Đồng tình cho mang thai hộ, không can thiệp hôn nhân đồng giới
- Cập nhật: Thứ tư, 17/4/2013 | 7:51:23 AM
Đó là những điểm nhấn tại hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16-4.
Những người đồng tính trong bộ ảnh The pink choice của Maika Elan
|
Theo đó, tại hội nghị có nhiều ý kiến đồng tình với các đề xuất rất mới như cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không can thiệp hôn nhân đồng giới, nên có chứng nhận sức khỏe trước khi kết hôn…
Mang thai hộ: Cấm là không nhân văn
Nhiều đại biểu dự hội nghị đã đồng tình với điều khoản nên quy định trong luật việc cho phép mang thai hộ. Ông Tưởng Duy Lượng (phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao) đặt ra nhiều câu hỏi: “Chúng ta nên ủng hộ và cho phép mang thai hộ vì lý do nhân đạo. Người ta đã có thiệt thòi mà mình không tạo điều kiện thì sẽ không nhân văn. Trên thực tế dù luật cấm nhưng có nhiều người đã thuê người mang thai.
Dưới góc độ hôn nhân gia đình, cần có quy định để xác định khi có tranh chấp như đứa trẻ là con của ai, nghĩa vụ nuôi dưỡng cấp dưỡng như thế nào? Giao đứa trẻ cho ai khi có tranh chấp giữa người mang thai và người nhờ mang thai hộ? Mang thai hộ vì lý do nhân đạo thì hình thức pháp lý như thế nào, phải được quy định rõ. Những rủi ro khi người mang thai hộ gặp phải sẽ xử lý như thế nào? Đồng thời, việc mang thai thuê có tính chất thương mại thì nên đề cập chế tài xử lý trong Bộ luật hình sự...”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Hữu Thể (phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đề xuất: “Mang thai hộ đúng nghĩa là dành cho người không may mắn, vì thế nó mang tính nhân văn nhiều hơn. Chúng tôi đề nghị luật pháp điều chỉnh vấn đề này. Cần quy định cụ thể trường hợp cho phép mang thai hộ, cần quy định chặt chẽ các điều kiện mang thai hộ… Xác định cụ thể các vấn đề trên thì sẽ đảm bảo được tính nhân đạo và cao cả của mang thai hộ”.
Có hay không công nhận hôn nhân đồng tính cũng là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm. Các góp ý trước hội nghị cho thấy đa số ý kiến thống nhất không cấm hôn nhân đồng tính trong luật, nhưng trong tình hình hiện nay cũng chưa nên công nhận hôn nhân đồng tính ở VN.
Theo đó, hiện mới có khoảng 10 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính, còn lại là không can thiệp vào đời sống của họ. Đây cũng là xu hướng mà dự thảo luật đề cập để sửa đổi, thay cho việc cấm hôn nhân đồng tính như hiện hành.
Nên quy định chế độ cấp dưỡng
Đó là đề xuất của ông Dương Văn An, bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Xuất phát từ thực tiễn nhiều con cái ngược đãi cha mẹ, ông An đề xuất: “Điều 36 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng của cha mẹ với con cái và ngược lại, tuy nhiên quy định này chưa toàn diện và chưa bao quát các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Chúng ta thường nghe đến chuyện những người cha người mẹ già cả không nơi nương tựa, có con cháu dâu rể nhưng phải sống đơn thân trong điều kiện hết sức khó khăn hoặc phải vào các trung tâm dưỡng lão.
Đáng buồn hơn, có nhiều người con vô đức đánh đập bỏ đói mẹ già mà báo chí nêu ở một số địa phương mà tôi không tiện nhắc lại. Cách đây mấy hôm, có người đến gặp xin tôi căn nhà tình thương cho cụ già 70 tuổi, cụ có đứa con trai duy nhất nhưng đi công tác xa mà khóa cửa không cho mẹ vào nhà, hiện cụ phải ở trong một túp lều mà UBND xã cấp. Nhưng cũng có trường hợp cha mẹ sinh con mà không chịu nuôi dưỡng để con thiếu ăn, thất học, bơ vơ, lang thang đường phố bị mua bán, bị lạm dụng, có trường hợp cha mẹ đánh đập bạo hành con cái dã man, cha hiếp dâm cả con gái của mình...”.
Từ đó, ông An đề xuất Luật hôn nhân và gia đình nên sửa đổi bổ sung quyền và nghĩa vụ con cháu phải chăm sóc nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ khi về già. Ông bà, cha mẹ được quyền sống cùng con cháu trong gia đình. Đồng thời luật phải quy định việc cha mẹ có trách nhiệm phải nuôi con đến khi trưởng thành.
“Cần đưa vào luật các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm khi không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo luật định. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm của Nhà nước và cơ quan chức năng trong việc đảm bảo thực hiện quyền của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân gia đình” - ông An kiến nghị.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng dự kiến sẽ đưa những vấn đề như quy định cấp dưỡng từ giai đoạn ly thân, có quy định rõ về mức cấp dưỡng cho con cái trong trường hợp vợ chồng ly hôn. Đại biểu tỉnh Bắc Ninh cho biết mức cấp dưỡng này nên quy định theo thu nhập thực tế và theo vùng miền, không nên quy định cứng do chi phí chăm lo cho trẻ ở thành phố khác nông thôn, thu nhập của người sống ở Hà Nội, TP.HCM cũng khác so với các địa phương.
(Theo TTO)
Các tin khác
YBĐT - Liên hoan tiếng hát Họa mi lần thứ 7 – năm 2013 là một hoạt động ý nghĩa, tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho “họa mi” Yên Bái, giúp các em có điều kiện giao lưu, học hỏi và phát huy năng khiếu văn nghệ của mình.
YBĐT - Ngày 16/4, UBND huyện Yên Bình tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCLB – TKCN năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh (ảnh dưới).
YBĐT - Ông Hoàng Quang Nhạn ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái). Năm nay, đã 65 tuổi nhưng với niềm say mê văn hóa Tày và quyết tâm lưu giữ những điệu then, khắp, cọi của người Tày vẫn luôn đeo đuổi ông.
YBĐT - Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Dân tộc quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II/ 2013 (ảnh).