Lá thư từ Viêng Chăn
- Cập nhật: Thứ ba, 13/8/2013 | 2:20:37 PM
YB ĐT - Các bạn ở tỉnh Viêng Chăn sang Yên Bái học tiếng Việt nâng cao đã đưa cho tôi lá thư của Khên Hương Khăm Sẻng. Thư viết:
Khên là một học viên luôn xung phong lên bảng.
|
“Kính chào chị Mai thân mến!
Từ ngày chị xa tỉnh Viêng Chăn đến nay cũng đã lâu rồi nhưng em mong rằng, chị và gia đình vẫn khỏe mạnh và thuận lợi trong công tác, riêng em và gia đình vẫn mạnh khỏe như trước đây!
Trong thời gian vừa qua, chị đã chuyền Facebook đến em, em xin lỗi vì Not Book của em không có tiếng Việt nên em chưa kịp báo cho chị biết.
Nhưng tình cảm và tình thương nhớ không bao giờ phai mờ trong lòng em. Em rất biết ơn chị bởi vì chị là cô giáo - người đầu tiên dẫn em hiểu biết về ngôn ngữ VIỆT NAM và phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam anh hùng. Bồi dưỡng tiếng Việt ở tỉnh Yên Bái lần này, em không được sang vì em có nhiều công việc cần phải giải quyết, nếu có lần khác em sẽ cố gắng sang bồi dưỡng tiếng Việt và sẽ đến thăm chị và gia đình.
Cuối thư, em chúc chị và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và hoàn thành mọi nhiệm vụ, chúc tình yêu thương giữa chị và em mãi mãi trong trí nhớ chúng ta, chúc tình hữu nghị và hợp tác giữa hai tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Yên Bái mãi mãi, đời đời bền vững.
Tỉnh Viêng Chăn, ngày 31 tháng 7 năm 2013
Khên Hương Khăm Sẻng”
Đọc thư của Khên làm tôi nhớ lại những ngày công tác tại tỉnh Viêng Chăn (trong 6 tháng của năm 2011 và 6 tháng của năm 2012). Khoảng thời gian để lại cho tôi nhiều kỉ niệm và tình cảm lưu luyến trong công việc, trong cuộc sống với các bạn Lào.
Nhiệm vụ của chúng tôi là sang dạy tiếng Việt và trao đổi kinh nghiệm giáo dục. Hai khóa đào tạo tiếng Việt tại tỉnh Viêng Chăn đã có gần hai trăm cán bộ học tiếng Việt trình độ A và 20 cán bộ học trình độ tiếng Việt B. Đảm bảo được sĩ số lớp học tiếng Việt của cán bộ rất khó khăn. Chúng tôi luôn phải tìm và đổi mới cách dạy cho phù hợp thực tiễn, phải vừa kết hợp dạy tiếng và trao đổi văn hóa, giáo dục. Đối tượng học đa dạng, có người đã nhiều tuổi, có người đã biết 2, 3 thứ tiếng nước ngoài, ở nhiều ngành nghề và trình độ khác nhau. Họ học tiếng Việt với mong muốn hiểu biết đất nước, con người Việt Nam, phục vụ cho sự hợp tác toàn diện và gìn giữ tình hữu nghị đặc biệt, lâu đời giữa hai dân tộc. Quá trình dạy và học đã tổ chức các buổi giao lưu “Samakhi” (đoàn kết), đi thực tế, tạo cơ hội để cô trò hiểu nhau, tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, biết thêm phong tục tập quán của hai dân tộc.
Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái sang công tác đã tới thăm lớp và được đón tiếp theo nghi thức truyền thống trong không khí trang trọng và mến khách. Đồng chí trưởng đoàn công tác của Yên Bái khi xem hai bạn viết câu thơ của Bác ngợi ca tình hữu nghị Việt - Lào đã xúc động nói: "Bất kì một người dân Việt Nam nào, một em học sinh nào trên đất nước chúng tôi cũng đều biết đến câu nói đó. Chúng ta tự hào về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào".
Ngày Quốc khánh (văn sạt) và Ngày Nhà giáo (văn khu) của Việt Nam được các ban, ngành trong tỉnh và học viên chúc mừng trong sự trang trọng và tình thân ái. Chúng tôi cùng các bạn vẫy cao cờ Tổ quốc, hát vang trong dòng cảm xúc “Hai nước như anh em một nhà, truyền thống quý báu đó chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và giáo dục con cháu xây đắp cho tình hữu nghị mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Tôi đã xin bài chúc mừng của anh lớp trưởng Kong Kẹo mang về Việt Nam làm kỉ niệm. Dẫu câu chữ anh viết còn vụng về nhưng tình cảm quý mến dành cho chúng tôi thì thật sâu đậm biết nhường nào:
"Tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam muôn năm!
Tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt tỉnh Viêng Chăn - Yên Bái muôn năm!
Tình yêu thương của cô giáo với các học viên buổi sáng đời đời bền vững!".
Lễ tổng kết chia tay đầy lưu luyến của người đi, người ở. Tôi có cơ hội để khắc ghi những gương mặt thân thiết, gắn bó cùng tôi những ngày sống trên đất bạn, họ giống như anh chị tôi, con tôi và cháu tôi. Lễ tổng kết có trao cho từng người chứng nhận tiếng Việt, trao bằng khen cho các cô giáo, có lễ buộc chỉ tay, có liên hoan, múa hát.
Cảm xúc thăng hoa và lưu luyến tột cùng, đan xen bài hát Việt, bài hát Lào như một khúc ca bất tận. Câu hát ý nghĩa đã gắn chặt chúng tôi thành một khối "Hà Nội - Viêng Chăn hau hắc pheng căn, hau Samakhi, samakhi...", nghĩa là: “Hà Nội - Viêng Chăn yêu thương nhau, đoàn kết bên nhau, tình hữu nghị truyền thống ấy có từ lâu đời”.
Khên là Chánh Văn phòng của Ban Kiểm tra tỉnh Viêng Chăn, là học viên tôi dạy tiếng Việt. Cảm ơn Khên nhiều! Đọc lá thư của Khên mang lại cho tôi niềm hạnh phúc, tự hào. Hạnh phúc vì tình cảm của Khên dành cho tôi; xúc động, tự hào vì lá thư mà Khên đã tự tay viết bằng tiếng Việt, cách trình bày thể thức văn bản, ngôn ngữ diễn đạt như người Việt Nam… Điều ấy nói lên rằng, các bạn rất yêu quý và trân trọng tiếng Việt, văn hóa của người Việt, tình cảm của người Việt và cũng chính là thành quả công việc của chúng tôi làm. Điều ấy cũng một phần khẳng định tính hiệu quả trong hợp tác hai tỉnh mà Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư làm đầu mối, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái thực hiện.
Chúng tôi tin tưởng rằng, sự hợp tác toàn diện và đúng hướng của hai tỉnh Yên Bái - Viêng Chăn sẽ ngày càng góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị vốn có của hai nước Việt - Lào.
Nguyễn Thanh Mai (Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái)
Các tin khác
Vào biển Đông, siêu bão Utor tiếp tục mạnh lên, đạt gần 170 km/h (cấp 14). Cơn bão với vùng ảnh hưởng rộng hàng trăm km khiến vịnh Bắc Bộ hứng chịu cấp gió nguy hiểm từ ngày mai, 14/8.
Khoảng 6h50’, nhân viên kho bạc bật cầu dao điện, khoảng 10 phút sau, thì phát hiện xảy ra cháy ở phòng máy vi tính.
Thuyền viên Igormagnyas mang quốc tịch Gibata bị đau ruột thừa khi đang hành trình trên vùng biển Vũng Tàu, vừa được Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cứu sống.
YBĐT - Ngay trước thềm năm học mới, cô giáo Trần Thị Yến - Phó hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng, huyện Yên Bình đã có đơn tình nguyện lên vùng sâu, vùng xa công tác. Còn cô giáo Đặng Thị Sơn, công tác cùng Trường Đại Đồng cũng đã tình nguyện xin đi thay một cô giáo khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.