Việt Nam có hơn 40.000 người chết vì hút thuốc lá mỗi năm
- Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2013 | 1:17:19 PM
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc nam giới cao nhất trên thế giới.
|
Sáng 23/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên - Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia cho biết: Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010, Việt Nam là 1/15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, đặc biệt là trong nam giới.
Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) thì có 1 người hút thuốc. Gần 8 triệu người lao động Việt Nam thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc; 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nhà.
Tại Việt Nam, trong khi xu thế mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Các căn bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam giới và nữ giới tại nước ta.
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tổ chức này cũng khuyến cáo, nếu các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá đang thực hiện không hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.
Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, năm 2012, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 tới.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, nhằm giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam.
Riêng ngành y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan có những hành động tích cực phòng chống tác hại của thuốc lá.
Báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy, tỷ lệ ngưởi sử dụng thuốc lá có giảm nhưng thời gian tới tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Tại hội nghị, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, bệnh viện và một số nơi công cộng; thực hiện nghiêm các quy định cấm bán thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ các sản phẩm thuốc lá. Đồng thời, kêu gọi mọi người cùng nhau xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành không khói thuốc vì sức khỏe của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số địa phương đã phát biểu, bày tỏ quyết tâm đẩy mạnh hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá theo phạm vi, trách nhiệm của mình để Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống.
(Theo VOV)
Các tin khác
Sáng 23/4, một bé gái 12 tuổi ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã tử vong vì cúm A/H1N1, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. >> Thêm một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1
YBĐT - Thành phố Yên Bái đang tích cực triển khai các biện pháp để khoanh vùng, khống chế không để lây lan bệnh cúm A/H1N1.
>>>Thêm 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1
YBĐT - Hiện nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) trên phạm vi cả nước diễn biến khá phức tạp, nhất là dịch cúm A/H5N1 và H7N9. Mặc dù Yên Bái chưa có dịch bệnh lớn xảy ra song để chủ động bảo vệ GSGC, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Bình Nguyên - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh GSGC trên địa bàn.
YBĐT - Ngày 22/4, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái đã xác nhận, ông N.V.H sinh năm 1948 và vợ là bà N.T.T, sinh năm 1961 thường trú tại phường Nguyễn Thái Học đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được chẩn đoán nhiễm cúm A/H1N1.