Mù Cang Chải chủ động trước mùa mưa bão
- Cập nhật: Thứ tư, 3/7/2013 | 3:01:03 PM
YBĐT - Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, ngay khi bắt đầu mùa mưa bão, UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó nhằm giảm nhẹ và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo số liệu báo cáo, mùa mưa bão năm 2012, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã liên tiếp hứng chịu ảnh hưởng của các cơn bão. Đặc biệt là cơn bão số 5 kéo dài từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 đã gây ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại xã La Pán Tẩn làm chết 15 người, mất tích 2 người, bị thương 2 người. Cùng với đó là hàng ngàn ngôi nhà bị thiệt hại, hàng trăm héc-ta hoa màu, hệ thống công trình thủy lợi bị hư hại, ước tính tổng thiệt hại trên 2 tỷ đồng.
Ông Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) huyện cho biết, là huyện vùng cao, nhiều núi cao, khe sâu rất phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư các xã vùng cao thưa thớt, phân bổ không đồng đều, nhiều nhà dân nằm rải rác trên các sườn núi có độ dốc lớn và vùng trũng ven suối nên nguy cơ bị thiệt hại do sạt lở núi, lũ quét, ngập sâu trong mùa mưa bão rất lớn. Từ thực tế ấy, năm nay, huyện Mù Cang Chải đã triển khai phương án PCLB & TKCN khá sớm. Tại thời điểm này, công tác PCLB & TKCN ở huyện đang được triển khai khẩn trương.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, huyện chỉ đạo khi có lũ, bão xảy ra ở địa bàn, khu vực nào thì huy động lực lượng nhân dân và cán bộ nơi ấy (lấy lực lượng đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt) tham gia phòng, chống. Riêng các xã, thị trấn thì sử dụng lực lượng dân quân cơ động và công an xã để tham gia tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ. Chủ động đối phó trước mọi tình huống do bão lũ gây ra, huyện đã kiện toàn ban chỉ huy PCLB & TKCN các cấp trên cơ sở gọn đầu mối và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên.
Khi lũ, bão xảy ra, các thành viên ban chỉ huy PCLB & TKCN trực chỉ huy 24/24h, đồng thời thường xuyên kiểm tra địa bàn xung yếu, vùng thường bị ngập, các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét... để có biện pháp ứng cứu.
Về vật tư, phương tiện, huyện dự trù kinh phí giải quyết các nhu cầu bức thiết trong mùa mưa bão năm nay khoảng 100 triệu đồng; có kế hoạch tận dụng nguồn lực tại chỗ để sử dụng kịp thời cho việc đối phó với lụt bão. Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện và các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra, tu sửa đê điều, các công trình thủy lợi; giao trách nhiệm cho các lực lượng quản lý trạm bơm, cống xả lũ, công trình thủy lợi, hồ chứa, tuyến đường giao thông, công trình xây dựng cơ bản, đường, điện... đôn đốc các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch PCLB & TKCN cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó là thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn để cho nhân dân chủ động có biện pháp phòng chống và thu hoạch nhanh gọn lúa, hoa màu cũng như phòng tránh, sơ tán kịp thời; theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các cơ sở, đặc biệt phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở ta luy xảy ra; tổ chức hiệp đồng lực lượng với các đơn vị trên địa bàn.
Đồng thời chỉ đạo UBND các xã phải tổ chức rà soát các cơ sở khai thác cát sỏi, khai thác khoáng sản trên địa bàn; giải phóng ngay các công trình xây dựng lấn chiếm và các vật liệu cản trở dòng chảy như tre, gỗ... ở tất cả các khe suối trước mùa mưa lũ; quản lý, sử dụng có hiệu quả các loại trang thiết bị cảnh báo phòng tránh lũ quét như: thiết bị đo mưa và một số vật dụng khác; nghiêm cấm chặt phá rừng phòng hộ bừa bãi; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi cần thiết và vận động nhân dân trong mùa mưa lũ mỗi gia đình phải có kế hoạch dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm khác đảm bảo cho sinh hoạt từ 5 - 7 ngày trở lên khi có tình huống bất trắc.
Song song có phương án, kế hoạch tổ chức tốt công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời; chú trọng thông tin liên lạc thông suốt với cơ sở xã và Ban chỉ huy của huyện; chỉ đạo các xã vận động nhân dân tích cực chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm xá và các công trình công cộng khác. Đối với những diện tích lúa chiêm xuân đã chín, các địa phương vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch để tránh mưa gió, bão lũ ảnh hưởng đến năng suất; kiên quyết di dời những hộ dân sống ven sông, suối, khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khi có bão cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để thông báo kịp thời cho nhân dân phòng tránh.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm 2013, tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có diễn biến phức tạp. Do vậy, công tác đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vẫn giữ một vị trí quan trọng để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Lê Thanh
Các tin khác
Dù liên tục cải thiện từ năm 1990-2012 nhưng chỉ số phát triển con người (HDI) của VN vẫn ở mức trung bình của thế giới, theo nghiên cứu mà Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố tại Hà Nội hôm nay (3-7).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên từ ngày 2/7 đã xuất hiện mưa to.
Ngày 3/7, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Quang Trung cho biết thời gian qua, tình hình dịch bệnh, tình trạng ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các sự cố về an toàn thực phẩm vẫn đang xuất hiện.
YBĐT - Những năm qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã triển khai thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách với người có công.