Hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ
- Cập nhật: Thứ hai, 17/6/2013 | 2:36:02 PM
YBĐT - Trong 10 năm qua, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh Yên Bái phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội nhận ủy thác cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế thu được nhiều kết quả to lớn, đã giúp 6 nghìn phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm chủ hộ thoát nghèo.
Hội viên phụ nữ ở vùng cao được tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.
|
Nhìn cơ ngơi của gia đình chị Trần Thị Kiên, thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, không ai nghĩ chỉ vài năm trước thôi gia đình chị còn thuộc diện hộ nghèo. Chị được Hội Phụ nữ xã tín chấp vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Giờ đây, chị không những thoát nghèo mà còn được xếp vào hàng khá giả trong thôn nhờ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp. Chị Kiên phấn khởi chia sẻ: “Phải cảm ơn Ngân hàng Chính sách Xã hội và Hội Phụ nữ lắm. Nhờ được vay vốn mà gia đình tôi đã thoát nghèo, có của ăn của để, có điều kiện nuôi con cái ăn học”. Gia đình chị Kiên chỉ là một trong hàng nghìn hội viên phụ nữ được tổ chức hội phụ nữ tín chấp vay vốn phát triển kinh tế. Nhiều chị nhờ sự hỗ trợ này đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Hoạt động ủy thác vay vốn được triển khai phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 2003. Ban đầu chỉ có 908 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 147 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thị, thành phố với tổng số vốn 66 tỷ 612 triệu đồng, cho 17.657 thành viên vay. Đến tháng 12/2012, đã có 1.135 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 227 tổ, bằng 120%, 37.644 hộ gia đình vay vốn với tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác qua tổ chức hội trên 610,270 tỷ đồng, chiếm 43,3% so với dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái, thông qua các chương trình ủy thác như: cho vay hộ nghèo; học sinh, sinh viên; giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động; nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ về nhà ở; cho vay xuất khẩu lao động tại huyện nghèo theo Quyết định 71...
Hoạt động phối hợp vay vốn này còn có những quy định hết sức linh hoạt, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia có khả năng tích lũy hàng tháng, đó là các thành viên sẽ tham gia gửi tiền tiết kiệm. Đến nay 36.300 hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tham gia gửi tiền tiết kiệm trên 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở hội đã xây dựng được 1.739 hộp tiền tiết kiệm và thành lập được 101 tổ tiết kiệm vay vốn giúp phát triển sản xuất, kinh doanh với mức 5.000đ/tháng/hội viên, thu được gần 1,8 tỷ đồng với 12.042 hội viên tham gia, đã cho 862 hội viên phụ nữ nghèo vay.
Để duy trì và phát huy nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, các cấp hội đã phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tổ chức thành lập 168 câu lạc bộ phụ nữ với công tác khuyến nông, thu hút 7.756 thành viên tham gia và mở hàng nghìn lớp tập huấn các kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi... cho các thành viên vay vốn.
Cùng với đó, các cấp hội hướng dẫn xây dựng các mô hình mới về phát triển kinh tế như: trồng ngô xen đậu tương các xã vùng cao huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; trồng sắn xen lạc tại huyện Văn Yên; trồng ngô vụ hè thu, trồng lạc vụ xuân hè tại Trạm Tấu, trồng cỏ voi để làm thức ăn cho gia súc; thí điểm mô hình chăn nuôi giống mới của các địa phương khác như: nuôi gà móng, nuôi nhím... Ngoài ra thành lập tổ thêu thổ cẩm, câu lạc bộ phụ nữ kinh doanh...
Từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở các loại hình dịch vụ, đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay có 2.905 mô hình có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm, 2.245 mô hình có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm, 247 mô hình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Điển hình, hộ chị Hoàng Thị Gấm ở tổ vay vốn thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, với mô hình phát triển trang trại chăn nuôi mỗi năm duy trì 10 lợn nái, cung cấp trên 200 lợn giống và cung cấp lợn thịt thương phẩm cho thị trường khoảng 15-16 tấn/năm, thu nhập khoảng 70-80 triệu/năm; mô hình nhóm chổi chít của chị Nguyễn Thị Gái và Đặng Thị Thúy phường Pú Trạng - thị xã Nghĩa Lộ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 60 lao động với thu nhập mỗi lao động từ 1,5 triệu đồng/tháng, hay mô hình trồng nấm tại xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đã có 62 hộ trồng nấm thu hoạch 13 tấn/năm, thu nhập 3,5 triệu đồng/lao động/tháng...
Bên cạnh tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn, các cấp hội tích cực tuyên truyền vận động hội việc tích cực tham gia phong trào ”Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, ”Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”... Đến nay 100% cơ sở hội tổ chức đăng ký giúp bằng nhiều hình thức như chị em đã giúp nhau bằng ngày công lao động, vốn vay, cây con giống... 10 năm qua đã giúp được 5.955 hộ phụ nữ nghèo làm chủ được thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thanh Bình - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái nhận định: “Trong 10 năm qua, hội phụ nữ các cấp phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội nhận ủy thác cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế thu được nhiều kết quả to lớn, đã giúp 6 nghìn phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm chủ hộ thoát nghèo. Đời sống của gia đình hội viên phụ nữ được thay đổi, từ đó vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng được nâng lên”.
T.B
Các tin khác
YBĐT – Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 17/6, Chi hội Nhà báo Báo Yên Bái đã tổ chức buổi Tọa đàm nâng cao chất lượng thể tài bình luận, chuyên luận trên ấn phẩm Báo Yên Bái thời sự.
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng cho kế hoạch năm 2013 để điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu đường bộ.
“Ăn theo” chương trình đổi nón bảo hiểm vừa được triển khai, trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện một số điểm đổi nón không nằm trong danh sách của Ban An toàn giao thông TPHCM. Ghi nhận của chúng tôi trong hai ngày 14 và 15-6, khách hàng tới đổi nón tại các điểm tự phát rất đông.
Truyền thông Philippines đưa tin một tàu chở hàng của nước ngoài với 18 thủy thủ Việt Nam đã bị mắc cạn ở Biliran, Philippines vào tối thứ năm vừa qua.