Gặp lại những người “đến trước, về sau”

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/7/2013 | 3:04:18 PM

YBĐT - Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước, hàng ngàn thanh niên trong cả nước đã xung phong phục vụ các chiến trường ở Văn Chấn - Yên Bái, góp phần vào những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc. Gần 40 năm trôi qua, những người “đến trước, về sau” ở Văn Chấn đã và đang tích cực nêu gương sáng trên mặt trận xây dựng và phát triển quê hương.

Ban đại diện C264 xã Đại Lịch ôn lại truyền thống tại nhà tưởng niệm Anh Hùng Liệt sĩ Hoàng Văn Thọ.
Ban đại diện C264 xã Đại Lịch ôn lại truyền thống tại nhà tưởng niệm Anh Hùng Liệt sĩ Hoàng Văn Thọ.

Chúng tôi trở lại thăm Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) xã Đại Lịch đúng lúc Ban đại diện C264 đến dâng hương, viếng thăm tượng đài và Nhà lưu niệm Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Văn Thọ. Được thành lập năm 2009, cùng với việc tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên, các hội viên Hội Cựu TNXP C264 xã Đại Lịch còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy cháu con, phát triển kinh tế đồng thời tập hợp lực lượng, củng cố hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ đãi ngộ xã hội cho hội viên.

Những năm qua, Hội đã giúp 5 đồng chí được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên, 4 đồng chí được hưởng chế độ trợ cấp một lần cùng hàng chục đồng chí được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp thương binh, bệnh binh.

Ông Phạm Công Hoán - Trưởng ban đại diện Hội Cựu TNXP xã Đại Lịch cho biết: “Anh em đồng chí, đồng đội còn được gặp nhau lúc tuổi già đã là may mắn và hạnh phúc. Chúng tôi chỉ mong sao lúc tuổi già sống làm gương cho con cháu, có ích cho gia đình và xã hội”.

Là một trong những chiến trường trọng điểm ở khu vực Tây Bắc Tổ quốc, những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước, hàng ngàn thanh niên đã xung phong đến Văn Chấn - Yên Bái làm nhiệm vụ mở đường, tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường. Hòa bình lập lại, nhiều đồng chí đã ở lại quê hương Văn Chấn xây dựng vùng kinh tế mới. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng với việc ra mắt ban đại diện các hội cựu TNXP, năm 2009, Hội Cựu TNXP Văn Chấn được thành lập với 257 hội viên, sinh hoạt ở 12 chi hội.

Với hoạt động tích cực, tổ chức hội đã động viên, khích lệ tinh thần TNXP và tập hợp, hướng dẫn các hội viên làm thủ tục để hưởng chế độ TNXP, các chế độ đãi ngộ khác. Đến nay, Hội đã giúp 30 đồng chí TNXP được hưởng các chế độ trợ cấp một lần với mức 1,5 triệu đồng/tháng và hàng chục đồng chí khác hưởng các chế độ thương binh, bệnh binh, bảo hiểm y tế, các chế độ mai táng phí khác.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Hội Cựu TNXP huyện Văn Chấn, toàn huyện vẫn còn 171 hồ sơ TNXP đang tiếp tục được xem xét giải quyết, trong đó có nhiều hồ sơ đã bổ sung, làm đi làm lại nhiều lần nhưng chưa đủ căn cứ để được công nhận, hưởng chế độ TNXP. Thực tế, quá trình công tác đã lâu năm nên hầu hết các trường hợp đã thất lạc, mất mát hồ sơ gốc...

Ngoài ra, việc luân chuyển đơn vị, trải qua chiến tranh, nhiều đồng lãnh đạo đơn vị đã mất hoặc già yếu, không có khả năng xác thực thông tin là những khó khăn cơ bản khiến việc hoàn tất nhiều hồ sơ của cựu TNXP ở Văn Chấn vẫn gặp trở ngại.

Theo ông Nguyễn Duy Quynh - Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Văn Chấn cho biết: “Để có đủ hồ sơ chứng nhận hội viên hưởng chế độ TNXP, ngoài việc cung cấp các văn bản, hướng dẫn và tiếp nhận giải quyết hồ sơ, Ban đại điện chúng tôi còn trực tiếp đến các đơn vị, địa phương xác thực hồ sơ cho các trường hợp ốm đau, bệnh tật, không đi lại được. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, số lượng TNXP sinh sống rải rác, chưa có đầy đủ thông tin, hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ chứng nhận nên việc giải quyết vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.

Trong mỗi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đều có sự tham gia của rất nhiều lực lượng như dân công, TNXP, bộ đội... nhưng lực lượng TNXP là những người “đến trước, về sau”. Họ tiên phong xả thân nơi rừng thiêng nước độc để mở đường ra chiến dịch, bám trụ trên những cung đường ác liệt, hứng chịu bom đạn để giữ cho bao mạch máu giao thông thông suốt. Khi những đoàn quân rút đi, họ ở lại thu dọn, tu sửa và bảo vệ tuyến đường cho những đoàn quân, những chuyến xe trở về bình an. Họ là vậy, không tiếc tuổi xuân, thân thể và không mưu cầu điều gì lớn lao cho riêng bản thân.

Hôm nay, trở về địa phương, họ vẫn nêu gương sáng trong mọi lĩnh vực của đời sống, sinh hoạt thường ngày. Mong mỏi lớn nhất của họ là làm sao Đảng và Nhà nước quan tâm cho tất cả anh em, đồng chí đã từng cống hiến công sức, xương máu cho Tổ quốc được công nhận, được đền đáp để con cháu, làng xóm được vinh dự về cha ông của mình.

Trần Van - Nguyễn Nghĩa

Các tin khác

YBĐT - Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, ngay khi bắt đầu mùa mưa bão, UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó nhằm giảm nhẹ và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Dù liên tục cải thiện từ năm 1990-2012 nhưng chỉ số phát triển con người (HDI) của VN vẫn ở mức trung bình của thế giới, theo nghiên cứu mà Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố tại Hà Nội hôm nay (3-7).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên từ ngày 2/7 đã  xuất hiện mưa to.

Ảnh chỉ có tính minh họa.

Ngày 3/7, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Quang Trung cho biết thời gian qua, tình hình dịch bệnh, tình trạng ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các sự cố về an toàn thực phẩm vẫn đang xuất hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục