yên.
(Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Không thù lao hàng tháng, nhuận bút lúc dày lúc mỏng, gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp, gửi bài đi trong thấp thỏm, đợi chờ… nhưng các cộng tác viên của Báo Yên Bái vẫn nỗ lực hết mình để làm tin, chụp ảnh, viết bài cho báo.

Hiện trường vụ nổ

Vụ nổ xảy ra lúc 11g ngày 21-6 trước cửa tiệm vàng Hoàng Tín (124 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) làm nhiều người bị thương. Giao thông tắc nghẽn khi hàng trăm người hiếu kỳ đứng xem.

YBĐT - Cần mẫn chỉnh sửa, cắt gọt làm cho những bài báo hoàn chỉnh hơn, chính xác và hấp dẫn hơn, họ - những người hiếm khi xuất hiện trước công chúng cứ âm thầm cống hiến sức mình, góp phần làm nên vinh quang cho những người cầm bút và làm đẹp thêm “thương hiệu” của ấn phẩm Báo Yên Bái thường kỳ. Các anh các chị được ví như những nhà báo thầm lặng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục