Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn gia cầm nhập lậu
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/4/2013 | 7:38:08 AM
Thủ tướng yêu cầu cần triển khai đồng bộ, quyết liệt để ngăn chặn gia cầm nhập lậu, sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm H7N9
Cơ quan chức năng đã thu giữ được hơn 200 lồng gà nhập lậu từ Trung Quốc.
|
Ngày 4/4, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cùng các địa phương đã vào cuộc tích cực để triển khai thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Về cơ bản, tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đã được kiểm soát, bước đầu đã góp phần phục hồi và phát triển chăn nuôi gia cầm trong nước, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu vẫn không ngừng hoạt động, một số đối tượng đã cam kết không vi phạm pháp luật nhưng không ít các đối tượng này vẫn bí mật điều hành, phương thức và thủ đoạn thay đổi, ngày càng tinh vi, liều lĩnh.
Để ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm, đặc biệt là chủng virus cúm gia cầm H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, không để lây lan dịch bệnh cho gia cầm trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các Bộ ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tăng cường quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 08/CĐ-BNN-TY ngày 2/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn (Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan, Thú y) tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để tất cả các trường hợp tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép qua biên giới.
Bộ Công thương thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, đôn đốc việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo hàng tháng theo quy định; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những diễn biến bất thường, các tổ chức, cá nhân vi phạm, các đơn vị, địa phương để xảy ra vụ việc vi phạm nhiều, kéo dài; đề xuất biện pháp xử lý; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường các địa phương trong quá trình thực hiện.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; chỉ đạo lực lượng thú y đặc biệt là lực lượng thú y tại các tỉnh biên giới tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành trong kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế tối đa việc gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị bộ đội biên phòng tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ việc nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý nội bộ; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp và phổ biến thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương trong việc rà soát, ban hành và áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề phát sinh và xử lý các vụ việc vi phạm trong quá trình thực hiện Đề án.
Cũng trong ngày 4/4, Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo người dân chủ động phòng chống cúm A(H7N9) lây từ gia cầm sang người.
Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, an toàn thực phẩm, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay với xà phòng; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Khi có các biểu hiện cúm ho, đau ngực, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời; Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động phòng chống cúm H7N9 và đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số tỉnh biên giới.
* Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp để chủ động phòng chống cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người.
Theo đó, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, an toàn thực phẩm, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tuyệt đối không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm chết phải báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị kịp thời khi có các biểu hiện cúm như ho, đau ngực, khó thở. Những người trở về từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Virus này vẫn được biết đến là virus đặc dị trên gia cầm, rất hiếm gặp gây bệnh trên người. Do vậy, việc giám sát sẽ được triển khai tại các cửa khẩu, bệnh viện khi xuất hiện ca bệnh viêm đường hô hấp có dấu hiệu bất thường: sốt cao, bệnh cảnh diễn biến nhanh; sốt cao chuyển viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng...
(Theo VOV - SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải vừa tổ chức chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng Bản đồ tư duy vào dậy học cấp Trung học cơ sở” năm học 2012 – 2013. 22 giáo viên là cán bộ quản lý và giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi năm học 2011 – 2012 tham gia chuyên đề này để bảo lưu kết quả giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2012 – 2013.
YBĐT - Việc triển khai thực hiện xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú và mô hình “Kho thóc khuyến học” đã mang lại hiệu quả thiết thực và là một điểm sáng trong công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đạo tạo ở huyện vùng cao Trạm Tấu.
YBĐT - Hiện tại, Hội Phụ nữ xã Đại Phác, huyện Văn Yên (Yên Bái) quản lý 9 tổ tín dụng hoạt động có hiệu quả với dư nợ trên 7,7 tỷ đồng vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong đó có 179 hộ vay sản xuất kinh doanh, 54 hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế với nguồn vốn trên 5,4 tỷ đồng.
YBĐT - Theo dõi, lập hồ sơ, cho đi cai nghiện bắt buộc, hết thời hạn đối tượng về lại theo dõi, lại bắt đi cai... Cái vòng luẩn quẩn đó từ lâu vẫn tồn tại trong đối phó với các đối tượng nghiện ma túy.