Vun đắp ước mơ

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/3/2013 | 9:04:21 AM

YBĐT - Ở xã Bản Công, Trạm Tấu, thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở không ngừng nỗ lực dạy và học. Dưới mái trường bán trú, các em học sinh dân tộc thiểu số được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, vun đắp những ước mơ...

Bữa ăn trưa của học sinh bán trú xã Bản Công.
Bữa ăn trưa của học sinh bán trú xã Bản Công.

Thầy giáo Trần Văn Cường - Hiệu trưởng nhà trường không chút giấu giếm: “Nhiều năm trước, một số thầy, cô giáo bị kiểm điểm, khiển trách, thậm chí hạ lương vì lớp có ít học sinh đi học, tỷ lệ chuyên cần thấp, không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn...”.

Nghe vậy để thấy rằng, sự học trên núi cao của các thôn, bản người Mông không dễ chút nào. Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, Bản Công có 5 điểm trường lẻ cho học sinh lớp 1. Tuy cách không xa trung tâm huyện nhưng đến được các điểm trường tận thôn, bản của xã quả là khó khăn, nhiều khi phải đi trên những con đường “chuột chạy”.

Con đường theo như các cô giáo cắm bản tả thì nó chỉ nhỏ như vết chân chuột, ngoằn ngoèo, zích zắc, dốc ngược, bên là vực, bên là vách đá. 100% số học sinh ở Bản Công là người dân tộc Mông, đời sống kinh tế, nhu cầu học tập, trình độ nhận thức còn rất khó khăn. Học sinh tiểu học có thể nghỉ học ở nhà trông em, còn học sinh lớp 8, lớp 9 đến lớp “đứt bữa” thường xuyên đơn giản bởi các em cũng là lao động chính trong gia đình.

Bữa cơm trưa của học sinh lớp 2 do cô giáo Lê Bích Hường chủ nhiệm thật đông vui. Nhìn bọn trẻ ăn mới thấy ngon lành làm sao! Cô Hường cho biết, lớp có 27 học sinh thì có 5 cháu không thuộc diện ở bán trú phải sáng đi chiều về. Như cháu Giàng A Dơ nhà chỉ cách trường vài cây số nhưng nếu về trưa cũng mất hơn 1 giờ đồng hồ cả đi và về nên hàng ngày cháu phải mang cơm đến trường. Tôi nhìn Dơ, em ngừng ăn, cười thật tươi.

Cô Hường đến bên cạnh em xúc cơm trong âu của nhóm chia thêm vào cặp lồng cho Dơ. Tất cả lại cùng nhau ăn uống thật vui vẻ. Cô Hường cho hay: “Đối với các em không ở bán trú phải mang cơm trưa đến trường, chúng tôi vẫn tạo điều kiện để các cháu ăn chung với lớp. Nhiều khi bổ sung thêm cơm, thức ăn cho các cháu”.

Sang khu lớp 8, tôi gặp Giàng A Mềnh, em rụt rè cho biết: “Nhà cháu có 3 anh em đều đi học tại trường. Đi học bán trú rất vui, được các cô nấu cơm cho ăn, đun nước cho uống nên có nhiều thời gian để học tập, ôn bài hơn”.

Minh chứng cho những lời nói rất thật đó được thể hiện qua kết quả học tập ngày một tích cực của học sinh trong trường. Học kỳ I vừa qua, khối tiểu học có 138 em đạt học sinh giỏi và tiên tiến, chiếm 37,5%; học sinh khối trung học cơ sở có 48 em đạt học sinh giỏi và tiên tiến, chiếm 20%. Điều ai cũng mừng, từ khi Nghị quyết 22/2009 của HĐND tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án xây dựng trường PTDTBT tỉnh Yên Bái (giai đoạn 2010- 2015), Trạm Tấu đã chuyển đổi được 10 trường. Cùng với các trường khác trên địa bàn huyện, tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học ở Bản Công đã giảm đáng kể.

Thực hiện quyết định của huyện, Bản Công chuyển sang mô hình Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở từ tháng 11/2011 đến nay. Theo quy định, trường có 269/578 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Toàn bộ học sinh thuộc diện bán trú đều được thầy cô tổ chức nấu ăn tại trường, chăm sóc chu đáo.

Nhờ vậy, đường đến với con chữ của các em đã bớt gian nan, vất vả. Những năm học trước, khi mô hình trường PTDTBT chưa hình thành, kỳ giáp hạt, học sinh thiếu đói, bỏ học khá nhiều. Vậy là các ban, ngành của xã cùng Hội Khuyến học tuyên truyền, vận động, từ lãnh đạo xã đến bí thư, trưởng thôn đều vào cuộc. Vụ thu hoạch lúa mỗi nhà ủng hộ từ năm đến mười cân thóc để kỳ giáp hạt có gạo cho các cháu ăn. Từ những đợt vận động nhỏ lẻ khi thiếu đói đã trở thành phong trào gây dựng “Kho thóc khuyến học”.

Ngay như đầu năm học này, toàn xã đã góp vào “Kho thóc khuyến học” được trên 3 tấn thóc. Thầy hiệu trưởng Trần Văn Cường khẳng định: “Trước đây, cứ lúc giáp hạt, nhất là tháng 3 thì tỷ lệ học sinh đến lớp chỉ còn 60% đến 70%. Nhưng đến nay, học sinh đi học đều hơn với tỷ lệ chuyên cần đạt hơn 95%”.

Có thể thấy, sự học ở Bản Công nói riêng và các xã vùng cao nói chung còn lắm gian nan. Nhưng thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh về xây dựng mô hình bán trú với chính sách hỗ trợ đặc thù và những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, công tác dạy và học ở vùng cao đã có nhiều khởi sắc.

Ở Bản Công, con em đồng bào đã được đến trường học tập, nhiều em tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và cả đại học đã trở về công tác xây dựng quê hương. Tuy nhiên, để mô hình bán trú tiếp tục phát huy hiệu quả, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành cần tiếp tục nghiên cứu đề nghị mở rộng thêm đối tượng được học bán trú.

Đồng thời, nhà trường phối hợp với gia đình có phương pháp giúp đỡ, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các cháu học sinh không thuộc diện hỗ trợ của Nhà nước. Có như vậy mới bảo đảm cho các cháu yên tâm học tập, chung vui hơn dưới mái trường bán trú. 

 Văn Trung

Các tin khác
Học sinh bán trú huyện Văn Yên ôn bài tại ký túc xá nhà trường.

YBĐT - Thay vì những bữa cơm đạm bạc chỉ có nước sôi, muối ớt và ít rau rừng, giờ đây, bữa cơm của hàng ngàn học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh nói chung và huyện Văn Yên nói riêng đã có thêm thịt, cá, đậu và các loại rau xanh…

Mức phạt này được Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được công bố trong hội thảo ngày 19-3 tại Hà Nội. Phạt từ 15-20 triệu đồng đối với lớp có số lượng học sinh vượt quá mức quy định từ 41% trở lên

YBĐT - Mở đầu cho Tháng Thanh niên năm 2013, huyện đoàn Văn Chấn đã tổ chức lễ ra quân làm đường giao thông nông thôn tại xã Đồng Khê.

Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ và Giám đốc Văn phòng Tổng đại lý Dai-ichi Việt Nam tại Yên Bái trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam vừa phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái trao 200 suất quà cho trẻ em 3 huyện vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục