Cả nước xảy ra hơn 40.000 vụ tai nạn lao động mỗi năm
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/3/2013 | 2:03:31 PM
Việt Nam đứng sau nhiều nước trên thế giới, bao gồm phần lớn các nước trong khu vực, về an toàn lao động.
Hình ảnh vụ tai nạn tại công trình thuỷ điện Suối Sập 1,tỉnh Sơn La, làm 8 công nhân tử nạn năm 2011
|
Phát biểu tại hội thảo khu vực “Tăng cường hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao” tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 14-15/3, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Nếu không hành động ngay từ bây giờ thì sẽ quá muộn”.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2012 cả nước có 606 người chết vì tai nạn lao động, tăng gần 10% so với năm 2011. Năm 2012 cũng ghi nhận gần 6.800 vụ tai nạn lao động, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng và chi phí bồi thường lên tới 82,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Hồng Lĩnh, đây là con số thống kê chưa đầy đủ, ước tính con số thực tế lên tới 40.000 vụ mỗi năm. Các ngành khai thác mỏ, xây dựng, hóa chất để xảy ra nhiều tai nạn lao động với số người chết cao nhất.
Ông Nguyễn Thái Hòa, điều phối viên quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về an toàn vệ sinh lao động cho biết: “Điều kiện làm việc thiếu an toàn trong các ngành này gây ra rất nhiều rủi ro, có thể dẫn tới tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Điều đáng lo ngại chính là số vụ tai nạn lao động và ca mắc bệnh nghề nghiệp trong các ngành này, đặc biệt là ngành khai thác mỏ và xây dựng, có xu hướng gia tăng với những tác động nghiêm trọng hơn”.
Theo Giám đốc Quốc gia Văn phòng ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, do phần lớn các vụ tai nạn lao động có nguyên nhân từ chính con người, việc tăng cường nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cần được thực hiện ở phạm vi lớn hơn, không chỉ ở nơi làm việc.
Theo ILO, cứ mỗi 15 giây, trên thế giới có một công nhân chết vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Và cứ mỗi 15 giây, 160 công nhân bị tai nạn khi đang làm việc. Những tổn thất về con người trong vấn đề này rất lớn. Gánh nặng kinh tế do điều kiện an toàn lao động và vệ sinh ở nơi làm việc không đảm bảo ước tính tương đương với 4% GDP toàn cầu mỗi năm.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ Nhật Bản và ILO hiện đang giúp Việt Nam cải thiện an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao, trong khuôn khổ một dự án được khởi động trong năm 2012 và kéo dài 3 năm.
(Theo VOV)
Các tin khác
Theo Dự thảo Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hành vi mang các vật dụng không được phép vào khu vực thi, chấm thi bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
64 con bạc gồm cả nam lẫn nữ đang sát phạt nhau tại một cơ sở sản xuất gạch ở Sóc Sơn (Hà Nội) đã bị lực lượng chức năng bắt giữ...
YBĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo ở huyện vùng cao Trạm Tấu.
YBĐT - Ngày 14/3, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết 25 năm tiểm chủng mở rộng tỉnh Yên Bái (1985 – 2010)”. Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.