Gieo chữ trên bản Pá Hu

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/6/2013 | 9:22:28 AM

YBĐT - Không đơn thuần chỉ là dạy chữ, ở Pá Hu, các thầy cô giáo còn phải đảm nhiệm rất nhiều việc không tên, đại thể như trông nom trẻ nhỏ vì không hiếm trò lớn đi học còn phải "ấu" thêm đứa em nhỏ dưới mình đến lớp nhờ cô giáo coi hộ - những việc mà chỉ vùng cao mới có.

Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pá Hu.
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pá Hu.

Đường lên bản Pá Hu những ngày mưa chẳng có phương tiện gì tốt hơn là cuốc bộ. Từ ngày có con đường "30a" của Chính phủ, chuyện đi lại không còn là nỗi lo đối với các thầy cô giáo cắm bản. Tạnh ráo, lên trung tâm bản Pá Hu cũng chỉ mất hơn hai tiếng đồng hồ đi xe máy, còn gặp mưa dầm thì đi bộ nhanh cũng phải mất chừng 5 tiếng đồng hồ. Xe máy nghiễm nhiên trở thành thừa, chẳng ai dại gì đem theo lên bản...

Lần ấy, tôi cùng thầy giáo Nguyễn Thế Hợp - Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Pá Hu và thầy giáo Giàng A Chua, người có thâm niên gần 20 năm bám bản cũng là thổ dân ở đất này lên bản Pá Hu vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. Mưa dầm dề gặp đất đồi đặc quánh, quyện bết khiến đôi giầy vải dưới chân nặng thêm tới vài cân đất mà mặt đường thì cứ trơn như đổ mỡ.

Bóng chiều đã bủa quanh những nóc nhà của người Mông trên bản Tà Tàu, bản khá nhất của xã nghèo Pá Hu. Đám trẻ theo học tại điểm trường chính dưới xã trên đường trở về nhà lấm lem, ướt rượt. Dép xách tay, những đôi chân trần bé xíu cứ bấm sâu vào đất, bơi trên con dốc trơn trượt mà đường lên thôn Pá Hu chỉ toàn ngược dốc như thể đường lên trời.

Thầy giáo Nguyễn Thế Hợp phân trần: "Với các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao thì có lẽ công tác vận động học sinh đi học đều và chiêu sinh học sinh ra lớp là vất vả, khó khăn nhất. Muốn được việc thì nhất thiết phải đi vào buổi tối, khi ấy cha mẹ các em mới có nhà. Không biết tiếng đồng bào thì khó mà có thể nói chuyện được với bà con, thế nên các giáo viên của trường bắt buộc phải học để biết nói và giao tiếp bằng tiếng Mông. Lớp nào có học sinh bỏ học thì giáo viên chủ nhiệm lớp ấy phải bố trí thời gian để tối đến nhà học sinh làm công tác dân vận. Vận động các em ra lớp không khó bằng vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Nếu không làm tốt điều này sẽ rất khó khăn khi vận động các học sinh mới đi học…".

 

Các cô giáo cắm bản trên đường xuống xã.

Bản Pá Hu - một trong số hai thôn, bản đặc biệt khó khăn và xa nhất nhì của xã Pá Hu (Trạm Tấu) đặc đồng bào Mông cũng như vẫn chưa có điện lưới thắp sáng. Cái ăn chưa đủ nên việc gieo ươm cái chữ cho con em đồng bào nơi đây là cả núi khó khăn với các thầy cô giáo. Gần cả cuộc đời cắm bản, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết - Tổ trưởng điểm trường thôn Pá Hu chẳng thể nhớ hết đã bao đêm đội mưa đến nhà dân vận động học sinh trở lại lớp.

Với những người "lão làng" như cô, giờ là lớp những thầy cô giáo trẻ mới vào nghề thì những việc như thế này ngày còn ngồi trên giảng đường chỉ có thể được nghe kể còn nay đã trở thành chuyện thường ngày ở bản.

Cô Tuyết tâm sự: "Gần 20 năm cắm bản và gắn bó với đồng bào Mông ở mảnh đất vùng cao này, mình và những đồng nghiệp trẻ ở điểm trường lẻ Pá Hu không còn là người lạ của bản. Mỗi tuần chỉ tranh thủ về thăm nhà vẻn vẹn chưa đầy 2 ngày nghỉ, mưa quá thì đành chịu. Từ việc nhà đến việc nuôi dạy con cái đều do một tay chồng lo liệu và ông bà nội, ngoại đỡ đần.

Cuộc sống của người dân trong bản phần nhiều thuộc diện nghèo nên chuyện học hành của con trẻ cũng ít được quan tâm. Bây giờ thì khá rồi vì điểm trường thôn đã có thêm lớp 1, lại có cả điểm lớp mẫu giáo tại bản nên trẻ nhỏ không phải xuống điểm trường chính học tập. Tỷ lệ huy động và sỹ số học sinh đến lớp cũng được duy trì đều hơn; chất lượng giáo dục vì thế đã từng bước được nâng lên".

Chẳng biết có phải cái nghèo nàn, lạc hậu hay quan niệm "trời sinh, trời dưỡng" và sức ì lớn cứ vây lấy cuộc đời những người Mông nơi đây hay không mà những đứa trẻ cứ vô tư được sinh ra chẳng cần biết khi nào mới đủ ăn, đủ mặc. Bé thì nắm cơm không học cả ngày, còn lớn thì nhịn thông trưa, ôm bụng đói mềm học chữ tới chiều muộn. Điểm trường thôn Pá Hu có 4 thầy cô giáo với 44 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, học 2 buổi mỗi ngày.

Không đơn thuần chỉ là dạy chữ, ở đây, các thầy cô giáo còn phải đảm nhiệm rất nhiều việc không tên, đại thể như trông nom trẻ nhỏ vì không hiếm trò lớn đi học còn phải "ấu" thêm đứa em nhỏ dưới mình đến lớp nhờ cô giáo coi hộ - những việc mà chỉ vùng cao mới có.

Sự thiếu thốn về vật chất không ví được với nỗi cực nhọc khi sáng sáng, các thầy cô phải chia nhau đi từng nhà gọi học sinh đến lớp. Cứ kiên trì như "mưa dầm thấm lâu" nên việc duy trì học sinh ở các lớp đã đi vào nề nếp nhưng đôi khi vẫn phải duy trì phương pháp "gọi học sinh" mỗi khi gặp phải những gia đình khó khăn, có tư tưởng không muốn cho con đi học đã đưa Pá Hu trở thành địa phương có tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt trên 96%, cao nhất nhì huyện Trạm Tấu.

Rời bản Pá Hu, đường về điểm trường chính chỉ toàn là xuôi dốc nên không còn cảm giác xa ngái. Quên đi đôi bàn chân phồng rộp, đau rát, tôi vui khi cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Pá Hu tự hào bộc bạch: "Sống và làm việc trong điều kiện áp lực, trách nhiệm công việc cao lại luôn phải đối mặt với khó khăn và thiếu thốn nên các thầy cô giáo ở đây được rèn giũa, tôi luyện và có một sức bền vượt khó, vượt khổ hơn hẳn các đồng nghiệp vùng thấp. Mình tự hào vì giáo viên của trường được điều chuyển đi các trường khác đều trưởng thành rất nhanh, vững vàng cả về bản lĩnh và chuyên môn, nghiệp vụ. Một trong những tiêu chí đầu tiên mà nhà trường cần ở các thầy cô giáo là phải có tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ. Đã dạy học cho con em đồng bào dân tộc thì nhất thiết phải biết tiếng của người dân bản địa, phải biết dân vận, quan hệ tốt với đồng bào. Có vậy, mỗi giáo viên ở đây mới mong bám trụ được với vùng cao".

Phạm Minh

Các tin khác
Giống lúa Bio 404 đưa vào sản xuất tại xã Khao Mang cho hiệu quả tốt.

YBĐT - Sau 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn dần khởi sắc, nổi bật nhất là tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm xuống còn 75,04% - đó là chia sẻ của ông Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Mù Cang Chải.

Sóng đánh tràn bở kè Cát Cò, Cát Bà - Hải Phòng

Một số khu vực dân cư ở Nghệ An đang bị ngập lụt từ 0,2m đến 1m, nhiều hộ dân đã phải di chuyển nơi ở.

YBĐT - Khoảng 11 giờ ngày 23/6, tại thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu – thành phố Yên Bái đã xảy ra 1 vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là em Tạ Tuấn Anh, sinh năm 2005, tại thôn Đồng Đình.

Bản đồ dự báo đường đi của bão số 2.

Sáng qua 21.6, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 2, có tên quốc tế là Bebinca. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, chiều tối cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ vĩ bắc; 115,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360 km về phía đông đông bắc, cường độ mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9 - cấp 10.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục