Khi làm chiến sỹ, lúc là dân
- Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 3:48:38 PM
YBĐT - Nhiều năm qua, do đẩy mạnh tuyên truyền vận động nên số vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ở Nậm Có (Mù Cang Chải - Yên Bái) đã giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu như năm 2011 xảy ra 22 vụ, 31 đối tượng, thì năm 2012 chỉ còn 10 vụ, 22 đối tượng.
Công an xã Nậm Có tích cực tuyên truyền pháp luật tới nhân dân các bản vùng sâu vùng xa.
|
Giáp tết Quý Tỵ, chúng tôi lên với xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. Trong tiết trời giá lạnh, những cây đào, cây mận vẫn đua nhau khoe sắc giữa núi rừng trùng điệp. Bên kia sườn núi, trong sắc nắng xuân, những chàng trai cô gái dân tộc Mông, Thái ríu rít nói cười cùng nhau xuống chợ... Rồi chính họ là người đưa chúng tôi đến với những cán bộ, chiến sỹ công an đang gắn bó từng ngày, từng giờ với vùng cao yêu dấu...
Đến trụ sở làm việc của Ban Công an xã, chúng tôi đón nhận những cái bắt tay nồng nhiệt của cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Thượng uý Lò Văn Diên - cán bộ Công an huyện phụ trách địa bàn phấn khởi: "Các anh lên với vùng cao, anh em cảm động lắm, chiều nay mời đoàn ăn bữa cơm rau rừng với Công an xã. Chiều qua, bà con đã tặng anh em cành đào rừng; mâm tết đủ cả: mứt, chuối, bưởi, rượu - các anh xem".
Tôi nhìn lên, thấy ban thờ có ảnh Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc. "Anh em ở thôn bản vùng cao cả năm, tết cũng không về gia đình sum họp, có buồn không?" - tôi hỏi. Anh em cười tươi: "Chúng em là người đi đâu, làm bất cứ công việc gì mà Đảng và nhân dân giao phó. Đi dân nhớ, ở dân thương mà anh".
Chuyện trò một lúc, chúng tôi xuống bản cùng Trung sỹ Hà Minh Đức và Thiếu uý Hoàng Văn Du. Con đường đất từ trụ sở xã đến bản Phình Ngài qua cơn mưa đêm trước bánh xe quay tít. Thượng uý Diên trấn an: "Anh cứ yên tâm, đường hôm nay còn đỡ đấy, đường này tháng nào chúng em chẳng lên bản từ hai đến ba lần. Nếu mấy hôm trước thì chỉ có mà cuốc bộ, lên bản nhanh cũng mất 7 tiếng đồng hồ”.
Được biết, một chuyến công tác đi Lùng Cúng, Phình Ngài, Đá Đen, anh em chiến sỹ cũng mất cả tuần mới về tới trụ sở xã. Xuống với dân, chủ yếu là nhờ vào nhà già làng, trưởng bản, đều được các gia đình yêu quý cả. Vừa làm công tác nắm tình hình, vừa tuyên truyền pháp luật, cán bộ chiến sỹ công an còn vận động bà con không du canh du cư phá rừng làm nương rẫy, không tàng trữ mua bán ma tuý, không tái trồng cây thuốc phiện, không nghe kẻ xấu tuyên truyền đạo trái phép, không sử dụng súng săn, vũ khí vật liệu nổ và tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm.
Nhiều năm qua, do đẩy mạnh tuyên truyền vận động nên số vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ở Nậm Có đã giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu như năm 2011 xảy ra 22 vụ, 31 đối tượng, thì năm 2012 chỉ còn 10 vụ, 22 đối tượng.
Chiều muộn, chúng tôi mới tới được nhà Chang Là Giao - Trưởng bản Phình Ngài. Thấy khách đến thăm, ông Giao mừng lắm, ra cửa đón khách rồi ngoái vào nhà gọi to: “Cả nhà ơi, công an Diên đưa khách đến nhà chơi”. Vào trong nhà, tôi thấy cả thảy có hơn 20 người. Ông Giao phấn khởi khoe: “Gia đình hôm nay mổ con lợn trên 70 kg để ăn tết, hôm nay có cả trưởng bản Lùng Cúng - anh Chang A Của đến ăn tết cùng. Các anh đến với gia đình như thế này thì mừng quá rồi”.
Được biết, ở Phình Ngài có 36 hộ, chỉ 3 người già còn nghiện thôi. Kinh tế của bà con mấy năm gần đây đã khá hơn nhiều rồi, không còn hộ đói, nhân dân tích cực trồng lúa ruộng năng suất cao, trồng ngô. Tết nhà ít cũng mua yến thịt và mấy con gà, nhà nhiều mổ lợn 60 kg đến cả tạ. Các anh công an nhiệt tình với dân lắm, giúp dân mùa vụ, làm nhà, làm đường giao thông... việc gì cũng làm hết, nhân dân quý các anh ấy lắm!”. Tình cảm của người dân với những chiến sỹ công an ở đây thật đầm ấm.
Trong số các anh em công an ở Nậm Có thì Thượng uý Lò Văn Diên là người dân tộc Thái, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu có thời gian gắn bó với địa bàn lâu nhất. Là người được đào tạo chính quy từ nhỏ, đã từng 5 năm học tại Học viện An ninh. Năm 2003, ra trường Diên được điều động về Công an huyện Mù Cang Chải và được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn xã Nậm Có, 2 năm sau anh chuyển sang địa bàn xã Lao Chải. Năm 2008, do tình hình Nậm Có có nhiều diễn biến phức tạp về tội phạm ma tuý, Diên được điều động quay lại địa bàn Nậm Có.
Thời gian đầu ở Nậm Có, Diên đã quen và yêu cô giáo Hoàng Thị Vân là người thị xã Nghĩa Lộ lên dạy tại trường cấp 1 ở trung tâm xã. Sau đó thì họ thành đôi. Trong ngôi nhà gỗ cách UBND xã gần 100 m, đồ dùng sinh hoạt còn đơn sơ, Vân tâm sự: “Nhà em mua ở đây được 5 năm nay rồi, chúng em đã có một cháu gái 7 tuổi và chuẩn bị sinh cháu thứ hai. Chúng em xác định cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này. Nhà em làm công an vất vả lắm bởi Nậm Có là địa bàn rộng tới 14 bản, có những bản cách trung tâm xã đến gần 30 km, đường đi nhiều đèo dốc, khe núi hiểm trở. Tháng nào cũng xuống bản tới cả chục ngày. Thậm chí nếu có ở nhà thì đêm hôm ở đâu có việc gì là lại lên đường. Vất vả là vậy nhưng mẹ con em luôn động viên để anh ấy yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”.
Trong chuyến công tác ở Nậm Có, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về những khó khăn ngày đầu nhận nhiệm vụ ở xã của các đồng chí công an. Đó là sự bất đồng ngôn ngữ giữa cán bộ chiến sỹ với đồng bào. Nhưng với phương châm “4 cùng” với dân “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” và hiểu được phong tục tập quán đồng bào nên các chiến sỹ công an đã được bà con hiểu, tin và yêu quý . Còn chúng tôi hiểu thêm một lần nữa những công việc của các chiến sỹ công an ở nơi cuộc sống còn muôn vàn khó khăn này.
Xuống với dân, chủ yếu là nhờ vào nhà già làng, trưởng bản, đều được các gia đình yêu quý cả. Vừa làm công tác nắm tình hình, vừa tuyên truyền pháp luật, cán bộ chiến sỹ công an còn vận động bà con không du canh du cư phá rừng làm nương rẫy, không tàng trữ mua bán ma tuý, không tái trồng cây thuốc phiện, không nghe kẻ xấu tuyên truyền đạo trái phép, không sử dụng súng săn, vũ khí vật liệu nổ và tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Nhiều năm qua, do đẩy mạnh tuyên truyền vận động nên số vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ở Nậm Có đã giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu như năm 2011 xảy ra 22 vụ, 31 đối tượng, thì năm 2012 chỉ còn 10 vụ, 22 đối tượng. |
Thạch Phong
Các tin khác
YBĐT- Nhân dịp đón Xuân Qúy Tỵ 2013, ngày 5/1, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã đi thăm và tặng quà 6 gia đình hội viên Hội cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên.
YBĐT - Điểm chung họ vẫn cùng nhau nhắc nhớ và chia sẻ là một thời ký ức Trường Sa. Sống như một người lính, kiên cường, dũng cảm không chỉ là gương sáng cho thế hệ trẻ mà còn bởi niềm tự hào mãi mãi trong lòng mỗi người: tự hào lính đảo Trường Sa!
YBĐT - Sinh ra và lớn lên trên quê nghèo lam lũ nên phiên chợ quê ngày tết đã in trong tiềm thức tuổi thơ tôi với niềm nhớ thương, háo hức… để rồi khi đủ lớn, tôi mới nhận ra rằng, chợ quê ngày tết chẳng đơn thuần chỉ là phiên chợ cuối cùng của năm mà còn là biểu trưng cho những giá trị truyền thống của một vùng văn hóa Việt...
YBĐT - Chúng tôi đến gặp người lái phà trên bến Âu Lâu năm xưa đưa vũ khí cùng những đoàn quân vào chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ. Ông là Phạm Trung Tốn, 85 tuổi, hiện đang ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Ngoại bát tuần nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, minh mẫn.