Thực hiện pháp luật về lao động: Báo động trong các doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ tư, 7/11/2012 | 9:25:44 AM
YBĐT - Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt chính sách tiền lương cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, các doanh nghiệp đều có sai phạm trong việc thực hiện những quy định của pháp luật về lao động.
Trong đó, chủ yếu ở các nội dung như: bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), hợp đồng lao động (HĐLĐ), an toàn vệ sinh lao động, chế độ trợ cấp cho NLĐ... Phóng viên YB ĐT có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Lương - Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
PV: Xin ông cho biết tình hình thực hiện pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Lê Văn Lương: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.168 doanh nghiệp với trên 21.800 lao động làm việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên và 5.500 người có hợp đồng lao động dưới 3 tháng.
Trong năm vừa qua, việc triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động khá tốt. Trong các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp chuyển đổi từ công ty Nhà nước, 100% NLĐ khi được tuyển dụng vào làm việc đều được doanh nghiệp giao kết HĐLĐ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt tỷ lệ trên 90%, doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 60 - 70%.
Đến nay, trên 400 doanh nghiệp đã đăng ký nội quy lao động, trong đó, doanh nghiệp Nhà nước đạt 100%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 70%, khối doanh nghiệp tư nhân, tỷ lệ đăng ký nội quy lao động còn thấp...
Nhìn chung, các doanh nghiệp đều nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc chấp hành pháp luật về lao động. Người sử dụng lao động quan tâm nhiều hơn đến điều kiện làm việc, thực hiện các chính sách, chế độ đối với NLĐ. NLĐ an tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, mối quan hệ lao động ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện pháp luật về lao động vẫn còn những hạn chế; chưa có sự phối hợp tốt giữa các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp; công tác phát triển công đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp; vai trò của công đoàn cơ sở chưa được phát huy, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kiến nghị hoặc thỏa thuận với chủ doanh nghiệp điều chỉnh HĐLĐ và thỏa ước lao động tập thể, dẫn đến lãn công ở một vài doanh nghiệp.
Đối với NLĐ, do đa số có trình độ chuyên môn, tay nghề thấp, khả năng nhận thức pháp luật hạn chế, tác phong lao động, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao; một bộ phận công nhân chỉ quan tâm đến quyền lợi mà không thấy được trách nhiệm, nên dễ bị lôi kéo, làm phát sinh những tranh chấp không đáng có.
PV: Vậy đâu là những sai phạm chủ yếu của các doanh nghiệp?
Ông Lê Văn Lương: Sai phạm lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp là thực hiện không đúng chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ. Theo quy định, NLĐ làm việc và hưởng lương liên tục 3 tháng trở lên thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, BHYT nhưng thực tế, có ít doanh nghiệp thực hiện quy định này.
Phần lớn, doanh nghiệp sai phạm trong lĩnh vực ký kết và thực hiện các nội dung trong HĐLĐ (không ký đúng loại hợp đồng, nội dung các điều khoản không cụ thể về địa điểm, công việc làm), không trả đủ lương làm thêm giờ, làm việc vào ngày lễ, chủ nhật, không xây dựng và đăng ký thang bảng lương; tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ không đầy đủ; không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ về BHXH cho NLĐ, nợ đọng tiền BHXH; sa thải NLĐ không báo cáo với cơ quan lao động địa phương theo quy định của pháp luật lao động.
Qua thực tế kiểm tra, đa số các doanh nghiệp Nhà nước hoặc từ doanh nhiệp Nhà nước chuyển sang cổ phần đều thực hiện tốt pháp luật lao động. Còn doanh nghiệp tư nhân, ngoài việc thu hút lao động, giải quyết việc làm, hầu hết chưa thực hiện tốt các chế độ đối với NLĐ. Rõ ràng, việc thực hiện pháp luật lao động trong các DN là vấn đề đáng báo động hiện nay.
PV: Vậy nguyên nhân dẫn đến sai phạm và hướng xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Văn Lương: Nguyên nhân chủ quan là doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác lợi nhuận mà bỏ qua việc thực hiện pháp luật lao động và nguyên nhân khách quan là do doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, còn một nguyên nhân đặc biệt là bản thân NLĐ chấp nhận mất quyền lợi của mình! Nghe thì có vẻ phi lý nhưng đó là sự thật. Bởi, hiện nay, NLĐ vẫn phải chịu áp lực về việc làm rất lớn nên họ đành chấp nhận việc “chịu thiệt thòi một phần”.
Mặt khác, việc thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua còn lơi lỏng, vô tình để tình trạng sai phạm của doanh nghiệp kéo dài. Điều này làm cho các doanh nghiệp có phần chủ quan. Lực lượng thanh tra mỏng nên việc thanh kiểm tra còn gặp không ít khó khăn. Hơn thế, thời điểm suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp không tìm được việc làm, thậm chí còn bị phá sản, dẫn đến chủ doanh nghiệp không có khả năng thực hiện các chế độ với NLĐ như: trả lương hoặc nợ đọng BHXH...
Về nguyên nhân chủ quan, đối với NLĐ, do hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, tác phong công nghiệp, trình độ tay nghề còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công việc nên rủi ro trong quan hệ lao động như: mất việc làm, tai nạn lao động, không được tham gia BHXH...
Để khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới cần có sự chỉ đạo, phối hợp của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan; UBND cấp huyện, đoàn thể các cấp nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong phối hợp triển khai, phổ biến, thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về lao động trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về bảo hộ lao động trong các năm tiếp theo.
Đồng thời, hướng dẫn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập và nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ công đoàn để họ trở thành người tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động ở doanh nghiệp.
Các ngành chức năng tăng cường phối hợp, có biện pháp ngăn ngừa và giải quyết tốt các cuộc đình công, lãn công, các doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt và quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách, pháp luật, những nội dung đã thoả ước; trong đó, đặc biệt quan tâm đến chính sách tiền lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản phúc lợi..., công khai minh bạch các chính sách, chế độ với NLĐ.
Đối với các đơn vị cố tình vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động sẽ lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định tại Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 06/5/2012 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động và Nghị định số 86/2010/MĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Tuấn (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Từ 16 hội viên CCB làm nòng cốt, đến nay tổ hợp sản xuất thôn Đồng Phúc, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho gần 100 lao động là con em CCB và nhân dân trong xã, cho thu nhập bình quân mỗi lao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/ tháng.
YBĐT - Trường Mầm non xã Bảo Ái (Yên Bình) có 207 cháu với 8 phòng học, trong đó có 6 phòng học tạm và 2 phòng bán kiên cố. Hiện tại nhà trường còn thiếu toàn bộ các phòng học chức năng (phòng làm việc của Ban giám hiệu, phòng y tế, phòng hoạt động âm nhạc, bếp ăn) nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy và nuôi dưỡng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, cao đẳng, các viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ và các trường trung cấp chuyên nghiệp rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Khoảng 6 giờ sáng 6/11, mặt đất huyện Bắc Trà My lại tiếp tục rung lắc kèm theo tiếng nổ phát ra từ lòng đất… Người dân sống ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 càng thêm lo sợ.