Sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết 22/2009/NQ-HĐND về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010 - 2015

“Mái ấm” của trò vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/3/2013 | 8:48:37 AM

YBĐT - Từ việc học tập cho đến bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày của các em đều diễn ra tại trường. Theo đó, các thầy cô giáo ở trường dân tộc bán trú vừa là giáo viên, là mẹ hiền và cũng kiêm luôn cả nhiệm vụ đầu bếp, bác sĩ, thậm chí còn là thợ may, thợ cắt tóc…của các em.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thăm hỏi học sinh lớp bán trú Trường THCS bán trú Nậm Lành.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thăm hỏi học sinh lớp bán trú Trường THCS bán trú Nậm Lành.

 Nhờ vậy mà phụ huynh các dân tộc Mông, Dao, Tày… nơi đây cũng đã dần yên tâm hơn với sự học của con em họ mà không bắt chúng phải bỏ dở để phụ giúp việc nương rẫy. Mái trường bán trú vùng cao xã Nậm Lành (Văn Chấn) giờ đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của các em, giúp các em yêu trường, mến lớp và duy trì tốt tỷ lệ đi học chuyên cần…

Tiếp sức cho trẻ đến trường

Trước đây, từ bản Nậm Kịp đến Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trung học cơ sở Nậm Lành, em Lý Thị Liều cùng các bạn của mình phải dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ vượt quãng đường dốc gập ghềnh dài đến gần 10 km để đến trường. Buổi trưa tan học, bụng đói, người mệt, đường về bản lại xa là những thách thức không nhỏ. Đó là ngày nắng ráo, còn ngày mưa việc đi lại càng khó khăn hơn do địa hình đường đèo dốc, nhiều con suối lớn thường xuyên có lũ ống, lũ quét. Nay được ở trường bán trú Liều vui lắm.

Em tâm sự: “Nhà em ở xa, đường khó đi lắm, trước đây cũng đã nhiều lần em bỏ học về nhà rồi, nay được học bán trú, được nhà trường hỗ trợ tiền ăn và ở nên em sẽ ở lại trường để học  chữ thôi…”.

Chúng tôi hiểu, đây không chỉ là tâm trạng của riêng Liều mà là niềm vui, niềm hạnh phúc của hàng trăm em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng cao Văn Chấn khi được học tập tại trường dân tộc bán trú như hiện nay.

Thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Chinh cho biết: “Sau gần ba năm thực hiện mô hình trường bán trú, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng từ 85% năm học 2009 - 2010 lên trên 98% năm học 2012 – 2013, học sinh ở bán trú cũng tăng lên gần 100 em so với những năm học trước. Theo đó, số em đạt học lực khá, giỏi cũng tăng lên, trường đã có học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi cấp huyện...”.

 

Học sinh bán trú tìm đọc các thông tin trên báo, tạp chí trong giờ ngoại khóa.

Sức hút từ những việc làm cụ thể

Cũng như nhiều đơn vị trường khác trong huyện, thời gian đầu mới chuyển đổi, Trường PTDTBT tiểu học, THCS Nậm Lành gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất thiếu thốn; nhiều bậc phụ huynh chưa nhận thức hết tầm quan trọng việc học hành của con cái nên phó mặc con mình cho giáo viên, nhà trường; việc chi trả tiền hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh đôi khi còn chậm, nhà trường phải vận dụng nhiều giải pháp để có tiền nuôi các em bán trú. Thậm chí, Ban giám hiệu nhà trường đã phải vay mượn từ các khoản khác mua lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống các em hàng ngày, sau đó mới nhận tiền hỗ trợ về bù vào.

Một khó khăn nữa là hiện nhà trường chưa có biên chế nhân viên phục vụ để chăm lo đời sống và sinh hoạt cho các em. Nhà trường phải cắt cử giáo viên đứng bếp nấu ăn ngày ba bữa, khẩu phần bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng và được thay đổi thường xuyên; giáo viên trực bán trú cũng quản lý chặt chẽ, đôn đốc các em học bài, sinh hoạt theo giờ giấc quy định. Buổi chiều tan học, cả thầy và trò đều ra chăm sóc vườn rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc sinh hoạt ăn uống cho các em, nhà trường cũng huy động sự chung sức của phụ huynh như góp thêm cho mỗi em khoảng 10kg gạo/tháng, em nào gia đình có hoàn cảnh khó khăn các giáo viên lại bù vào cho đủ, không để các em phải nhịn đói đi học.

Bắt đầu từ năm học 2010 – 2011, Huyện ủy Văn Chấn đã ban hành Quyết định phân công 3 chi bộ Đài Truyền thanh - Truyền hình, Tòa án nhân dân huyện, Ban quản lý Nước sạch và Vệ sinh môi trường cùng với địa phương đỡ đầu các em học sinh bán trú của nhà trường, tạo bước đột phá trong công tác xã hội hóa giáo dục. Theo đó, hàng tháng cán bộ, đảng viên bằng các việc làm cụ thể đã quyên góp hỗ trợ gạo, tiền và dụng cụ sinh hoạt cho các em.

Ngoài ra, nhà trường còn nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện đến từ khắp nơi đã mang đến cho thầy trò của nhà trường nhiều quà, sách vở, đồ dùng học tập, gạo, tiền xây dựng cơ sở vật chất trị giá hàng trăm triệu đồng góp phần cải thiện bữa ăn cho học sinh, tạo điều kiện cho các em sinh hoạt và học tập tốt hơn. Ba năm trở lại đây, số học sinh ở các thôn bản xa nhất của Nậm Lành như: Tà Lành, Ngọn Lành, Nậm Kịp… cách trường hàng chục cây số đã ở lại khu bán trú để học chữ. Tỷ lệ học sinh bỏ học hầu như không còn.

Cô giáo Tống Thị Đào cho biết: “Nhờ có mô hình trường bán trú, tết năm nay tỷ lệ học sinh nghỉ học vì rét không nhiều như những năm trước đây, các em được ở tại nhà bán trú, có chăn ấm và chế độ ăn uống hợp lý nên các trường vẫn duy trì được lịch học tập bình thường”...

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song mô hình trường bán trú đã phát huy hiệu quả rất tốt với những ngôi trường ở vùng cao, vùng sâu vùng xa của huyện Văn Chấn. Vì vậy, để học trò vùng cao được “sáng chữ, no lòng”, các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn vẫn cần phát huy hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục để mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú thực sự trở thành “mái ấm” của học trò vùng cao.

Văn Trường

Các tin khác
Diễn tập phòng chống cháy nổ trong buổi phát động Tuần lễ ATVSLĐ và PCCN tại Bắc Giang.

Sáng 17/3 tại Bắc Giang, Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ và PCCN đã phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ và PCCN lần thứ 15 năm 2013.

Liên bộ GD-ĐT, Tài chính, Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Tiền lương một giờ dạy thêm bằng tiền lương một giờ dạy nhân 150%.

YBĐT - Ngày 17/3, tại thị trấn Nông trường Trần Phú, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam đã tổ chức trao 15 suất học bổng, mỗi xuất trị giá 1triệu đồng cho 15 học sinh nghèo hiếu học bậc Tiểu học và THCS thuộc các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn.

Tăng cường tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.

Theo báo cáo mới nhất của Chi cục thú y tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, dịch bệnh lở mồm long móng và tai xanh ở gia súc đã lan rộng ở Hà Tĩnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục