Trạm Tấu nỗ lực giải quyết chỗ ở cho học sinh bán trú

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/8/2012 | 3:27:10 PM

YBĐT - Nhờ có nhiều giải pháp thiết thực trong chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục, huyện Trạm Tấu đã đạt được những bước tiến vượt bậc ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Năm học 2011-2012, huyện đã duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) ở cả 12/12 xã, thị trấn; phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi đạt 7/12 xã, trong đó trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đạt 79%; chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 6/12 xã, thị trấn.

Đặc biệt, sau một năm học thực hiện chính sách chuyển đổi hình thức trường bán trú dân nuôi sang hệ thống trường chuyên biệt (phổ thông dân tộc bán trú) và học sinh thuộc diện bán trú sẽ được hưởng mức hỗ trợ bằng 1/3 mức lương tối thiểu thì bà con người Mông lại càng tích cực cho con em đi học. Do đó có những gia đình rất khó khăn mà 3 đứa con vẫn được đi học. Có trường mẫu giáo ban đầu chỉ có 30 cháu đăng ký học do 2 cô giáo phụ trách nhưng về sau lên tới 46 cháu vì các phụ huynh khác đã thấy được lợi ích nên đề nghị được đưa con ra lớp.

Các đồng chí lãnh đạo huyện đều có chung tâm sự rằng, người dân ngày càng coi trọng việc học tập của con cái chính là niềm vui lớn nhất của Đảng bộ và nhân dân trong huyện bởi từ lâu huyện đã xác định phát triển giáo dục là mấu chốt trong sự nghiệp “trồng người” của một địa phương có trên 90% đồng bào Mông và vốn được coi là nghèo, lạc hậu nhất của tỉnh.

Bởi thế, dựa trên những tiền đề đã đạt được, năm học 2012-2013, huyện Trạm Tấu đã xây dựng nhiều chỉ tiêu quyết tâm phấn đấu mang tính đột phá như: xoá thôn bản trắng về giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ mẫu giáo được ra lớp là 80%, nhà trẻ 17%; huy động học sinh ở độ tuổi tiểu học ra lớp đạt 98%... Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất là sự thiếu thốn về chỗ ở cho học sinh bán trú. Đơn cử như Xà Hồ là một xã giao thông đi lại không đến nỗi phức tạp lắm nhưng năm học 2012-2013 có 316/675 học sinh phải học lớp bán trú.

Còn đối với các xã khác như: Tà Xi Láng, Làng Nhì, Phình Hồ, Bản Mù, Túc Đán…, địa hình núi cao cắt xẻ, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán thì chắc chắn tỷ lệ học sinh bán trú sẽ còn cao hơn và có lẽ chỉ ở Trạm Tấu mới có chuyện nhiều trẻ mẫu giáo phải ở bán trú tại trường, cuối tuần bố mẹ mới đến đón về.

Năm học vừa qua, các trường trong huyện mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về chỗ ở cho học sinh bán trú nhưng phải ngủ chung từ 2 đến 3 em mỗi giường, số còn lại phải ở nhờ trong nhà người quen hoặc ở trong những lán ruộng, nương. Điều kiện học tập sinh hoạt như thế đã gây nhiều trở ngại cho các em như phải tự nấu nướng vừa tốn kém vừa vất vả, các lều nương không có điện, vách che không kín, không có ai quản lý học ngoài giờ nên các nhà trường rất lo lắng đến sức khoẻ, sự an toàn của các em và chất lượng học tập.

Để khắc phục những khó khăn về chỗ cho học sinh bán trú, huyện Trạm Tấu đã có những đề xuất với tỉnh giúp đỡ tháo gỡ và được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trước mắt, trong năm học này, huyện phải giải quyết tình huống bằng việc tập trung xây dựng nốt 7 điểm thôn chưa có trường mầm non. Nguồn vốn xây dựng nhà lớp học ở mỗi điểm này khoảng 100 triệu đồng được ứng từ quỹ dự phòng của huyện để làm kết cấu bằng khung thép. 

Các thầy cô giáo ở đây đã tự nguyện đóng góp chút tiền lương cùng với địa phương xây dựng, tu sửa chỗ ở cho học trò. Ngoài ra, huyện cũng đã tranh thủ được nguồn tài trợ của những doanh nghiệp hảo tâm ủng hộ hàng trăm mét vuông bạt để che ấm cho các khu nhà ở tập thể có đông học sinh.

Các đơn vị như: Văn phòng Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh hàng năm đều vận động cán bộ, công chức viên chức, chiến sỹ ủng hộ vật chất như sách, sở, thức ăn khô cho nhiều điểm trường. Đặc biệt, Công an tỉnh đã phối hợp với đoàn viên thanh niên Học viện Cảnh sát nhân dân giúp xây dựng một điểm trường mầm non ở xã Bản Mù.

Cùng với nỗ lực giải quyết những khó khăn về chỗ ở cho học sinh bán trú, huyện Trạm Tấu rất mong muốn các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tiếp tục giúp đỡ học sinh bán trú trong huyện khi mùa đông đang đến gần. Những sự đóng góp ấy đối với trẻ vùng cao hôm nay chắc chắc sẽ là nguồn động lực vô cùng quan trọng xây dựng chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Nông dân xã Minh Tiến (Trấn Yên) thu hoạch rau màu. (Ảnh Linh Chi)

YBĐT - Làm gì để thu hút nông dân tham gia tổ chức hội, trở thành mái ấm của nông dân toàn xã, được nông dân tin tưởng, gửi gắm, cậy nhờ… đó chính là mục tiêu của Hội Nông dân xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên (Yên Bái) nhiệm kỳ 2012 - 2017.

YBĐT - Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2012 với chủ đề "Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em", đến nay, thành phố Yên Bái đã vận động xây dựng Quỹ "Vì trẻ thơ" được trên 382 triệu đồng, trong đó cấp thành phố 150 triệu đồng và cấp xã, phường hơn 232 triệu đồng.

Một tiết mục hát dân ca tại Hội thi Văn nghệ - Thể dục thể thoa Hội NCT thành phố Yên Bái năm 2012.

YBĐT - Việc quan tâm, chăm sóc, nâng cao đời sống, giúp hội viên sống vui, sống khoẻ, sống có ích được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Hội người cao tuổi thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục