Kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2013)

Điện Biên trong ký ức tuổi thơ tôi

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2013 | 8:47:36 AM

YBĐT - Khi tôi mới vào học cấp I, đất nước vẫn đang trong những năm tháng cuối cùng của chiến tranh chống Mỹ nên cuộc sống còn bề bộn những khó khăn. Những câu chuyện mà cha mẹ, họ hàng, làng xóm kể cho nhau nghe vẫn là điều chúng tôi thích thú nhất.

Đoàn xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đoàn xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong câu chuyện được nghe, tôi ấn tượng vô cùng với những chuyện kể về những ngày cả nước ta ra trận làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Mẹ tôi kể rằng, lúc ấy các làng ở miền núi còn thưa thớt lắm nên trừ người già, trẻ nhỏ còn hầu hết thanh niên, trung niên đều vào bộ đội, đi dân công hoả tuyến. Những gánh gạo đầu tiên của người làng tôi là phục vụ cho chiến dịch Hoà Bình. Khi lớn lên, được học lịch sử tôi mới hiểu mặt trận Hoà Bình thuộc Chiến dịch Tây Bắc theo ý đồ chiến lược của ta nhằm mở đường tiến quân từ đồng bằng lên Tây Bắc. Đường gánh gạo sang Hoà Bình tuy không xa lắm nhưng đi vào giữa lúc quân ta và Pháp đang giằng co quyết liệt nên dân công gần như phải đi trong đêm dưới tầm pháo của địch.

 Vui nhất là sau khi kết thúc đợt gánh gạo trở về thì đồn Tu Vũ - một trong những đồn lớn nhất của địch trên tuyến sông Đà đã bị đập tan. Bộ đội, dân công gặp nhau hân  hoan mừng chiến thắng.

Chiến dịch Hoà Bình kết thúc, người làng tôi lại gánh gạo tiếp vận cho chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ cũng là một mặt trận của chiến dịch Tây Bắc. Từ Yên Lập, Thanh Sơn (Phú Thọ) lên Nghĩa Lộ có đồn Tây chặn ngay ở vùng Thu Cúc nên dân công hai huyện phải gánh gạo sang tận mạn Thanh Ba rồi men theo đường sắt lên giao cho Yên Bái tiếp nhận.

Từ cuối năm 1953, khi Trung ương quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, cha mẹ tôi và người trong làng thay phiên nhau đi hoả tuyến. Những chuyến gánh gạo ra mặt trận lần này phải đi bộ ngót cả tháng trời. Lúc ấy, tôi đã được nghe đến những địa danh như: Lũng Lô, Pha Đin, Đèo Khế, ngã ba Cò Nòi, Nà Sản…

Sau này, được qua những địa danh nổi tiếng ấy với trập trùng đèo dốc, vực sâu tôi thầm thán phục cha mẹ và người làng quê mình ngày xưa chân đất gánh gồng, dằng dặc đi giữa những đêm mưa trên đường sỏi đá. Vất vả là thế, thậm chí nghe kể nhiều đợt dân công đã bị máy bay ném bom truy kích, vậy mà chỉ thấy họ nói nhiều đến những câu chuyện vui khi dân công chọc ghẹo nhau, hò hát đối đáp, hỏi thăm đoàn dân công trên đường đi ra xem người ở tỉnh nào, có ai người cùng huyện, cùng làng hay không. May mắn có lúc gặp được người cùng làng nhưng cả đoàn người đang rùng rùng chuyển bước nên ai cũng chỉ kịp nhắn một câu: "Nhờ nói hộ là em vẫn khoẻ nhé!".

Mẹ tôi là người được đi đợt dân công cuối cùng trước khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị đánh bại. Vì thế, trên đường ra tiền tuyến dẫu nặng gánh trên vai nhưng bù lại ai cũng phơi phới niềm vui khi được những dân công trên đường trở về thông báo tin vui: "Cố lên các đồng chí nhé! Ngoài mặt trận ta đang thắng lớn rồi!".

Mọi người bảo rằng, càng lên gần chiến trường, chiến thắng càng hiện hữu. Người ra vào mặt trận không còn phải nghỉ ngày đi đêm để tránh máy bay như trước. Thỉnh thoảng lại gặp bộ đội dẫn giải bọn Tây thất trận và sau khi bàn giao lương thực, dân công ta lại tiếp tục người thì tải đạn vào chiến trường, người đưa thương binh về tuyến sau điều trị.

Bao câu chuyện oai hùng thuở ấy, dù được kể rất mộc mạc nhưng nó đã gieo vào lòng con trẻ chúng tôi một niềm tự hào mãnh liệt. Tự hào về cha mẹ và cả làng tôi cùng ra trận. Tự hào vì cả Chiến dịch Điện Biên Phủ có 19 người được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thì làng tôi có một người.

 Ký ức tuổi ấu thơ qua câu chuyện kể đã giúp chúng tôi hiểu thêm rằng, Chiến dịch Điện Biên Phủ được kết tinh bằng sức mạnh của cả dân tộc với tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc Pháp trong gần thế kỷ chịu ách đô hộ. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ diễn ra trong 56 ngày đêm "khoét núi ngủ hầm" mà nó là đỉnh cao chiến thắng của 9 năm kháng chiến trường kỳ như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng".

 S.N

Các tin khác
Công binh phá đá trên đèo Lũng Lô mở đường ra chiến dịch.

YBĐT - Hơn 200 ngày đêm quân và dân ta vừa mở đường, vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược phục vụ chiến đấu đến nơi an toàn, đèo Lũng Lô đã trở thành con đường huyết mạch góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Đèo Lũng Lô - con đường huyết mạch góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

YBĐT - Yên Bái nằm ở vị trí của ngõ cửa vùng Tây Bắc, vì vậy, sau khi trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã lập nên hệ thống đồn bốt khá dày đặc nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của quân ta từ đồng bằng lên miền núi, từ Đông Bắc sang Tây Bắc.

Hiện trường xẩy ra vụ việc.

YBĐT - Vào khoảng 6 h sáng ngày 7/5, tại nhà trọ ở khu vực tổ 26, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, người dân địa phương đã phát hiện một nam thanh niên bị chết trong tư thế treo cổ tự tử.

Cơ quan thú y tiến hành tiêu hủy đàn chim yến.

Việc phát hiện H5N1 trên chim yến ở Việt Nam cũng là lần đầu tiên trên thế giới. Vì vậy, Bộ NN & PTTN sẽ xây dựng quy trình tạm thời về việc nuôi yến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục