Đạo lý, trách nhiệm và tình cảm
- Cập nhật: Thứ năm, 26/7/2012 | 10:03:55 AM
YBĐT - Ân trả, nghĩa đền - đó là đạo lý, là trách nhiệm, là tình cảm của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh, đối với những gia đình người có công với nước.
Lễ đón hài cốt liệt sĩ Yên Bái từ Tây nguyên về các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
|
Trải qua các cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của dân tộc cũng như chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ, tỉnh Yên Bái có 67.073 người có công với cách mạng. Trong đó có 5.435 liệt sĩ, 4.602 thương binh, 1.354 bệnh binh, 81 mẹ Việt Nam anh hùng, 1.700 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, 31 lão thành cách mạng, 429 người hoạt động kháng chiến và thời tiền khởi nghĩa, 90 người bị địch bắt tù đày, 438 thanh niên xung phong, 11 gia đình có công với nước, 53.345 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương và trợ cấp 1 lần.
Bên cạnh đó, rất nhiều người tham gia kháng chiến nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên không có hoặc mất giấy tờ, nhiều cảnh rủi ro khác nay mang trên mình nhiều di chứng, thương tật mà không được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Họ coi sự cống hiến, hy sinh cá nhân là hạnh phúc lớn lao, được góp máu xương, công sức của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Họ coi sự trở về là phần thưởng vô giá khi được chứng kiến thành quả cách mạng mà máu xương đồng đội đã đổ xuống để dân tộc được tự do, nước nhà được độc lập. Trong hoà bình, xây dựng đất nước, họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, hăng say lao động sản xuất, xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu mạnh.
Ân trả, nghĩa đền - đó là đạo lý, là trách nhiệm, là tình cảm của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh, đối với những gia đình người có công với nước. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, việc tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh khá tốt.
Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc, chăm lo đời sống, nhà ở, việc làm cho gia đình người có công đã được phát huy và có những tiến bộ nhất định. Tuy vậy, thực tế đời sống, nhà ở, một bộ phận người có công chưa hẳn đã hết khó khăn và con em của người có công không phải ai cũng có việc làm thuận lợi.
Tiếp tục làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số công tác sau đây:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; vừa thực hiện chính sách tốt vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó động viên, tạo điều kiện, khuyến khích người có công phát huy truyền thống và điều kiện cụ thể thi đua lao động, sản xuất, xây dựng cộng đồng dân cư, gương mẫu và cùng mọi người thực hiện pháp luật, giáo dục con cái chăm ngoan, xây dựng gia đình cách mạng gương mẫu, xây dựng đơn vị xã, phường vững mạnh, toàn diện, góp được nhiều việc cho công tác chăm sóc người có công, làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ. Đồng thời đấu tranh chống các biểu hiện lợi dụng chính sách, tiêu cực, làm mất lòng tin của nhân dân.
Thứ hai: Thực hiện và làm tốt các chế độ, chính sách đối với người có công đồng thời với công tác huy động các nguồn lực, xã hội hoá công tác chăm sóc người có công một cách thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả, giúp người có công vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống, tiếp tục đóng góp cho gia đình, cho xã hội.
Thứ ba: Tiếp tục làm tốt công tác mộ liệt sỹ; chăm lo, bảo quản, chỉnh trang, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh kết hợp với các lực lượng từng bước nâng tầm các công trình ghi công liệt sỹ vừa là công trình tâm linh, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật vừa là điểm đến của thế hệ trẻ trong giáo dục truyền thống cách mạng vừa là nơi cầu an, cầu hạnh phúc tiền hôn nhân. Mặt khác phối hợp triển khai làm tốt thông tin mộ liệt sỹ, cập nhật, đối chiếu, giải mã phiên hiệu đơn vị, tiến tới xét nghiệm ADN, từng bước làm rõ danh tính liệt sỹ, tạo mọi điều kiện để thân nhân đón hài cốt liệt sỹ trở về với quê hương, đất mẹ.
Thứ tư: Tiếp tục giải quyết công tác tồn đọng chiến tranh trên cơ sở các quy định chung của Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế dân chủ, minh bạch, công khai; đảm bảo người có công thực sự thì được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước, chống các biểu hiện tiêu cực trong lập hồ sơ để hưởng chế độ; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực công tác, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh và xã hội các cấp.
Thứ năm: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về người có công trong lĩnh vực chi trả, lập và quản lý hồ sơ, giải quyết kịp thời các vấn đề khiếu nại, tố cáo của nhân dân; xử lý nghiêm các sai phạm, đảm bảo chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện công bằng, nghiêm minh.
“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Với những chủ trương, giải pháp đồng bộ cùng tinh thần dân chủ, minh bạch, công khai và nghiêm túc, ý chí quyết tâm cao, nhất định chúng ta sẽ làm tốt công tác thực hiện chính sách và chăm sóc người có công với cách mạng, xứng đáng với máu xương các liệt sỹ đã đổ, xứng đáng với những mất mát của toàn thể các thương binh, bệnh binh và người có công, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoàng Đức Vượng -Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Thấm nhuần lời dạy của Bác về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Nam Cường, thành phố Yên Bái luôn sâu sát đến công tác chăm sóc người có công, tích cực vận động nhân dân phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Chiều 25-7, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã báo cáo nhanh kết quả công tác tìm kiếm cứu nạn 6 tháng đầu năm 2012.
YBĐT - Trong những năm gần đây, thành phố Yên Bái luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn và đã có nhiều giải pháp tích cực trong công tác này nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân về PCTN, góp phần đấu tranh PCTN đạt hiệu quả.
YBĐT - Kể từ hôm nhận lời đi tìm liệt sĩ Nguyễn Công Định, trong đầu tôi hiện dần biết bao gương mặt, nhớ dần những cảnh huống và nhớ dần từng tên đồng đội, nhớ dần từng địa điểm chôn cất các anh.