Bảo vệ tốt Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/5/2013 | 2:52:07 PM

YBĐT - Nhằm góp phần bảo tồn các loài động vật qúy hiếm, nâng cao chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn, hạn chế lũ lụt, điều hòa môi trường sinh thái, nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên và môi trường, năm 2004, Chi cục Kiểm lâm tỉnh quyết định thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Khu bảo tồn đã được bảo vệ tốt hơn, hệ sinh thái và loài sinh cảnh ngày một phong phú, đa dạng.

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có diện tích trên 20.293ha, trong đó có 15.128,7ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt, 5.164ha phân khu phục hồi sinh thái. Toàn bộ Khu bảo tồn nằm trên địa bàn 5 xã: Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải và Dế Xu Phình huyện Mù Cang Chải. Mục tiêu của Khu bảo tồn là bảo tồn, phục hồi quần thể của 4 loài: vượn đen, voọc xám, niệc cổ hung, gà lôi tía và các loài động, thực vật qúy hiếm; bảo tồn hệ sinh thái rừng, góp phần duy trì và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện sông Đà, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trong vùng dự án.

Không chỉ có vậy, qua nhiều năm điều tra, khảo sát của tổ chức FFI (tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế) đã phát hiện trong Khu bảo tồn có 22 loài bò sát, lưỡng cư, 127 loài chim, qúy hiếm hơn cả là loài niệc cổ hung, hiện nay chỉ còn thấy ở Mù Cang Chải và Vườn quốc gia Pù Mát. Còn thú và sinh vật cảnh thì hết sức phong phú, với trên 53 loài nhưng đáng chú ý hơn cả là loài vượn đen tuyền, đây là loài đặc biệt quý hiếm. Rừng và thảm thực vật phong phú với nhiều loài gỗ quý hiếm như: đinh, lim, pơ mu, dổi...


Trước đây, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải bị xâm hại nặng nề, nhiều loài sinh vật cảnh và thảm thực vật rừng có nguy cơ tiệt chủng. Lâm tặc, người dân địa phương thường xuyên vào rừng khai thác các loại gỗ qúy hiếm, săn bắn động vật hoang dã, kể cả các động vật nằm trong sách Đỏ. Nhiều hộ dân sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm của Khu bảo tồn, chặt phá, phát nương làm rẫy, trồng lúa nương, trồng thảo quả.

Mặc dù ngành kiểm lâm và chính quyền cơ sở đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ nhưng do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên gặp không ít khó khăn.

Trước thực trạng đó, năm 2003, UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải và thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn. Tuy nguồn kinh phí cũng như lực lượng mỏng song với tình yêu rừng, các cán bộ Khu bảo tồn cùng với lực lượng kiểm lâm, chính quyền 5 xã và huyện Mù Cang Chải đã tăng cường công tác quản lý.

Đặc biệt là xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại đến rừng; tăng cường công tác tuyên truyền ý nghĩa, mục đính của công tác quản lý, bảo vệ rừng, cấm chặt phá khai thác rừng một cách tự phát; xây dựng và củng cố các mô hình quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học với sự tham gia của cộng đồng địa phương, người dân tham gia vào lập kế hoạch quản lý và thực hiện các hoạt động bảo tồn ở Khu bảo tồn.

Nhờ vậy, đã giảm dần sức ép của cộng đồng tới rừng và tài nguyên thiên nhiên; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ loài động, thực vật hoang dã với tất cả các hộ dân sống trong vùng đệm và vùng lõi Khu bảo tồn, Người dân đã hiểu và ý thức hơn trong bảo vệ rừng. Nếu như trước đây đa phần người dân vào rừng săn bắn, hái lượm, khai thác thì nay đã biết trồng và tu bổ rừng. Toàn bộ diện tích rừng nằm trong Khu bảo tồn đã được các hộ dân nhận quản lý, bảo vệ khoanh nuôi nghiêm ngặt, người dân đã là “tai mắt” của rừng.

Tình trạng phát nương làm rẫy vẫn còn xảy ra nhưng đã giảm rõ rệt theo mỗi mùa vụ, nhất là việc trồng thảo quả dưới tán rừng đã được kiểm soát. Thôn, bản nào cũng đã xây dựng được quy ước bảo vệ rừng và thực hiện rất nghiêm túc. Những giải pháp và và việc làm cụ thể đã giúp cho Khu bảo tồn ngày một phong phú, rừng được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt. Không chỉ có vậy mà đời sống người dân trong Khu bảo tồn cũng được nâng lên thông qua các dự án, tiền khoán bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn những khó khăn nhất định như việc khai thác gỗ nhỏ lẻ của người dân về làm nhà trong Khu bảo tồn vẫn còn xảy ra; một số ít hộ dân vẫn chưa nhận thức rõ giá trị và gắn bó với rừng...

Để quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn ngày một tốt hơn, phải tiếp tục quy hoạch cụ thể vùng làm nương rẫy cho bà con nhân dân trong vùng đệm cũng như vùng lõi, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp phát nương làm rẫy. Bên cạnh đó, cần đầu tư nguồn vốn khai hoang ruộng nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng nguồn vốn bảo vệ rừng đối với người dân tham gia bảo vệ trong Khu bảo tồn.

Văn Thông

Các tin khác
Học sinh đến tham quan tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.

Với 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và học tập tại mảnh đất cố đô, những tên đất, tên làng, nơi ở, đồ dùng và những câu chuyện cảm động về Người đã trở thành những di sản vô giá.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương trao giải Nhất và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho em Đỗ Quang Minh

Bộ Thông tin -Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục- Đào tạo, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Báo Nhi đồng vừa tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 - năm 2024 tại Ninh Bình.

Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 17/5, Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ Thị ủy Nghĩa Lộ đã tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ diễn tập chiến đấu xã, phường trong khu vực phòng thủ năm 2024 cho các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ thị xã.

Lễ kỷ niệm diễn ra trang nghiêm tại khu tượng đài thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ở Quảng Bình.

Lễ kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn huyền thoại diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là cựu thanh niên xung phong, đoàn viên, thanh niên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục