Xét xử đại án Dương Chí Dũng

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/12/2013 | 8:05:46 AM

Sáng nay (12-12), Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”.

Hội đồng xét xử gồm chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh, thẩm phán Đào Vĩnh Tường (chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội) và ba hội thẩm nhân dân. Kiểm sát viên là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Dự kiến phiên tòa kéo dài đến hết ngày 14-12.

Mười bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử gồm Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT), Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT), Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines), Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines), Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN), Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa), Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) và Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong thời gian Vinalines tiến hành triển khai dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines đã tổ chức khảo sát và quyết định ký hợp đồng thanh toán tiền nhập khẩu ụ nổi 83M - một hạng mục của dự án nhà máy sửa chữa tàu thủy phía Nam với Công ty AP (Singapore). Quá trình khảo sát thực tế, mặc dù biết ụ nổi 83M (sản xuất từ năm 1965) đã bị hư hỏng nặng, không có khả năng hoạt động được và đã bị Đăng kiểm Nga ngừng cấp giấy phép đăng kiểm từ năm 2006 nhưng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo cấp dưới phải “lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M”. Việc làm trên đã trái nguyên tắc, trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng.

Sau khi mua thành công ụ nổi 83M, Công ty AP đã chuyển ngược về VN cho các bị cáo 1,666 triệu USD gọi là tiền “lại quả”. Số tiền này các bị cáo đã chia nhau tham ô hết. Cụ thể, Dương Chí Dũng tham ô 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc tham ô 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn 8 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 370 triệu đồng.

Ngày 4-9-2012, Dương Chí Dũng bị bắt sau hơn bốn tháng lẩn trốn. Cáo trạng xác định Dương Chí Dũng phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quá trình điều tra Dũng không ăn năn hối cải, khai báo quanh co chối tội, đề nghị hội đồng xét xử xem xét tăng nặng hình phạt đối với Dương Chí Dũng.

Cáo trạng cũng xác định Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành có chức năng cùng các cơ quan khác thực hiện việc kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines. Tuy nhiên, trong một thời gian dài Bộ GTVT đã không cập nhật, kiểm tra, giám sát để Vinalines triển khai dự án xảy ra nhiều sai phạm gây hậu quả thiệt hại rất lớn nên Bộ GTVT phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cán bộ có liên quan.

Ba luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng là luật sư Trần Đình Triển, luật sư Trần Đại Thắng và luật sư Ngô Ngọc Thủy (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-12, luật sư Thủy cho biết hiện sức khỏe và tinh thần của Dương Chí Dũng rất tốt và bị cáo đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để tham gia phiên tòa.

Diễn tiến vụ việc Dương Chí Dũng

* 1-2-2012: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự số 01/C48 về tội “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải VN.

* 17-5-2012: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung vụ án hình sự số 01/C48 về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Vinalines.

* Trong hai ngày 17 và 18-5-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam một số cán bộ là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) do có hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can bị bắt tạm giam gồm có Mai Văn Phúc (phó vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc, phó bí thư Đảng ủy Vinalines). Riêng bị can Dương Chí Dũng (cục trưởng Cục Hàng hải VN, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines) không có mặt tại nhà và nơi làm việc.

Trước đó, vào chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn.

* 18-5-2012: Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc, đồng thời phối hợp với Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.

* 4-9-2012: Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia theo lệnh truy nã sau hơn bốn tháng lẩn trốn.

* 1-11-2013: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố Dương Chí Dũng và chín bị can khác về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”.

* Từ 12-12-2013 đến 14-12-2013, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm.

(Theo TTO)

Các tin khác

YBĐT - Vào khoảng 11h 15, ngày 06/12, trong khi tổ liên ngành huyện Lục Yên(Yên Bái) đang làm công tác tuần tra, kiểm soát việc khai thác gỗ trái phép tại khu vực Tùng Lâm, Bỏ My xã Tân Phượng, giáp ranh thôn Theng, xã Xuân Giang – Quang Bình – Hà Giang.

Một phiên tòa xét xử vụ án buôn bán phụ nữ và trẻ em ở huyện Lục Yên.

YBĐT - Những năm qua, cùng vời những thành tựu quan trọng đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người ở Yên Bái còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

YBĐT - Khoảng 17 giờ 15 phút, ngày 27/11/2013, tại khu vực bản Pú Nham, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), tổ công tác Công an huyện Mù Cang Chải phát hiện đối tượng Vàng A Tếnh (tên gọi khác Vàng A Trống) sinh năm 1986, có hộ khẩu thường trú tại bản Háng Lia 1, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Công ty dịch vụ an ninh Tân Sơn Nhất đã ra quyết định tạm đình chỉ 4 cán bộ đội Kiểm tra an ninh soi chiếu kho hàng hóa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục