Nén tâm nhang tháng Bẩy

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/7/2012 | 9:48:34 AM

YBĐT - Những chuyến lữ hành xuyên Việt, viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ: Trường Sơn, Đường Chín, Đắc Tô, Phú Quốc… cùng thành cổ Quảng Trị, đền thờ Bến Dược cứ thôi thúc tôi phải viết một cái gì về những người con của quê hương Yên Bái đang nằm lại nơi này. Âu đây cũng là nén tâm nhang gửi đến người đã khuất nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27 tháng 7.

Các văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái thắp hương tưởng niệm liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Các văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái thắp hương tưởng niệm liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Tháng Bẩy, bầu trời nặng nặng mây. Đường Hồ Chí Minh trải dài từ Bắc vô Nam cuốn lấy bánh xe đưa chúng tôi tiến mau về phía trước. Những địa danh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cứ lần lượt đi qua. Mấy chục năm sau giải phóng miền Nam, dấu vết khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước hầu như không còn nhưng nghĩa trang liệt sĩ bên đường với chót vót đài Tổ quốc ghi công luôn nhắc nhở ta nhớ về bao người con đã hy sinh vì tự do, độc lập.

Nơi đầu tiên chúng tôi viếng thăm lại chính là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải, cạnh đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh Quảng Trị, Nghĩa trang được thành lập theo sáng kiến của tướng Đồng Sĩ Nguyên, người chỉ huy Binh đoàn Trường Sơn.

Đây là nơi quy tập phần mộ của hàng vạn liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn, hay còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang có diện tích 140.000m2, có kiến trúc, bố cục độc đáo. Khu trung tâm nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng.

So với cách đây chục năm, khi tôi có dịp cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đến thăm viếng thì Nghĩa trang có sự thay đổi nhiều lắm. Vào ngày 19 tháng 5 năm 1999, nhân kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Binh đoàn Trường Sơn, Chính phủ quyết định nâng cấp và tân trang để phần nào thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã khuất.

Xen kẽ các khu mộ là những cánh rừng thông, thảm cỏ hoa nở rực rỡ suốt bốn mùa. Lối đi được lát đá, gạch hoặc láng xi măng, hai bên là phù điêu và các tượng đài thể hiện sinh động hoạt động của các binh chủng từng tham gia hoạt động trên tuyến đường huyết mạch.

Rồi ngót sáu chục khu yên nghỉ của liệt sĩ thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước được xếp trải trên năm quả đồi. Mỗi khu đều có đài tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh địa phương nơi họ sinh ra và lớn lên. Trong đoàn, phần lớn là anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh lần đầu được đến Nghĩa trang Trường Sơn.

Cảm động lắm và lại càng khâm phục thêm phẩm chất anh hùng của các liệt sĩ khi được nghe những người quản trang kể lại bao chuyện nửa hư nửa thực về sự anh linh của bao người con nằm lại đất này. Thắp nén hương thơm, cúi đầu tưởng niệm, bên tai văng vẳng tiếng quả đại hồng chung đặt ở lầu chuông với lời đề từ của giáo sư Vũ Khiêu “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

Sau khi làm lễ ở đài chính, chúng tôi đến với khu nghĩa trang của tỉnh Yên Bái. Cả khu có phần mộ của 63 liệt sĩ, hầu hết đều hy sinh khá trẻ. Gặp được người quê, dù chỉ còn là phần hồn cốt, mười lăm thành viên không ai không rơm rớm nước mắt.

Là người từng chiến đấu ở Trường Sơn, lại có bạn cùng quê đang nằm lại đây, nhà thơ Ngọc Bái bồn chồn đi tìm. Rảo qua từng hàng bia mộ, miệng lầm rầm khấn và anh dừng lại trước ngôi mộ gần nơi cổng vào.

Đó là mộ của liệt sĩ Đỗ Mạnh Hùng, sinh năm 1944, nhập ngũ tháng 9 năm 1963, hy sinh ngày 14/4/1967. Rạp người cúi lạy trước vong hồn bạn, anh như bồi hồi nhớ lại cái thời chăn trâu cắt cỏ, buổi đầu nhập ngũ với bao vất vả nhọc nhằn. Ngọn gió vô tình hay chính sự linh ứng của hồn liệt sĩ cứ cuốn tròn lấy làn khói hương, quyện vào mái tóc đã ngả trắng màu sương gió. Cho đến lúc phải rời xa để tiếp tục cuộc hành trình anh vẫn băn khoăn bởi chút sai sót: xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên chứ không phải An Lâm như ghi trên bia mộ.

Gặp một cán bộ quản trang đang đi quét dọn lá cây tại khu mộ các liệt sĩ, trình bày nguyện vọng và  băn khoăn đã được giải tỏa. Ngay chiều hôm đó sai sót sẽ được sửa chữa để yên lòng người dưới mộ và đồng bào, đồng đội mỗi khi thăm viếng. Thật khó tả xiết niềm vui của mọi người khi sự tri ân liệt sĩ đã trở thành tình cảm thấm đến từng thành viên của xã hội và biểu hiện bằng những việc làm tuy nhỏ mà ý nghĩa lớn.

Cũng ở đây chúng tôi được biết trên địa bàn Quảng Trị có gần 6 vạn liệt sỹ yên nghỉ ở 72 nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang Quốc gia là Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9. Đặc biệt hai nghĩa trang không bia mộ là Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn.

Nghe nhiều về trận chiến 81 ngày đêm để chốt giữ thành cổ, thế là ngay trong ngày chúng tôi ghé thăm di tích. Thành cổ bây giờ đã là một công viên xanh, bức tường gạch xù xì lỗ chỗ vết đạn và căn hầm cố thủ xây từ thời Pháp còn đó như nhân chứng xác nhận sự khốc liệt. Người ta tính số bom đạn địch dội xuống đây có sức công phá bằng bẩy quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hirôsima của nước Nhật Bản.

Xem qua các hiện vật ở bảo tàng, lặng ngắm đài tưởng niệm được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung mà bổi hổi bồi hồi với lời bài ca  “Cỏ non thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền: Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/… Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình”.

Còn sông Thạch Hãn xế bên mùa này con nước xanh trong, thời máu lửa mỗi ngày hàng đại đội hy sinh khi vượt sang chống địch tái chiếm Thành cổ. Thế nên một tấc đất chỗ này đều thấm đẫm máu xương chiến sĩ, làm sao tính nổi cái giá của sự hy sinh. Và mỗi chúng tôi lòng tự nhủ lòng xin chớ vô tình!

 

Thành cổ Quảng Trị.

Xuôi về phía Nam, chúng tôi đến với Phú Quốc. Hòn đảo lớn nhất Việt Nam này lại là nơi Mỹ Ngụy cho xây dựng một hệ thống nhà tù với đủ mọi hình thức tra tấn tàn bạo hòng làm lung lạc tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam – những người bị chúng bắt làm tù binh. Thời gian không đầy 6 năm đã có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế trong đó có nhiều người quê Yên Bái.

Trên tấm bia ghi tên các liệt sĩ hy sinh tại nhà tù, tôi đã đọc được tên của hàng chục liệt sĩ: Đào Xuân Trụ, Cao Văn Bảo, Nguyễn Văn Đặng, Hà Văn Ẩn, Lê Văn Luận, Bùi Công Thu, Đỗ Văn Thuật, Đào Văn Luật, Trần Văn Cảnh, Phạm Văn Nông. Không hiểu các anh có được nấm mồ hay đã bị kẻ thù dồn lấp vào những hố chôn tập thể hàng mấy trăm người để đến bây giờ đồng đội vẫn tiếp tục đi tìm.

Nghiêng mình trước Đài Tổ quốc ghi công tại khu tưởng niệm được xây dựng trên ngọn đồi phía tây nam nhà lao, nước mắt tự nhiên cứ ứa ra vừa xót thương anh em, vừa căm phẫn trước tội ác man rợ của kẻ thù. Riêng khu Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược thành phố Hồ Chí Minh, cùng với 44.209 liệt sĩ được khắc tên vào bia đá hoa cương xung quanh đền, có gần bốn mươi chiến sĩ quê hương Yên Bái.

Ở đây hương hồn của các liệt sĩ sẽ được ấm áp, thanh thản bởi hằng ngày bao nhiêu du khách đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ. Vô cùng xúc động và tự hào về những con người ưu tú của quê hương, tự trong tim có gì thổn thức để bật thành lời tri ân như đôi câu đối nơi cổng đền: “Lòng biết công ơn nhang thơm một nén/ Đời còn bóng dáng soi sáng ngàn năm”.

Trong những chuyến viếng thăm có nhiều chuyện khó tin mà vẫn phải tin vì tai nghe, mắt thấy. Ấy là khi qua Nghĩa trang Đắc Tô thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Nghĩa cùng cả đoàn vào viếng người anh hy sinh trong trận chiến tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh năm 1972 đang nằm tại đây.

Tin ở trí nhớ vì đã từng đến trước đó nên anh săm sắm vào thẳng vị trí ngôi mộ. Vậy mà hồi lâu, cả anh cùng mấy người, hàng chục con mắt vẫn không tìm thấy. Có ai đó nói to: “Phải xin ngoài khu đài chính đã”. Lạ kỳ thay, nhang vừa cắm vào bát hương thì mộ liệt sĩ hiển hiện ngay trước mặt. Thảng thốt, tất cả tỏa ra các ngôi mộ liệt sĩ xung quanh thắp nén nhang thay lời xin lỗi vì mải quan tâm đến chuyện riêng mà vô tình nhãng quên bao liệt sĩ khác.

Đối với nhà văn Hoàng Tương Lai, không có cơ hội như Nguyễn Tuấn Nghĩa vì người anh họ hy sinh do pháo bầy ở Long An chẳng có phần mộ. Đành xuống cánh đồng nơi anh hy sinh lấy một nắm đất mang về quê hương làm thủ tục an táng và thờ cúng theo phong tục của người Tày. Cũng từ sự kiện này mà anh viết nên bài thơ Bẩy vía thật xúc động: “…Trong cuộc chiến/ tổ ba người xông lên giữa ầm ầm súng dậy/ thắp nén hương lòng tiễn đồng đội đi xa /hai con vía ở lại miền đất đó”. Chẳng riêng anh, con vía trong tôi đang hiện hữu với đất trời tháng Bẩy. Xin thắp nén hương lòng gửi tới những người con của quê hương, đất nước đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

 Thế Quynh - Yên Bái tháng 7. 2012

Các tin khác
Bác sỹ Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh khám mắt cho trẻ em.

YBĐT - Từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn thành phố Yên Bái đã xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ. Thời tiết oi nóng cộng với môi trường ô nhiễm, bụi bặm... sẽ là nguyên nhân chính làm cho số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng lên.

Tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị sự cố tại vùng biển Hoàng Sa đã được tàu cảnh sát biển Vùng II đến cứu

Luật biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Tối 17/7, trường ĐH Dân lập Hải Phòng đã hoàn tất khâu chấm thi năm 2012. Thủ khoa của trường là thí sinh Nguyễn Thành Trung với 26 điểm.

YBĐT - Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, gần 200 người con của tỉnh Yên Bái đã vĩnh viễn nằm lại đất Hà Giang. Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của 40 liệt sỹ là con em các dân tộc Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục