Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH và BHYT
- Cập nhật: Thứ tư, 27/2/2013 | 2:39:01 PM
YBĐT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế xã hội…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên (thứ hai, phải sang) gặp gỡ trao đổi với cán bộ, công chức Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái nhân dịp xuân Quý Tỵ.
|
Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXN và BHYT trong giai đoạn 2012 – 2020”.
Nghị quyết 21 đã khẳng định, BHXH và BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, công tác BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị xã hội.
Hệ thống chính sách pháp luật về BHXH và BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; số người tham gia BHXH và BHYT tăng qua các năm, thực hiện việc chi trả lương hưu và các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật; quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng. Quỹ BHXH được hình thành, có kết dư và bảo toàn, tham gia đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ BHYT bước đầu đã cân đối được thu chi và có kết dư…
Tuy nhiên công tác BHXH, BHYT còn một số hạn chế, yếu kém, cụ thể là: diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động, số tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân số; quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu; việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT còn có thiếu sót; tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT còn nhiều…; quỹ BHXH, nhất là quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần; tình trạng người lao động lạm dụng chính sách BHTN diễn ra khá phổ biến; quỹ BHYT luôn tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt…
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH tại các địa phương chưa được chặt chẽ, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao…
Bộ Chính trị đề ra mục tiêu: thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lao động tham gia BHXH, 35% lao động tham gia BHTN và trên 80% dân số tham gia BHYT; sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; sử dụng hiệu quả và bảo đảm cân đối quỹ BHYT; xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra là: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH và BHYT. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT…
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, trong đó nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; hoàn thiện chính sách pháp luật, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ… Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT; nghiên cứu sửa đổi chính sách điều tiết nguồn thu BHYT kết dư từ địa phương về Trung ương, trích lại tỷ lệ thích hợp cho địa phương để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh… Sớm ban hành Chiến lược BHXH, BHYT đến năm 2020; từng bước thực hiện nguyên tắc “đóng - hưởng”, gắn với điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định…
Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT và tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH, BHYT.
Với việc đánh giá đúng tình hình, chỉ rõ nguyên nhân, tồn tại và hạn chế, yếu kém đồng thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp hết sức cụ thể, Nghi quyết số 21 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thể hiện rõ sự quan tâm cao nhất của Đảng và Nhà nước đối với người lao động nói chung và chính sách an sinh xã hội nói riêng, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành giáo dục Yên Bái đã có những chuyển biến vượt bậc, góp phần quan trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
YBĐT - Sau khi làm đẹp cho mọi nhà trong những ngày tết, những chậu hoa, cây cảnh được mang ra vứt bên lề đường vừa làm mất mỹ quan đô thị vừa gây nên nỗi vất vả cho những người làm công tác thu gom rác thải.
Tại buổi làm việc sáng nay 27-2 với Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị, Thủ tướng chỉ đạo cho phép doanh nghiệp thuộc Vinashin và Vinalines được khoanh nợ đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2012 trở về trước.
Hành vi in ấn, nhân bản, phát hành tài liệu về đường biên giới quốc gia không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc thể hiện không đúng đường biên giới quốc gia sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.