Thắp sáng ngọn lửa ước mơ
- Cập nhật: Thứ ba, 12/3/2013 | 9:57:09 AM
YBĐT - Mô hình trường bán trú như ở Phong Dụ Thượng là một trong những ví dụ sinh động bước đầu khẳng định sự cần thiết nhờ những hiệu quả mang lại đã góp phần thắp sáng ngọn lửa ước mơ trên chặng đường vươn tới tri thức cho học sinh vùng cao vốn còn gập ghềnh gian khó.
Một tiết học của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phong Dụ Thượng.
|
Một ngôi trường khang trang, sạch đẹp có đủ phòng học, sân chơi, bếp ăn, ký túc xá cho học sinh, nhà ở công vụ cho giáo viên…là điều mà cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân xã vùng cao đặc biệt khó khăn Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên từng mong mỏi bấy lâu nay đã thành hiện thực khi ngôi trường THCS duy nhất của xã được chuyển đổi sang loại hình phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).
Thầy giáo Ngô Tiến Yên - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Phong Dụ Thượng tâm sự: “Chỉ mới 3 năm trước thôi, ngôi trường này vẫn chỉ là một, hai dãy nhà đơn sơ, không tường rào, không bãi tập, sân chơi…, tối đến nằm nghe tiếng mõ trâu của dân bản buộc ngay trong sân trường khua cả đêm mà không sao ngủ được. Vậy nhưng kể từ năm 2011, khi Trường được chuyển đổi sang loại hình bán trú, nhận được thêm sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị tài trợ, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nhà trường đã có được cơ sở vật chất khang trang, tương đối đầy đủ trang thiết bị dạy học, chỗ ăn, ở cho học sinh bán trú nên đến nay tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đã nâng lên, số học sinh chuyên cần được đảm bảo, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao”.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phong Dụ Thượng tranh thủ ôn bài ngoài giờ lên lớp.
Năm học 2012- 2013, Trường PTDTBT THCS Phong Dụ Thượng huy động được tổng số 342/363 học sinh ra lớp, đạt tỷ lệ 94,2%; tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần hàng tháng đạt 92,5%. Kết thúc học kỳ I, toàn trường có 30,5% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; 58,4% học sinh xếp học lực trung bình…Kết quả này so với mặt bằng chung các trường ở vùng thấp và khu vực thị trấn, thị xã, thành phố chưa cao, song đối với một xã vùng cao đặc biệt khó khăn 99% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì đây đã là cả một sự tiến bộ.
Cô giáo Vũ Thị Mến - giáo viên nhà trường, người đã có nhiều năm gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, chia sẻ: “Nếu ai đã công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian lâu chắc sẽ hiểu, cũng vì cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp nên đã bao đời nay hầu như người dân ở những nơi này không thiết tha, mặn mà với việc đi học. Thêm vào đó, con đường đến trường của các em cũng thật gian nan, vất vả khi phải trèo đèo, lội suối cuốc bộ hàng chục cây số mới tới chỗ học. Vì thế, hôm nay thấy nhiều em đã tự nguyện tới trường, các em xa nhà đã yên tâm ở lại học tập, nhiều em đã có những nỗ lực, cố gắng, phấn đấu là chúng tôi mừng rồi”.
Song song với việc hết lòng chuyên tâm cho sự nghiệp “trồng người” thông qua việc tự trau dồi, bổ sung kiến thức, tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ do tỉnh và huyện tổ chức, từ trước đến nay, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các em học sinh cũng luôn được cán bộ, giáo viên nhà trường hết sức quan tâm. Hầu hết cả thầy và trò đều là những người sống xa gia đình nên tình cảm càng trở nên gắn bó, thân thiết hơn.
Trường PTDTBT THCS Phong Dụ Thượng hiện có 243/342 học sinh đang hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước với mức hỗ trợ 40% lương cơ bản/học sinh/tháng và thêm 10% lương cơ bản đối với những học sinh không có chỗ ở. Số tiền chưa phải là nhiều nhưng đã giúp cho các học sinh nghèo vùng cao yên tâm gắn bó với trường, với lớp.
Được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền sinh hoạt, để giúp các em cải thiện bữa ăn hàng ngày - “bữa cơm có thịt”, nhà trường đã tận dụng quỹ đất trong khuôn viên để làm vườn rau cho các em tự trồng và chăm sóc; mua thỏ và lợn để các em tự tăng gia rồi tất cả bán cho bếp ăn của nhà trường phục vụ luôn chính bữa ăn của các em.
Học sinh nhà trường chăm sóc rau tự trồng.
Cũng thông qua những hoạt động lao động tập thể này đã rèn luyện cho các em kỹ năng sống, lao động và xây dựng tình đoàn kết gắn bó giúp đỡ lẫn nhau, tạo một môi trường giáo dục thân thiện, tích cực và lành mạnh. Như thế, gánh nặng về bát cơm hằng ngày của các em dường như đã được đỡ đi rất nhiều, học sinh yên tâm học tập. Trước đây, học sinh vùng cao chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh còn nghèo, thiếu thốn, địa bàn phức tạp và đồi núi cách trở nên việc đi lại rất khó khăn...
Nhiều gia đình lo cho bữa ăn hàng ngày đã khó sao có thể nghĩ cho con mình được học cao hơn nữa, chỉ cần học biết mặt chữ là bắt về tham gia lao động, hay cưới vợ, cưới chồng rồi sinh con. Chính vì thế mà tình trạng học sinh bỏ học cao, tỷ lệ chuyên cần thấp, trình độ dân trí chưa được nâng lên. Vì vậy, thực hiện mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú là nhân tố quan trọng, động lực để các em được tới trường và tự hoàn thiện mình.
Mô hình trường bán trú như ở Phong Dụ Thượng là một trong những ví dụ sinh động bước đầu khẳng định sự cần thiết nhờ những hiệu quả mang lại đã góp phần thắp sáng ngọn lửa ước mơ trên chặng đường vươn tới tri thức cho học sinh vùng cao vốn còn gập ghềnh gian khó.
Nghị quyết số 22/NQ-HĐND về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015 được HĐND tỉnh khóa XVI - kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 16/12/2009. Nghị quyết này được áp dụng đối với những trường phổ thông ở khu vực vùng khó khăn, có học sinh nội trú dân nuôi; học sinh nội trú dân nuôi là những học sinh gia đình ở xa trường, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi, về trong ngày, được tổ chức ăn, ở, sinh hoạt và học tập tại trường. Mục tiêu của Nghị quyết là: xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo nền móng vững chắc cho phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 72 trường phổ thông dân tộc bán trú, với quy mô trên 7.000 học sinh nội trú dân nuôi. Được phân bổ ở các địa phương như sau: Mù Cang Chải 22 trường, Văn Chấn 14 trường, Văn Yên 13 trường, Trạm Tấu 11 trường, Lục Yên 6 trường, Trấn Yên 4 trường, Yên Bình 2 trường. Đến nay sau 3 năm, tức hơn nửa thời gian thực hiện, một hội nghị lớn của tỉnh sẽ được tổ chức cuối tháng 3 tới đây để bàn về hiệu quả xây dựng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái. |
H.O
Các tin khác
YBĐT - Sau 4 năm triển khai, phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư" luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp của các ngành thành viên và sự ủng hộ của các cấp chính quyền, người dân cũng như bản thân người nhiễm HIV… Qua đó, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tối 11/3, Bộ GD-ĐT đã công bố nội dung thông tư liên tịch do liên bộ Tài chính - GD-ĐT ban hành quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, lệ phí tuyển sinh. Theo đó, mức lệ phí đăng ký và dự thi ĐH, CĐ chính thức tăng lên 105.000 đồng/hồ sơ.
Lễ họp mặt sẽ diễn ra ngày 15/3 tới, tại Di tích lịch sử Trại giam tù binh cộng sản ở Phú Quốc.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết số 22/2009 của HĐND tỉnh Yên Bái về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái (giai đoạn 2010- 2015), sau 3 năm thực hiện, toàn huyện Trạm Tấu đã có 10 trường bán trú tiểu học và trung học cơ sở.