Không để đốt đồ mã trở thành hủ tục!
- Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 8:28:00 AM
YBĐT - Tết Nguyên đán là thời điểm mọi nhà đang tất bật sửa soạn, mua sắm mọi thứ cho gia đình. Cùng với việc chuẩn bị các loại thực phẩm phục vụ ngày tết, nhiều gia đình cũng không quên việc mua thật nhiều đồ mã để “tiễn” đưa ông Công, ông Táo về trời, đi lễ đền chùa đầu năm và đốt cho người dưới âm nhân dịp đầu xuân năm mới.
Mua sắm đồ mã tại cửa hàng đồ mã chợ ga Yên Bái.
|
Theo tín ngưỡng dân gian, ngoài ngày rằm tháng 7 (ngày Xá tội vong nhân), tết Nguyên đán cũng là một trong những dịp quan trọng để mọi người tỏ lòng thành kính, tri ân với đất trời, tổ tiên và những người đã khuất. Vì thế, dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng mua sắm đồ mã để gửi biếu thần linh, thổ địa và người thân ở thế giới bên kia.
Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nếu trước kia, đồ mã truyền thống đơn giản chỉ là tiền vàng, mũ áo, giày dép… thì ngày nay để “phù hợp” với sự thay đổi của xã hội hiện đại, đồ mã theo đó cũng đã trở nên phong phú, đa dạng hơn về mẫu mã, chủng loại, kích cỡ. Không chỉ ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh được làm bằng giấy trông giống y như thật mà ngay cả biệt thự, lái xe, ôsin… khách hàng có nhu cầu thì các cửa hàng đồ mã cũng đều đáp ứng tức thì.
Bà Bùi Thị Là – chủ một gian hàng bán đồ mã tại chợ Ga Yên Bái cho biết: “Trong những năm gần đây, nhu cầu mua sắm đồ mã của người dân ngày càng tăng. Không chỉ có những dịp như: giỗ, tết, rằm, mùng một mới tới mua về cúng tế mà hàng ngày, khi đi lễ chùa, làm lễ giải hạn, lễ cầu an, lễ cúng chúng sinh… mọi người cũng tới mua sắm rất nhiều. Tuy nhiên, thời điểm bán chạy nhất trong năm vẫn là tháng cuối năm gần tết Nguyên đán. Trung bình những ngày này, tôi và các chủ kinh doanh đồ mã trong chợ bán được từ 10- 20 triệu tiền hàng”.
Qua tìm hiểu, giá của các loại đồ mã không hề rẻ: bộ ít tiền nhất cũng có giá từ 15 - 20 nghìn đồng còn nhiều thì lên tới tiền triệu.
Chị Nguyễn Thị Hằng - người dân phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Vừa qua, gia đình tôi đi làm lễ giải hạn cho mọi người trong nhà hết gần 30 triệu đồng, trong đó, riêng tiền mua mã gần 20 triệu đồng. Nhiều lúc nghĩ cũng thấy xót tiền, nhưng nếu không làm thì cứ thấy áy náy, lương tâm không thanh thản”.
Có thể thấy, từ xa xưa, việc dâng cúng và đốt đồ mã đã được coi là một nét văn hóa tâm linh của người Việt, là hành động tượng trưng thể hiện lòng thành tâm của người còn sống tưởng nhớ, biết ơn, hiếu thảo với người đã khuất. Vậy nhưng, vì nhiều người quá mê tín, hiểu sai bản chất vấn đề, luôn tin rằng càng đốt nhiều đồ mã thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ nên đã thực hiện một cách thái quá, gây lãng phí, tốn kém và làm ô nhiễm môi trường.
Thực tế thì từ ngày 12/7/2010, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2010 về quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó đã có phần quy định rõ mức phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử văn hoá, nơi công cộng khác.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm Nghị định 75 có hiệu lực, việc đốt mã ở các lễ hội, di tích lịch sử văn hóa, nơi công cộng vẫn diễn ra và rất hiếm người bị xử phạt. Hầu hết người dân khi được hỏi đều không rõ việc đốt đồ mã như thế nào sẽ bị phạt, một số người thì hiểu cứ đốt vàng mã tại lễ hội, đình chùa, di tích là bị phạt.
Để việc đốt đồ mã không trở thành hủ tục, các cơ quan quản lý, ngành chức năng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân tự nhận thức và tự điều chỉnh việc đốt vàng mã như thế nào cho hợp lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình, phù hợp với nếp sống văn minh.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Những ngày áp tết, giữa nhộn nhịp phố phường, trong rực rỡ cờ, đèn, muôn nẻo đường hoa xuân nơi thành phố làm không khí xuân thêm rạo rực. Ngoài đào, quất đặc trưng của mùa xuân đất Bắc, những chậu mai vàng phương Nam cũng có mặt nơi thành phố núi này, để có nhiều sự lựa chọn cho người chơi hoa…
Chiều 5-2, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đã tổ chức họp tại Hà Nội về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và tình hình cung ứng thực phẩm dịp Tết Quý Tỵ.
Bộ LĐTB&XH vừa có công văn yêu cầu đảm bảo an toàn trong dịp Tết Quý Tỵ và Tuần lễ phòng chống cháy nổ lần thứ 15.
YBĐT - Nhiều năm qua, do đẩy mạnh tuyên truyền vận động nên số vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ở Nậm Có (Mù Cang Chải - Yên Bái) đã giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu như năm 2011 xảy ra 22 vụ, 31 đối tượng, thì năm 2012 chỉ còn 10 vụ, 22 đối tượng.