Nâng cao ý thức của người dân
- Cập nhật: Thứ năm, 9/5/2013 | 4:55:19 PM
YBĐT - Thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, trong những năm qua, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực bảo vệ môi trường.
Người dân xã Y Can ký cam kết bảo vệ môi trường.
|
Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay vẫn là bài toán khó ở nhiều địa phương khi điều kiện hạ tầng, nhận thức, tập quán sinh hoạt của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, các chỉ tiêu về môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để đạt được tiêu chí này cần thay đổi nhận thức, hành vi của các hộ dân nông thôn đối với vấn đề bảo vệ môi trường sống.
Hiện nay, huyện Trấn Yên có hơn 73% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 49% số hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có hệ thống xử lí chất thải hợp vệ sinh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trong những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường sống trên địa bàn huyện vẫn là tình trạng phổ biến ở nhiều khu vực dân cư, đặc biệt là ô nhiễm do chất thải của người và gia súc, gia cầm.
Thói quen chăn thả gia súc, gia cầm là một trong những nguyên nhân chính khiến đường làng, ngõ xóm không đảm bảo vệ sinh và gây mất mỹ quan. Nguồn nước sinh hoạt luôn có nguy cơ bị ô nhiễm do công tác quản lý công trình cấp nước bất cập, nhiều công trình xuống cấp không sửa chữa kịp thời dẫn đến hỏng hóc hoặc gây ô nhiễm đường ống dẫn nước sinh hoạt về các hộ dân.
Một trong số những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn là thiếu các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở các khu dân cư đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sức khỏe của người dân. Thực trạng nhà vệ sinh ở nông thôn còn bị bỏ ngỏ là do người dân chưa quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân. Thậm chí, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng nhà vệ sinh vẫn sơ sài hoặc không xây dựng. Hàng năm, tình trạng ô nhiễm môi trường sống đã gây ra nhiều loại dịch bệnh cho người dân như: dịch tả, tiêu chảy, đau mắt đỏ, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác.
Để thay đổi nhận thức và hành vi cho người dân tham gia bảo vệ môi trường sống, trong những năm qua, huyện Trấn Yên đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân. Đặc biệt, từ nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư xây dựng trên 30 công trình nước sạch ở các khu vực nông thôn, riêng năm 2012 đã hỗ trợ 350 hộ dân xây dựng công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.
Trong đó chú trọng những nơi có cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các xã vùng sâu, vùng xa như: Lương Thịnh, Hồng Ca, Kiên Thành, Tân Đồng. Huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Trong năm 2013, với mục đích huy động các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các hộ dân tham gia bảo vệ môi trường, Ban Quản lý Chương trình Phát triển Vùng huyện Trấn Yên đã tổ chức phát động chương trình “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” tập trung thay đổi hành vi vệ sinh của cộng đồng, cụ thể tại các thôn có thực trạng ô nhiễm cao của các xã Kiên Thành, Quy Mông, Y Can, Lương Thịnh. Đây là các xã có tỉ lệ hộ dân tiếp cận nước sạch, số công trình vệ sinh đảm bảo vệ sinh thấp so với tỷ lệ chung của toàn huyện.
Tại xã Quy Mông, cứ vào mùa khô, nhiều gia đình phải lấy nước từ sông Hồng để sinh hoạt. Hai xã Lương Thịnh, Kiên Thành, nguồn nước sinh hoạt của người dân đều lấy từ khe, sông suối và được dẫn về nhà hoặc sân vườn bằng ống nước nhưng bể chứa nước đều không đảm bảo. Hơn nữa, các dụng cụ này lại được đặt ở gần nhà vệ sinh và chuồng gia súc, gia cầm, thậm chí có những hộ dẫn nước bằng máng hở chạy qua chuồng lợn.
Bên cạnh đó, tình hình vệ sinh môi trường không đảm bảo, cụ thể là không có nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải từ gia súc và gia cầm chưa được xử lý. Tại đây, các cộng tác viên của chương trình đã thuyết phục nhân dân thông qua việc hướng dẫn vẽ bản đồ thôn bản, xác định vị trí nhà ở, vị trí mà họ đi vệ sinh hàng ngày và trực tiếp quan sát một số hộ dân có nhà tiêu không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời thực hiện cách tính toán đơn giản để tính số lượng phân thải ra môi trường sống, phân tích con đường lây nhiễm, giúp người dân hiểu được tác hại của môi trường sống không hợp vệ sinh, các dịch bệnh có thể xảy ra cũng như chi phí khám, chữa bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra.
Nhờ đó, thời gian qua, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân từng bước nâng lên. Nhiều xã, thị trấn đã tổ chức ngày vệ sinh môi trường, huy động học sinh, hội viên các đoàn thể và cộng đồng dân cư tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; hình thành mô hình phụ nữ tự quản, thanh niên tự quản tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường của huyện Trấn Yên vẫn còn những hạn chế. Công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên; nguồn kinh phí cho công tác này hạn hẹp; kinh phí cho công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường, đánh giá chất lượng môi trường còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nhiệm vụ đặt ra. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, của các tổ chức xã hội, các địa phương cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy nội lực, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại chính nơi ở của mình.
Thanh Tiến
Các tin khác
YBĐT: Khoảng 12h ngày 9/5/2013, tại thôn 2 xã Yên Phú, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã xảy ra một vụ đuối nước trên ngòi Thia. Nạn nhân là em Nguyễn Hùng Vương, học sinh lớp 5C trường tiểu học Yên Phú. Sau 1 giờ tìm kiếm dưới sự giúp đỡ của người dân, xác của em mới được tìm thấy.
YBĐT - Ngày 9/5, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và tổng kết 10 năm thực hiện công tác uỷ thác vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội.
YBĐT - Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, trợ giúp, tư vấn pháp luật cho nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.
Ngày 8/5, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2013” tại Geneva, Thụy Sỹ. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trẻ trên thế giới gần bằng mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế. Ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cũng hơn gấp 3 lần người trưởng thành.