Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy - Bài 2: Ý kiến của những người trong cuộc

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/6/2023 | 7:41:28 AM

YênBái - Để có cái nhìn khách quan, chân thực về quá trình và kết quả cai nghiện của bà Trần Thị Bích, phóng viên đã tìm đến những người có chuyên môn và cả những người trong cuộc.

Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.


Đồng chí Hoàng Đình Long - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự -  Kinh tế - Ma túy, Công an thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Bà Trần Thị Bích sinh năm 1963, cư trú tại tổ 2, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ có biểu hiện tụ tập nhiều đối tượng nghiện ma túy từ nhiều địa phương khác nhau tại nhà riêng để cai nghiện không phép. Nắm được tình hình này, lãnh đạo Công an thị xã đã chỉ đạo Đội chúng tôi cùng với lực lượng Công an phường xuống tận nhà kiểm tra, nhắc nhở. Tuy nhiên, tình trạng vẫn tiếp diễn”.

Hồi 13 giờ ngày 13/5/2023, lực lượng Công an thị xã thực hiện kế hoạch tuần tra. Quá trình tuần tra, cơ quan chức năng phát hiện nhà bà Trần Thị Bích tụ tập 7 đối tượng có biểu hiện nghiện ma túy. Trong quá trình làm việc, bà Bích thừa nhận, 7 người nghiện đang có mặt trong nhà bà là bệnh nhân đang được bà tổ chức cai nghiện tự nguyện. 

Bà Bích không trình được bất cứ một loại chứng chỉ hành nghề và loại giấy phép hoạt động nào theo quy định. Căn cứ vào tính chất, hành vi của vụ việc, Công an thị xã Nghĩa Lộ yêu cầu bà Bích chấm dứt việc tổ chức cai nghiện không phép; đồng thời, lực lượng công an đã hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Anh Đặng Văn T - người từng điều trị tại nhà bà Bích kể lại: "Tôi có nộp cho bà Bích 8 triệu đồng; trong đó, 6 triệu đồng tiền cai và 2 triệu đồng tiền đạm để truyền vì bà ấy bảo tôi quá yếu. Tôi được bà Bích cho uống thứ thuốc gì đó, uống vào là mê mệt cả ngày. Việc truyền đạm ở đây diễn ra thường xuyên, do con cháu bà Bích hoặc chúng tôi tự truyền cho nhau”. 

Được biết, anh T đã sớm kết thúc liệu trình ở ngày thứ 5 khi thấy sức khỏe trở nên trầm trọng, trọng lượng anh đã giảm đi 5 kg, giờ đi lại rất khó khăn, việc di chuyển hằng ngày tới cơ sở cung cấp Methadone cũng phải nhờ cậy các bệnh nhân khác. 

Anh T cho biết, cả 4 người mà anh quen biết đến bà Bích đều không cai nghiện thành công, những người cai được cũng chỉ biết qua lời kể. Giờ "tiền mất, tật mang”, số tiền 8 triệu đồng thực sự là một khoản lớn với người nghiện lâu năm, mắc căn bệnh thế kỷ và thể trạng gầy yếu như anh. Chục bao thóc mới gặt là nguồn lương thực cho anh, người mẹ già và cậu con trai, không lẽ lại mang đi bán!

Trao đổi với chúng tôi về việc cắt cơn trong cai nghiện, Thượng tá Nguyễn Văn Hoan - Trưởng Công an thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Tôi từng làm Giám thị Trại Tạm giam, Công an tỉnh chứng kiến nhiều đối tượng nghiện, vi phạm pháp luật bị giam giữ, chỉ sau 5 ngày đến 1 tuần, cùng lắm là 10 ngày đã cắt cơn nghiện. Suốt quá trình thi hành án có khi lên đến trên 10 năm, họ không hề dùng ma túy. Tuy nhiên, khi họ tái hòa nhập cộng đồng lại mắc nghiện trở lại". 

"Như vậy có thể hiểu, việc cắt cơn nghiện không quá khó, dù người nghiện phải đau đớn, vật lộn một thời gian. Cái khó là họ phải thực sự quyết tâm, phải vượt qua được những cám dỗ và không bị bạn nghiện lôi kéo. Các ngành chức năng của thị xã Nghĩa Lộ sẽ tạo điều kiện tối đa cho bà Bích tổ chức cai nghiện với điều kiện là cai được thật và trên cơ sở các quy định hiện hành. Nếu không, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý, không thể để một khu dân cư trở thành nơi tụ hội người nghiện từ khắp nơi, dễ phát sinh phức tạp; không thể để tình trạng người nghiện và người thân của họ mất tiền, mất công mà vẫn không từ bỏ được ma túy”, thượng Tá Hoan nói.

Sau khi xem hình ảnh 3 loại thuốc của bà Trần Thị Bích cho người nghiện uống, dược sĩ Nguyễn Hữu Toản - Chuyên viên cao cấp hãng dược phẩm AstraZeneca nói với phóng viên: "Trong các loại thuốc này, loại thuốc thứ nhất, không có bao bì, tem nhãn nên mắt thường không thể biết là thuốc gì, thành phần ra sao, muốn biết rõ phải nhờ các chuyên gia phân tích bằng phương tiện kỹ thuật. Tuy nhiên, uống một viên thuốc vào mà người mê man, ngủ không biết gì như mọi người miêu tả thì tôi nghĩ đến thuốc an thần - một loại thuốc an thần cực mạnh mới có thể làm cho người nghiện ma túy lâu năm ngủ ly bì nhiều tiếng như vậy".

Loại thuốc thứ 2, bao bì có dòng chữ Tepirace. Mọi người hoàn toàn có thể tra cứu trên Google, các trang web của các bệnh viện, các cửa hàng dược. Thí dụ, Nhà thuốc Long Châu mô tả: thuốc Tepirace chứa hoạt chất Clonidin Hydroclorid dùng điều trị tăng huyết áp nhẹ và vừa, làm giảm những triệu chứng cường giao cảm nặng khi cai nghiện hêrôin hoặc Nicotin hoặc dùng để chẩn đoán tăng huyết áp do u tế bào ưa Crôm. 

"Hình ảnh loại thuốc thứ 3 không rõ ràng tên thuốc nên không thể nói chính xác; tôi chủ quan cho rằng đây có thể là thuốc Hydroclorid một loại thuốc được chỉ định hỗ trợ cho bệnh nhân cắt cơn cai nghiện ma túy. Như đã nói, muốn biết công dụng của thuốc, chúng ta phải đầy đủ thông tin, với những viên thuốc đã bỏ hết vỏ hộp, bao bì… chỉ còn những viên nén trong bịch nilon thì không thể biết chính xác được” - ông Toản nói. 

Có thể bà Trần Thị Bích không trục lợi hay nói như bà "mỗi bệnh nhân chỉ để ra được triệu bạc, lấy tiền đó đi làm từ thiện”. Tuy nhiên, tất cả những người đã cai tại nhà bà mà chúng tôi tìm đến họ vẫn… nghiện ma túy. Điều đó cho thấy, bà tổ chức cai nghiện không chỉ không có phép, vi phạm quy định mà còn làm cho người mắc nghiện và cả người thân của họ khổ đau thêm. Nếu bà cai được nghiện chỉ sau 1 liệu trình với số tiền 6 triệu đồng thì chắc chắn bà sẽ trở thành ân nhân của rất nhiều người. Mỗi năm, Nhà nước phải chi phí hàng nghìn tỷ đồng để duy trì các cơ sở cai nghiện; thiệt hại do ma túy gây ra sẽ không thể tính toán hết, đặc biệt là vấn đề xã hội. 

Các chuyên gia y tế đã khẳng định, ma túy rất dễ nghiện nhưng lại rất khó cai, tốt nhất không dùng thử ma túy dù chỉ một lần. Tại thời điểm này, việc cho người nghiện ma túy uống thay thế bằng thuốc Methadone là giải pháp hữu hiệu nhất, qua đó, giúp người nghiện không còn phụ thuộc vào hêrôin, cải thiện được sức khỏe, duy trì cuộc sống và lao động, qua đó giúp xã hội an toàn hơn, bình yên hơn khi người nghiện không tìm đủ mọi cách để có tiền… mua ma túy.

Lê Xuân Trường

Tags cai nghiện ma túy Trần Thị Bích Nghĩa Lộ cảnh sát hình sự xòe Thái Methadone

Các tin khác
Các bị cáo tại phiên tòa.

Cùng mua bán trái phép chất ma túy, các đối tượng Ngân Văn Vần, xã Mường Lai, huyện Lục Yên; Ngân Văn Bỉ, Ma Thị Phương cùng trú xã Gia Hội, huyện Văn Chấn và Chang Thị Sua, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã cùng đưa nhau vào tù.

Bà Trần Thị Bích đang giới thiệu về liệu trình cai nghiện.

Khi đạt đến tận cùng nỗi đau, trong sâu thẳm lòng mình, người nghiện muốn thoát khỏi sự cám dỗ bởi ma túy - thứ mà đã khiến người ta thân tàn ma dại, từ bỏ mọi thứ trên đời chỉ để thỏa mãn cơn nghiện. Rồi thông tin về một người phụ nữ tên Trần Thị Bích ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ có thể giúp họ thoát khỏi bể khổ chỉ với… “một liệu trình” đã thúc đẩy họ tìm đủ mọi cách để có tiền rồi tìm đến bà Bích với kỳ vọng mình hết nghiện. Bà Bích là ai, có đủ khả năng và thực sự cai nghiện ma túy được không?

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cảnh báo một số website giả mạo thông tin lịch cắt điện gây hoang mang khách hàng.

Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk lấy lời khai một đối tượng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an nhân dân sáng nay, 12/6, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, lực lượng Công an đã bắt giữ 22 đối tượng trong vụ tấn công vào trụ sở UBND xã tại Đắk Lắk.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục