Tết Quý Tỵ: Người dân Yên Bái chi tiêu tiết kiệm và khôn ngoan

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/2/2013 | 9:15:28 AM

YBĐT - Thị trường tết Nguyên đán đã nhanh chóng kết thúc để trở lại với nhịp điệu vốn có của mình. Nếu để có một lời nhận xét về thị trường tết Quý Tỵ thì một câu cô đọng nhất chắc chắn sẽ là “đa chiều”.

Chợ  hoa ngày tết ở thành phố Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Chợ hoa ngày tết ở thành phố Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Một vấn đề rất mới đã tác động mạnh đến thị trường tết năm nay, đó là thời tiết nắng nóng bất thường những ngày áp tết. Không thể ngờ, sau những ngày mưa phùn gió bấc lạnh thấu xương bỗng nhiên trời quang mây tạnh rồi nắng gay gắt, nhiệt độ những ngày cuối tháng Chạp ở các địa phương đều trên 26 oC, bức bối như mùa hè. Nóng ẩm làm cho đào, quất rụng hoa, rơi quả; hồng, cúc, dơn, phăng “ngoẹo đầu”.

Nhìn cành đào như ngọn tre gai rào vườn và những lẵng hoa “ngủ gật” chẳng ai muốn mở ví. Những nhà vườn hay cửa hàng cẩn trọng giữ gìn cho hoa được tươi mới cũng khó hút khách vì tâm lý “nóng nực chẳng thể chơi được lâu”. Sự thờ ơ của người tiêu dùng khiến giá hoa xuân giảm đến mức khó tin.

Một cành đào bích loại trung bình (nếu so với những năm rét đậm, rét hại, đào mất mùa thì vào loại đỉnh) ở Yên Bình, Trấn Yên hay thành phố Yên Bái chỉ trên dưới 100 nghìn đồng; gia đình nào có phòng khách nhỏ hẹp, kệ tủ khó bày biện thì chỉ cần bỏ ra ba, bốn chục nghìn đã có một cành đào hoa rực rỡ. Quất còn khốn khổ hơn đào, 50- 60 nghìn đồng một cây hình thấp, 100 đến 120 nghìn cây quất thế mang tận Hà Nội, Hưng Yên lên. Chủ hoa nào quyết nhanh, đại hạ giá sớm còn bán được, gỡ lại một phần vốn, nếu gan lỳ thì 28 tết đành thanh lý cho các nhà vườn Yên Bái mua về làm giống....chờ tết năm sau!

Chuyện phi lý nhất là có anh cán bộ công tác ở tận vùng cao Mù Cang Chải khổ công rước một cành đào rừng “đại thụ” về thành phố biếu bố vợ, giá mua hôm 25 tháng Chạp ở ngã ba Kim là 500 nghìn đồng, khi về đến đầu cầu Yên Bái thấy cả rừng đào khoe sắc, số tiền 500 nghìn ấy mua luôn được 3 cành mà còn có phần đẹp hơn. Chát đắng trong cổ, anh buông một câu: “Biết thế này về thành phố làm chuyến đào phai, đào mốc lên Mù Cang Chải thì kiếm đủ!”. Mãi đến 29 tết (tức ngày cuối cùng của năm cũ do tháng thiếu), trời rét trở lại, người người mới đi chọn hoa, dù giá có tăng lên đôi chút nhưng với người bán, không thể bù những ngày thảm hại trước đó.

Nắng nóng, hoa đại hạ giá dẫn đến thua lỗ song vẫn chỉ là chuyện nhỏ so với hàng quần áo! Cứ nóng như mấy hôm 24, 25, 26 tháng Chạp thì tết này cứ diện áo sơ mi đi chúc tết cho thoáng mát! Thế là những biển “Đại hạ giá”, “Giảm giá sốc”; “Xả hàng”, “Khuyến mại từ 40 đến 60% thời trang đông” chăng lên khắp phố, quần áo đang trong tủ kính bóng loáng, sang trọng bỗng đổ đống ngoài hè đường, bán như hàng may hỏng, cắt lỗi mọi khi. Cơ hội cho các bà, các chị nghèo khó, nông thôn! Tranh thủ chọn, nhặt vài thứ hưởng giá hời, ai cũng hỉ hả: “Nếu năm nay không mặc thì vụ sau, mặt khác là: chắc gì ngoài Giêng đã hết rét!”. Nắng nóng kéo sát tết khiến nhiều thực phẩm mọi năm thường được “tải” lớn khác như: giò lụa, giò thủ, hải sản đông lạnh… cũng chịu chung số phận.

Mặt hàng thịt lợn bao giờ cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất và sản lượng thịt tết luôn tăng rất mạnh thế mà năm nay cũng đìu hiu hiếm thấy. Anh Dũng bán thịt lợn ở chợ Cổ Phúc (Trấn Yên) cho biết, trước đây, mỗi dịp tết anh bán được khoảng 2 đến 2,5 tấn lợn hơi, riêng ngày 29 và 30 mỗi buổi mổ ít nhất 5 con. Giá cả thì tết nào cũng thế, ít nhiều cũng phải tăng, đặc biệt là thịt mông, thịt thăn, chân giò, xương sườn. Nhưng riêng năm nay thì ngày nhiều nhất bán được 3 con, những loại hàng bán chạy và tăng giá vừa kể trên cũng có nhích chút  nhưng chỉ bù được thịt mỡ, thịt thủ, đặc biệt là lòng, tiết rất khó mời dù giá đã rất hạ so với mọi ngày.

Lý do là năm nay “phong trào” mua lợn về tự mổ trong dân tăng rất mạnh! Có lẽ vì chán cảnh thịt không an toàn bán ngoài chợ, vì muốn ngày tết có tiếng lợn kêu eng éc cho vui tai nên rất nhiều gia đình đã rủ nhau góp tiền mua con lợn “sạch” (không ăn thuốc kích thích tăng trọng) về mổ, liên hoan một bữa rồi chia nhau thịt để làm cỗ tết. Chắc chắn phong trào này sẽ còn duy trì và phát triển không chỉ dịp tết mà cả ngày lễ và ngày thường nếu người chăn nuôi không từ bỏ thói quen dùng thuốc, cám tăng trọng và người bán thịt chưa từ bỏ việc dùng hàn the hay phụ gia độc hại khác để tẩm ướp khi bán hàng.

Không ít người nhận xét rằng: Sức mua tết này không hề giảm, bằng chứng là không thấy cửa hiệu nào ế ẩm hàng hóa, rất nhiều kệ hàng đã sạch trơn! Đúng là không thấy có mặt hàng nào dư thừa, không thấy cửa hiệu nào tỏ ra ế ẩm nhưng tổng lượng hàng hay tổng doanh thu dịp tết Quý Tỵ đã thấp hơn rất nhiều so với những tết trước.

Có lẽ cả năm qua, hai câu “khủng hoảng kinh tế” và “thắt chặt chi tiêu”  được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất. Sản xuất đình trệ, hàng hóa tồn kho, chi phí sản xuất lớn khiến doanh nghiệp lao đao, áp tết Nguyên đán mà còn không ít doanh nghiệp chưa trả lương tháng 11, tháng 12 cho công nhân; rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thưởng tết cho cán bộ, công nhân viên vài ba trăm nghìn đồng, thậm chí là không có… thì làm sao thị trường tết sức mua tăng được!

Một nguyên nhân không thể không nhắc đến, đó là người tiêu dùng đã biết chi tiêu một cách tiết kiệm và khôn ngoan hơn trước. Câu nói “Đói cả năm no ba ngày tết” giờ không phù hợp, cuộc sống đã đủ đầy hơn, miếng ăn, manh áo không còn là vấn đề quá phải quan tâm như trước.

Cùng với đó, thị trường đã có nhiều thay đổi để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của từng người; có lẽ chỉ hoa đào và mứt tết là ngày thường không thể mua được hoặc rất khó mua được, còn lại tất tật hàng hóa khác đều có bán từ chiều mùng Một , sáng mùng Hai tết thì không lý gì bỏ tiền ra mua lắm để rồi tủ lạnh chứa không hết đành bỏ ôi, mốc trong khi ví tiền đang phải cơ cấu lại cùng với sự cơ cấu của cả nền kinh tế.       

Lê Phiên

Các tin khác

Ngày đầu đi làm (18/2), Bắc Bộ trời hửng nắng nhưng ngay sau đó, 2 đợt không khí lạnh sẽ liên tiếp tăng cường gây mưa rét tại Bắc Bộ…

Ngày 16.2, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh miền Bắc, gây mưa rải rác, trời rét ngọt.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định số 13 về chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn TNCS HCM, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam (gọi chung là cán bộ Đoàn, Hội) trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26.3.2013.

Theo dự báo, hôm nay (11/2) tức mùng 2 Tết, miền Bắc tiếp tục rét đậm, rét hại; Hà Nội rét 13 độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục