Bệnh nhân khốn đốn vì cơ chế

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/7/2012 | 10:06:17 AM

YBĐT - Đã gần 1 năm nay nhiều bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã phải khốn đốn trong việc khám chữa bệnh vì những phiền toái do cơ chế quản lý tài chính đem lại.

Năm 2009, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã được Nhà nước đầu tư một máy chụp cắt lớp X.quang. Những tưởng, có máy chụp hiện đại này người bệnh sẽ giảm được rất nhiều chi phí đi lại để về Hà Nội hoặc các tỉnh khác mỗi khi bác sỹ có nhu cầu chụp cho người bệnh để chẩn đoán. Hơn nữa, không ít các trường hợp tính mạng của người bệnh phụ thuộc vào việc chụp cắt lớp X.quang vì nhiều trường hợp chỉ có xét nghiệm này mới đem lại hiệu quả là phát hiện bệnh sớm để điều trị mới kịp thời cho người bệnh.

Thực tế cho thấy, không ít bệnh nhân do không chụp được cắt lớp X.quang để chẩn đoán sớm nên đã rơi vào tình trạng "thập tử, nhất sinh"... Thế nhưng, gần 1 năm nay chiếc máy chụp cắt lớp của khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái bị cháy một bóng đèn nên phải ngừng hoạt động. Điều này đã khiến hàng ngàn lượt người bệnh khốn đốn.

Bác sỹ Nguyễn Song Hải, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực vừa nghỉ hưu cho biết: “Gần 1 năm nay, do không chụp được cắt lớp X.quang tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái nên người bệnh khốn khổ lắm! Cứ mỗi ca gọi ra Bệnh viện Hữu Nghị 103 Yên Bái là bệnh nhân mất 400.000 đồng tiền xe đón ra chụp X.quang, mặc dù 2 bệnh viện cách nhau chỉ chừng 3 - 4 Km. Nếu như lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Yên Bái kêu gọi các bác sỹ đóng cổ phần vào để mua bóng đèn đã bị hỏng thì người bệnh bớt khổ hơn nhiều, mà thầy thuốc cũng có việc làm, góp cổ phần sẽ có thu lời lớn mặc dù chỉ thu tiền chụp theo đúng giá quy định của Nhà nước là được”.

Ông Hà Mạnh Cường - Chi cục trưởng, Chi cục Môi trường, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái là một trong số bệnh nhân khốn khổ chỉ vì không thể chụp được cắt lớp X.quang tại Yên Bái kể lại: “đầu tháng 12/2010 tôi bị đau bụng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để điều trị. Do không chụp cắt lớp được nên các thầy thuốc chưa thể chẩn đoán ra bệnh vì vậy họ đã giữ tôi lại bệnh viện để theo dõi. Sau hơn 1 ngày nằm ở bệnh viện, các bác sỹ vẫn không chẩn đoán ra bệnh, trong khi đó tình trạng sức khoẻ của tôi ngày một giảm sút trầm trọng có nguy cơ tử vong. Thấy vậy, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái đã giới thiệu tôi đi Hà Nội để khám và điều trị.

Trên đường về Hà Nội để cấp cứu, đến đoạn Việt Trì (Phú Thọ) thì người cán bộ y tế trên xe đưa tôi đi cấp cứu nói với người nhà tôi là tình trạng rất nguy kịch nếu về Hà Nội tôi sẽ khó sống nổi nên đã đưa tôi vào Bệnh viện Đa khoa Việt Trì để cấp cứu ngay.

Tại Bệnh viện Đa khoa Việt Trì, tôi đã được chụp cắt lớp với chẩn đoán là hoại tử ruột do xoắn ruột và mau chóng được chuyển lên bàn mổ. Các bác sỹ phẫu thuật đã cắt bỏ 2/3 ruột non của tôi vì đã bị hoại tử không còn khả năng hồi phục. May mắn cho tôi đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần vì ngay trong khi mổ các bác sỹ ở đây nói thẳng với gia đình tôi là khó qua khỏi vì tình trạng bệnh quá trầm trọng. Sau 1 tuần nằm điều trị tôi được chuyển về Hà Nội để mổ lần 2 nối lại ruột non và đưa vào trong ổ bụng do lần mổ trước không thể thực hiện khâu nối ruột hoại tử ngay được”.

Còn anh Bùi Văn Tuấn ở thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo cho hay, con trai anh 4 tuổi bị tai nạn giao thông bất tỉnh, đưa ra Bệnh viện Hữu Nghị 103 Yên Bái để chụp cắt lớp X.quang nhưng ở đó các bác sỹ bảo điện yếu không biết đến bao giờ mới có thể chụp được. Thấy vậy anh cho con vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng máy chụp cắt lớp hỏng nên các bác sỹ đã giới thiệu xuống Bệnh viện Hùng Vương ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). May mắn sau chụp cháu không bị ảnh hưởng nặng nên lại về Yên Bái điều trị.

Hai ngày sau cháu có biểu hiện sốt, buồn nôn và nôn nên gia đình lại thuê xe cấp cứu xuống Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để chụp lại. May mắn cho gia đình là bệnh của cháu không bị ảnh hưởng lớn đến tính mạng và hiện nay cháu đã khỏi bệnh hoàn toàn chỉ có điều phải đưa cháu đi chụp 2 lần X.quang mà gia đình tôi đã tốn kém thêm gần chục triệu đồng, trong đó riêng tiền xe đã gần 3 triệu đồng, còn lại là tiền chụp, tiền ăn uống...

Được biết, để thay thế bóng đèn phát tia X của máy chụp này, lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái và Bệnh viện Đa khoa Yên Bái buộc phải có văn bản trình UBND tỉnh để được cấp kinh phí. Khi được tỉnh đồng ý cấp kinh phí, Bệnh viện lại phải làm thủ tục đấu thầu theo nguyên tắc quản lý tài chính thì mới có thể thay thế bóng đèn phát tia của máy. Cả quãng thời gian bệnh viện làm thủ tục thay thế bóng đèn của máy cũng chính là thời gian bệnh nhân khốn khổ vì cơ chế này.

Trước ý kiến của bác sỹ Nguyễn Song Hải, ông Vàng A Sàng - Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Yên Bái cho biết: Hiện nay, Bệnh viện đang học tập một số bệnh viện lớn để thực hiện chính sách xã hội hoá theo kiểu: Kêu gọi tổ chức cá nhân đầu tư các thiết bị y tế hiện đại, đặt tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái để khám, chữa và điều trị cho bệnh nhân. Viện phí thu được từ các thiết bị đầu tư ấy sẽ được chia hợp lý theo thoả thuận với nhà đầu tư. Làm như vậy, nhà đầu tư sẽ có lãi, cán bộ y tế có thu nhập chính đáng từ việc làm của mình còn người bệnh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Tuy nhiên, trường hợp thay thế bóng điện phát tia X của máy chụp cắt lớp X.quang tại Bệnh viên Đa khoa Yên Bái lại không thể thực hiện được bởi đây là máy do Nhà nước đầu tư với số tiền gần 10 tỷ đồng, trong khi đó tiền mua 1 chiếc bóng phát tia X trị giá gần 1 tỷ đồng thì không thể thu tiền viện phí từ dịch vụ này được. Vì vậy Bệnh viện vẫn phải làm đầy đủ các thủ tục từ báo cáo xin đầu tư, đấu thầu... để thay thế bóng điện phát tia của máy - ông Vàng cho biết thêm.

Hiện nay, các thủ tục để thay thế bóng đèn phát tia X của máy chụp cắt lớp X.quang đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái hoàn tất. Dự kiến trong tháng 7 này máy chụp cắt lớp X.quang của bệnh viện sẽ hoạt động trở lại. Đây là điều đáng mừng, nhưng trong thời gian hoàn tất này cũng sẽ còn nhiều bệnh nhân khốn đốn bởi mỗi ngày Bệnh viện tỉnh Yên Bái có tới vài chục ca cần chụp cắt lớp X.quang.

Đức Tưởng

Các tin khác

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tối 22-7, bão số 4 hoạt động cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía đông bắc và hầu như ít di chuyển. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hầu hết các tỉnh đã hoàn thành dự kiến tăng giá dịch vụ y tế trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua và sẽ triển khai ngay từ ngày 1-8.

Dòng chữ Hán này đọc từ phải sang có nghĩa: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ.

Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của TQ được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam TQ là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương

Tối 21/7, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão số 4 hoạt động trên khu vực biển Đông và có tên quốc tế là Vicente.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục