Những chứng nhân lịch sử
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/8/2012 | 3:51:33 PM
YBĐT - Mùng 2 tháng 9 năm 1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 67 năm đã qua đi, quãng thời gian dài không thể làm phai mờ cảm xúc của những con người đã từng được sống, được nghe, được lâng lâng hạnh phúc về mùa thu cách mạng đầy kiêu hãnh và tự hào ấy...
Trở về cuộc sống đời thường, câu lạc bộ bóng bàn 19/8 của ông Phạm Văn Xiển luôn thu hút đông đảo thành viên tham gia tập luyện.
|
Thời đó, ông Hà Thiết Hùng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn (cũ) mới 16 tuổi và đã tham gia vào đội quân Việt Minh, làm tự vệ chiến đấu ở chiến khu Vần... Sau khi được 2 người cậu dẫn đi tham gia đội quân cách mạng, tháng 5/1945 ông Hùng đã bắt đầu cuộc đời làm cách mạng với câu nói dặn dò của 2 người cậu: “Đây là làm việc cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam, phải chịu khó, chịu khổ, có khi phải hy sinh cả tính mạng nhưng phải nhớ đó là sự hy sinh cho tự do của dân tộc”.
Ý thức được nhiệm vụ của mình là làm liên lạc giữa Chiến khu Vần với tiểu khu Thượng Bằng La và bảo vệ cán bộ cơ sở, ông Hùng cùng với rất nhiều người trạc tuổi như ông lúc bấy giờ đã góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng cướp chính quyền ở vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Phù Yên tiến tới cuộc cách mạng 19/8 thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giờ đã ở tuổi ngoài 80 - cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông Hà Thiết Hùng vẫn còn nhớ như in cái ngày ông cùng đồng đội, nhân dân được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ông bảo: “Vui lắm, phấn khởi lắm. Đâu đâu cũng chỉ nói chiến thắng, về một nền độc lập dân tộc bắt đầu. Ngày đó, thông tin liên lạc còn thô sơ lắm, không có đài cũng không có loa nên thông tin về ngày độc lập chúng tôi biết được sau đó 3 ngày nhưng vẫn trọn một niềm vui, niềm xúc động vô bờ bến. Không được nghe trực tiếp nội dung Bác nói trong bản Tuyên ngôn Độc lập đâu, chỉ nghe người mang thông tin tới nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với cả thế giới rằng dân tộc Việt Nam là một, rằng nước Việt Nam độc lập, dân tộc Việt Nam bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới. Đi đâu cũng nghe được cụm từ độc lập, tự do. Không khí vui mừng phấn khởi lan tỏa, tạo động lực rất mạnh mẽ trong những người trẻ tuổi như tôi bấy giờ để ra sức bảo vệ chính quyền non trẻ”.
Cũng một thời trẻ trai, một thời sôi nổi và đầy nhiệt huyết, lý tưởng cách mạng như ông Hùng, năm nay đã bước vào tuổi 85, thương binh nặng hạng 2/4- Phạm Văn Xiển ở tổ 25 (phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái) vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương sáng cho con cháu, cộng đồng học tập noi theo.
Nhớ lại năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ông Xiển không khỏi bồi hồi xúc động: “Ngày ấy trường làng còn vắng lắm, cơ sở vật chất dành cho công tác thông tin liên lạc còn thiếu thốn. Đám thanh niên chúng tôi chưa đến tuổi nhập ngũ nên tuy còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng suốt ngày cứ sốt ruột, thấp thỏm, chỉ mong nghe có thông tin chiến trường về thôi. Tôi còn nhớ như in cái hôm nghe được thông tin Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, cả đám chúng tôi tung bút vở chạy bay ra bờ biển reo hò. Thật vui mừng, phấn chấn lắm”.
Sinh năm 1928 trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học tại xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - quê hương giàu truyền thống cách mạng, kể từ cái ngày nhận được tin vui ấy, gần 3 năm sau, ông Xiển tình nguyện lên đường nhập ngũ và được cử đi đào tạo sỹ quan tại Thanh Hoá, được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Năm 1952 đơn vị hành quân tập kết lên Điện Biên làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ngày 5/5/1954, trong một trận đánh ác liệt chiếm điểm cao 105, ông bị thương và phải cưa cụt cánh tay trái.
Trở về sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tình nguyện tham gia đoàn công tác cải cách ruộng đất tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1960, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, ông được về công tác tại Bộ Tài chính, rồi được điều động lên công tác tại Sở Tài chính tỉnh Yên Bái. Đến năm 1971, do yêu cầu của tổ chức, ông được điều chuyển công tác sang làm Phó chủ tịch UBND thị xã Yên Bái, đến năm 1984 được Nhà nước cho nghỉ chế độ...
Trên 30 năm công tác, hơn 60 tuổi Đảng và trải qua 3 cuộc kháng chiến, ông Xiển được Đảng, Nhà nước và địa phương trao tặng 2 Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Hiện nay, ông Xiển đang sống trong gia đình đầm ấm, hạnh phúc, 4 người con của ông đều đã trưởng thành, công tác tại Hà Nội và Yên Bái, các cháu nội, ngoại đều đã khôn lớn và thành đạt... Lúc nào ông cũng dặn dò cháu con truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và chưa bao giờ lãng quên giây phút thiêng liêng của mùa thu năm ấy...
Còn nhiều, rất nhiều nữa những con người, những nhân chứng sống của một thời oanh liệt tạo dựng nên nền độc lập chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa – họ chính là những tấm gương sáng, những nhân cách sống cao đẹp cho các thế hệ cháu con noi theo.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Ngày 31/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái và Sở Tài nguyên & môi trường đã thực hiện lễ ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2012-2016.
YBĐT - Hiện nay, hoạt động nhân đạo đã được các cơ quan, đoàn thể và các cấp chính quyền ở thành phố Yên Bái quan tâm. Tuy vậy, hoạt động hội chữ thập đỏ (CTĐ) cấp xã, phường vẫn còn nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực và phát huy hiệu quả các mô hình hoạt động của tổ chức hội cùng cấp.
YBĐT - Trước tình hình an ninh trật tự (ANTT) phức tạp, Ban Công an xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo lực lượng công an có giải pháp kịp thời đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững ANTT trên địa bàn.
Chiều 30-8, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo công tác chuẩn bị năm học mới 2012-2013.