Để trẻ được chăm sóc, giáo dục trong môi trường thân thiện
- Cập nhật: Thứ tư, 14/8/2013 | 8:41:54 AM
YBĐT - Minh Quân, huyện Trấn Yên là xã thuần nông, điều kiện kinh tế chậm phát triển mà lại có tỷ lệ người nhiễm HIV cao, song trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE).
Tập huấn mô hình trợ giúp trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS, trẻ khuyết tật tại xã Minh Quân.
|
Với mục tiêu tăng cường các biện pháp chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp liên ngành tại cơ sở, cộng đồng, huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện chính sách cho trẻ, đặc biệt ưu tiên trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, sống với người thân nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật nên ngay sau khi nhận được kế hoạch triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ khuyết tật được triển khai vào xã, căn cứ tình hình thực tế, Minh Quân đã thành lập Ban điều phối mô hình, trong đó, đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.
Ban điều phối mô hình có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, cán bộ y tế thôn bản phối hợp với Trạm Y tế xã và Ban điều hành mô hình tiến hành điều tra số trẻ trên 8 thôn của xã, đặc biệt chú ý các thôn có tỷ lệ người nghiện, nhiễm HIV/AIDS, đã có người bị chết bởi HIV/AIDS. Từ đó, tiến hành điều tra tại hộ bằng biện pháp khai thác, thu thập thông tin từng cá nhân trong gia đình có trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS, trẻ khuyết tật.
Qua quá trình điều tra đã lựa chọn 40 trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS, trẻ khuyết tật để tham gia mô hình. Trong đó: 1 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, 2 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, còn lại là trẻ mồ côi hiện đang sống với người thân và trẻ sống với người thân bị nhiễm HIV/AIDS, hầu hết số này đều thuộc diện gia đình kinh tế khó khăn.
Cùng với tư vấn cho trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS và gia đình của trẻ về cách chăm sóc, quyền lợi của trẻ, mô hình còn xây dựng các chương trình kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ các em về vật chất để các em được học tập, vui chơi như những em nhỏ khác, tạo sân chơi thân thiện giữa trẻ bình thường và trẻ bị ảnh hưởng, giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng, giúp các em xóa đi mặc cảm.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, hàng tháng, các cộng tác viên phải điều tra, thu thập thông tin bằng phiếu tại gia đình để nắm bắt nhu cầu của trẻ về dinh dưỡng, giáo dục, nhà ở, y tế, chính sách xã hội, tư vấn, giới thiệu xét nghiệm… sau đó, tổng hợp ý kiến, đề xuất nhu cầu của trẻ và có kế hoạch kết nối dịch vụ để giải quyết các nhu cầu.
Cháu B.P.T, 6 tuổi, thôn Hòa Quân, gia đình có ba mẹ con, hiện tại, hai mẹ con cháu đều bị nhiễm HIV/AIDS. Mong muốn của cháu cũng như gia đình là sẽ nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã để cháu được đi học, không bị phân biệt kỳ thị, được sống, học tập trong môi trường thân thiện nhất.
Chị L.T.K, 33 tuổi ở thôn Gò Bông, là mẹ cháu N.H.H, đang học lớp 3 tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cả 2 vợ chồng đều bị nhiễm HIV/AIDS, thu nhập bình quân gia đình 200 ngàn đồng/tháng. Mong muốn của gia đình là cháu sẽ được miễn các khoản đóng góp để cháu tiếp tục được đến trường, đến lớp”.
Còn với cháu Nguyễn Thị Diệu Linh, 6 tuổi ở thôn Gò Bông, là trẻ mồ côi đang ở với ông bà đã ngoài 60 tuổi, kinh tế gia đình khó khăn, cháu mong muốn nhận đỡ đầu để vơi bớt một phần gánh nặng cho ông bà khi năm học tới cháu sẽ bước vào lớp 1. Hầu hết các gia đình mong muốn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tạo điều kiện để con em mình được đến trường đến lớp, được vui chơi, chăm sóc và giáo dục trong môi trường an toàn, thân thiện.
Tuy nhiên, đây là mô hình mới, đội ngũ cán bộ xã hoạt động kiêm nhiệm, đội ngũ cộng tác viên chủ yếu là cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nên việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin hạn chế. Bên cạnh đó, đối tượng điều tra dễ bị tổn thương, nhạy cảm và khó động viên họ tham gia mô hình.
Việc điều tra khai thác thông tin các đối tượng nhiễm HIV/AIDS rất khó khăn do các đối tượng này thường né tránh, không muốn hợp tác. Kinh phí để hoạt động mô hình còn hạn chế. Do vậy, để mô hình phát huy hiệu quả cũng như tạo sự đồng thuận giúp đỡ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Lê Thanh
Các tin khác
YBĐT - Những con đường nhộn nhịp người qua lại, những hoạt động giao lưu buôn bán diễn ra trên khắp địa bàn thành phố. Đó là hình ảnh về một cuộc sống bình yên, ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển ở thành phố Yên Bái.
Năm học 2012 - 2013, Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, TP trên cả nước. Đây là mô hình tổ chức trường học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học làm vị trí trung tâm.
Sơ đồ dự báo đường đi của bão số 7 lúc 16 giờ chiều 13/8 cho thấy, vào những ngày cuối, bão sẽ chuyển hướng, lệch hơn về phía Việt Nam. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cũng dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc...
YB ĐT - Các bạn ở tỉnh Viêng Chăn sang Yên Bái học tiếng Việt nâng cao đã đưa cho tôi lá thư của Khên Hương Khăm Sẻng. Thư viết: