Cho trẻ học “đón đầu” lớp 1: Muôn nẻo đường, trăm nỗi lo

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/6/2013 | 9:39:03 AM

YBĐT - Còn hai tháng nữa mới bước vào năm học 2013 - 2014 song với những trẻ năm nay bước vào lớp 1 ở thành phố Yên Bái hầu như không được nghỉ hè bởi chúng phải theo bố mẹ đến các lớp luyện chữ. Đặc biệt, sự học của các em cũng vất vả tối ngày, chẳng kém các anh chị thi tốt nghiệp lớp 12.

Hình ảnh các em chuẩn bị vào lớp 1 được cha mẹ cho đi học sớm. Mỗi em một tư thế và tư thế nào cũng không đảm bảo. (Ảnh minh họa)
Hình ảnh các em chuẩn bị vào lớp 1 được cha mẹ cho đi học sớm. Mỗi em một tư thế và tư thế nào cũng không đảm bảo. (Ảnh minh họa)

Kinh nghiệm thực tế

Chị Phượng ở phường Yên Ninh cho biết, rút kinh nghiệm từ đứa con thứ nhất, từ tết ra, chị đã tìm lớp luyện chữ cho cháu thứ hai. Chị cho biết, con gái lớn của chị đã học lớp 4 nhưng vẫn khó theo kịp các bạn trong lớp. Năm con gái vào lớp 1, do không có kinh nghiệm, phần nữa hai vợ chồng đều chung suy nghĩ để con phát triển tự nhiên nên không ép và dạy học trước. Nhưng sau khi vào học lớp 36 buổi ở trường, chị mới tá hỏa, con mình chậm hơn hẳn các bạn khác. Lúc nào cháu cũng thấp thỏm trong trạng thái không viết kịp các bạn, đã cố gắng nhiều song cũng không theo nổi vì các bạn biết đọc cả ba chữ trở lên. Hỏi ra chị mới biết, ở các trường mầm non, việc đưa chữ cái, ghép vần vào chương trình học cũng khác nhau. Có trường đã cho trẻ viết chữ trên vở ô li; có trường đã học xong bảng chữ cái và 10 chữ số; trường khác chỉ dừng lại ở nhận biết chữ cái và tập tô trong vở tô chữ...

Hết kỳ học 36 buổi, con gái chị Phượng mới biết viết những chữ đơn lẻ mà nhiều bạn trong lớp đã biết ghép chữ và đọc vanh vách. Vào lớp 1, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu học sinh viết sẵn thứ, ngày, tháng và các tiết học ở nhà, lúc này thì anh chị choáng thật sự.

Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, chị nhận được lời giải thích, nếu các con không viết trước ở nhà như thế thì hôm sau không có thời gian học trên lớp. Hết học kỳ 1, con gái chị đạt học lực trung bình vì viết xấu, kỹ năng tính toán chậm. Trong khi đó, một số bạn trong lớp được chọn tham gia luyện và thi chữ đẹp, một số khác được tham gia giải Toán trên mạng.

Đem thắc mắc của mình với các bậc phụ huynh khác, chị Phượng nhận được câu trả lời: "Trước khi vào lớp 1 phải cho con đi luyện chữ, còn khi vào lớp 1 rồi thì lại đầu tư cho con đi học thêm, tuần 3 buổi tối. Như vậy thì con mới viết chữ đẹp và tính toán nhanh".

Như để khẳng định những gì mình nói, chị Phượng đưa chúng tôi đến một vài điểm luyện chữ cho các trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Đóng vai một người xin học cho con, tôi đến nhà cô T nổi tiếng rèn chữ đẹp ở Km6, đường Đinh Tiên Hoàng.

“Cung” không đủ “cầu”

Trong căn phòng rộng chừng hơn 12m2  có tới 8 trẻ đang hì hụi vừa viết vừa tẩy xóa. Hầu hết các cháu đang tập trung viết các nét cơ bản nhưng hôm nay là 2 nét khó: nét thắt đầu và nét thắt giữa. Cô T cho biết, tay các cháu còn yếu, việc luyện các nét cơ bản sẽ nắm kỹ cấu tạo của chữ viết. Khi nào vào học lớp 1, các cháu sẽ không phải phụ thuộc vào chữ mẫu nữa. Học ít như thế này, các cháu còn rất chậm, khi vào học lớp 1 rồi thì không có cô giáo nào chờ được cả 30 cháu viết. Khi tôi đặt vấn đề muốn gửi con theo học lớp này, cô T bảo: "Em nên gặp các mẹ hỏi ý kiến, chị chỉ dạy thuê thôi chứ không tổ chức".

Phía ngoài phòng khách, các phụ huynh đang trao đổi kinh nghiệm chọn trường, chọn lớp, chọn cô giáo... Ở ngoài nhìn vào cứ ngỡ hội phụ nữ đang sinh hoạt nhóm. Tôi túm vội Minh - cô bạn cũ hỏi:

- Tớ muốn xin con học lớp này có khó không?

- Mai bạn đến nhé, tối nay một số mẹ bận không đến đủ. Nhưng nói thật là khó đấy, các mẹ đã “nghị quyết” đóng khung số này rồi vì nhóm sẽ học luôn đến hết tiểu học mà.

- Khiếp nhỉ, tớ tưởng chỉ học những gì dành cho trẻ học 36 buổi hồi trước thôi chứ?

- Không, đảm bảo bạn không cho con đi học trước, vào lớp 1 nó sẽ không đạt học sinh giỏi.

- Thế à? Nhưng mà thấy tội bọn trẻ quá, bé tí mà chẳng được vui chơi đã phải lao vào học tập?...

- Ôi dào! Lúc đầu, tớ cũng chỉ có ý định cho cháu tham gia luyện chữ để rèn ý thức và làm quen với các bạn. Thế mà khi đến đây, tớ cũng bất ngờ, một vài đứa ở trường mầm non M đã biết viết các nét cơ bản, chữ cái, chữ số vào vở ô li rồi nên hoàn thành bài rất tốt. Đến giờ, tớ thấy không có gì đáng tiếc cả vì nếu con tớ không học trước thì sau này vào lớp 1 sẽ không thể học theo được - Minh vừa cười vừa giãi bày với tôi.

- Nếu được nhận vào học, bọn trẻ học mấy ngày một tuần hả bạn? Tối về có phải viết bài nữa không?

- Tuần học sáng thứ 2, 3, 4, 5, thứ 6 nghỉ, thứ 7 và chủ nhật học tối từ 19 - 21h nhé! Ngoài ra, mỗi ngày về tập viết mỗi nét, chữ cái thêm 10 dòng nữa.

- Sao lại học nhiều và thời gian thất thường thế?

- Cô T bận lắm! Có phải dạy mỗi nhóm này đâu, cô ấy còn dạy 2 nhóm nữa mà còn nhiều người muốn mời cô ấy đến nhà dạy lắm... - Minh trả lời tường tận.

Tạm biệt lớp cô T, chúng tôi đến một vài điểm trên đường Quang Trung, đường Yên Ninh, đường vào sân bay và trục đường Hòa Bình. Tại những điểm đến, chúng tôi đều nhận thấy sự bồn chồn, lo lắng của các bậc phụ huynh khi con chuẩn bị vào lớp 1. Đặc biệt, việc học thêm trước này lại thường diễn ra tại các nhà dân, giờ giấc thay đổi liên tục do giáo viên bị cấm tham gia dạy thêm. Với những cô giáo có “uy tín” thì việc dạy “bồi dưỡng” kiểu này không hết việc, chạy cả ngày đến tối cũng phải được vài lớp.

Qua quan sát, tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều điểm không thống nhất trong việc bồi dưỡng cho các trẻ. Như theo học cô Y thì các con sẽ viết và đọc theo quyển vở mẫu "Thực hành luyện viết tiếng Việt" (vở có chữ mẫu) do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm phát hành. Cô Y cẩn thận kẻ những dòng kẻ như quyển vở, viết mẫu cho các cháu xem rồi viết mẫu vào vở ô li cho các cháu viết theo. Còn với cô V, các con sẽ quan sát cô viết mẫu trên bảng, được tập viết các nét cơ bản và chữ cái trên bảng cá nhân, sau đó sẽ viết vào vở. Khác với cô Y và cô V, cô M lại dạy trẻ viết luôn từ chữ o, ô, ơ, a, ă, â...

Khi hỏi về giá buổi học, chúng tôi được biết, mỗi buổi học 2 tiếng có giá bình quân từ 250.000 - 300.000 đồng (chưa trừ tiền điện, nước). Tính trung bình, mỗi cô ngày tham gia hai lớp cũng có thu nhập từ 500.000 đồng trở lên. Quả là thu nhập không nhỏ!

Giải pháp

Có thể thấy, việc học thêm, dạy thêm trước lớp 1 vẫn diễn ra tràn lan mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Yên Bái đang làm rất quyết liệt. Để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ vào lớp 1, ngành giáo dục nên kiểm tra, rà soát và yêu cầu các trường mầm non nên thống nhất chỉ dạy cho trẻ tư thế cầm bút, ngồi học sao cho đúng chứ không nên dạy chữ, dạy tính toán cho trẻ ở giai đoạn này. Thứ nữa, do chương trình lớp 1 hiện hành quá nặng nên phụ huynh mới phải cho con đi học thêm để đảm bảo theo kịp chương trình.

Đồng thời, ngành cần phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để các phụ huynh thay đổi nhận thức, không cho con em đi học trước. Bởi nếu việc chăm sóc, giáo dục trẻ không tuân theo sự phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi thì những tác hại như cận thị, loạn thị, căng thẳng thần kinh, trầm cảm, vẹo cột sống... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em, xa hơn là đến nòi giống của mỗi gia đình, dòng họ cũng như của cả dân tộc.

Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Với trẻ trước 6 tuổi, Bộ đã có chương trình giáo dục mầm non phù hợp với lứa tuổi này. Trẻ được chơi với đồ vật có in hình con số, chữ cái để nhận biết mặt chữ, số. Khi vào lớp 1, theo chương trình của Bộ, tuần đầu tiên trẻ sẽ được làm quen với môi trường mới, lớp, giáo viên, bạn bè, mục đích để trẻ thích đến lớp. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho các cháu chuyển từ mẫu giáo sang tiểu học. Chương trình lớp 1 rất nhẹ nhàng, chỉ cần học sinh biết đọc, viết, làm tính, dần dần các cháu sẽ đạt được yêu cầu này. Để tránh áp lực cho trẻ cũng như phụ huynh, Bộ dự kiến sẽ không chấm điểm cho học sinh lớp 1 trong giai đoạn đầu, ít nhất trong học kỳ 1.        

(Nguồn: Nhân Dân điện tử)

Nguyễn Thanh

Các tin khác
Rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

YBĐT - Để đảm bảo môi trường sống trong lành, rất mong các ngành chức năng nghiên cứu cách xử lý những chất thải sinh hoạt bằng phương pháp sinh học, đảm bảo không hại sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc.

YBĐT - Ngày 5/6 đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn đầu đã lên thăm và kiểm tra công tác quản lý đất đai, tình hình triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Để đáp ứng được yêu cầu trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa đưa ra lộ trình đến năm 2017, lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.

Bắc Bộ lại bước vào đợt nắng nóng mới, tuy không quá gay gắt.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng vùng áp thấp phía Tây, nhiệt độ tại Bắc Bộ sẽ tiếp tục tăng lên mức nắng nóng đến hết ngày 9/6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục