Luật Công chứng có gì mới?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vừa qua, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Công chứng, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Để giúp bạn đọc nắm được những vấn đề cơ bản của Luật Công chứng, phóng viên Báo Yên bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đậu Bá Hồng, Trưởng phòng Công chứng số 1 tỉnh Yên Bái.

Xin đồng chí cho biết, mục tiêu khi ban hành Luật Công chứng?

 

Đồng chí Đậu Bá Hồng (Đ.B.H):Việc ban hành Luật Công chứng nhằm đạt một số mục tiêu cơ bản là: phát triển đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về công chứng, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới hình thức tổ chức công chứng theo hướng từng bươc xã hội hóa nhằm phát huy những tiềm năng to lớn của xã hội vào phát triển hệ thống công chứng ở nước ta: xác định rõ phạm vi trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng, xây dựng quan hệ bình đẳng giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng.

 

Xin đồng chí cho biết những điểm mới cơ bản của Luật công chứng so với các Nghị định trước đây của Chính phủ ?

 

Đồng chí Đ.B.H: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI ngày 29 tháng 11 năm 2006 đã thông qua Luật Công chứng, có hiệu lực thi hành ngày 1 tháng 7 năm 2007. Luật Công chứng với 8 chương 67 điều có rất nhiều điểm mới so với các nghị định trước đây:

 

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của Luật: điểm mới của Luật Công chứng so với các nghị định trước đây của Chính phủ là Luật chỉ quy định các vấn đề về công chứng, không quy định các vấn đề về chứng thực. Bởi lẽ công chứng và chứng thực là hai loại hoạt động khác nhau về tính chất của hành vi cũng như đối tượng. Đối tượng của hoạt động công chứng là các họp đồng, giao dịch về dân sự, kinh tế, thương mại...Tính chất hoạt động công chứng bao gồm một chuỗi các thủ tục rất phức tạp kể từ khi công chứng viên tiếp nhận ý chí của các bên giao kết hợp đồng như: xác định tư cách chủ thể của các bên, kiểm tra năng lực hành vi dân sự của chủ thể, tính tự nguyện của các bên hợp đồng, xác định nguồn gốc hợp pháp của đối tượng hợp đồng, kiểm tra tính hợp pháp nội dung hợp đồng, thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, chữ ký của các bên chủ thể tham gia giao kết hợp đồng… Những nội dung, tình tiết nêu trên là rất quan trọng bảo đảm cho hợp đồng không bi vô hiệu và có ý nghĩa chứng cứ về sau nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên cũng như với bên thứ ba. Trong khi đó hoạt động chứng thực là hành vi mang tính chất hành chính của cơ quan công quyền. Đối tượng của hoạt động chứng thực là các giấy tờ, tài liệu.

 

Thứ hai, về giá trị pháp lý của văn bản công chứng: theo quy định tại điều 6 của Luật công chứng thì: văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác; văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị toà án tuyên bố là vô hiệu.

 

Như vậy, hợp đồng, giao dịch khác đã được công chứng sẽ có hai giá trị pháp lý cơ bản sau đây: giá trị chứng cứ không phải chứng minh trước toà án. Hiểu như thế nào về giá trị chứng cứ không phải chứng minh của văn bản công chứng, quy định này có vi phạm quyền đánh giá chứng cứ của toà án không ? Tại điều 6 Luật cũng đã khẳng định là giá trị chứng cứ của văn bản công chứng sẽ bị bác bỏ khi bị toà án tuyên là vô hiệu.

 

Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là tòa án có thể tuyên vô hiệu một cách tùy tiện. Một người muốn yêu cầu tòa án tuyên bố một văn bản công chứng là vô hiệu thì phải chứng minh được văn bản công chứng đó đã được lập một cách trái pháp luật. Nếu không chứng minh được điều đó thì văn bản công chứng sẽ được công nhận là chứng cứ hiển nhiên trước toà án. Như vậy, vai trò phòng ngừa của công chứng thể hiện ở chỗ: ngay khi lập hợp đồng, các bên đã củng cố chứng cứ về việc ký kết hợp đồng đó, đề phòng các tranh chấp về sau.

 

Về giá trị thi hành của văn bản công chứng: theo quy định tại điều 6, khoản 1 thì "văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên có liên quan"…Nói văn bản công chứng có giá trị thi hành có nghĩa là những gì đã thoả thuận trong văn bản công chứng thì có hiêụ lực bắt buộc thi hành đối với các bên hợp đồng, giao dịch, đồng thời đối với cả bên thứ ba. Trước hết, xét trong mối quan hệ giữa các bên hợp đồng thì hiển nhiên là những gì họ đã cam kết trong hợp đồng, giao dịch thì họ có nghĩa vụ thực hiện, không được bội ước- Đó cũng là nguyên tắc của Luật dân sự. Mặt khác, xét trong mối quan hệ với người thứ ba thì văn bản công chứng cũng có hiệu lực bắt buộc người thứ ba phải tôn trọng và thi hành.

 

Thứ ba, về tổ chức hành nghề công chứng: trước đây, theo quy định chỉ có một hình thức tổ chức công chứng duy nhất là công chứng Nhà nước thì nay theo Luật công chứng sẽ có hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng đó là Phòng công chứng do Nhà nước thành lập và Văn phòng công chứng do các công chứng viên thành lập. Tại chương III của Luật quy định rõ cách thức tổ chức, trình tự, thủ tục thành lập, quyền, nghĩa vụ của Phòng công chứng và Văn phòng công chứng… Những quy định này thể hiện rất rõ nét tinh thần đổi mới hình thức tổ chức công chứng theo hướng xã hội hoá.

 

Tới đây, Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, Phòng Công chứng tỉnh đã làm gì để đưa Luật đi vào cuộc sống ?

 

Đồng chí Đ.B.H: Hiện nay các văn bản hướng dẫn thi hành Luật công chứng các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động trong việc chuẩn bị các nội dung phối hợp với các cơ quan có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền Luật, chúng tôi sẽ tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc các nội dung cơ bản của Luật công chứng cho đội ngũ công chứng viên, viên chức Phòng Công chứng. Sau khi có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn. Đồng thời, thông báo công khai về quy trình, thủ tục, thời gian, thẩm quyền, lịch làm việc, mức thu phí công chứng để nhân dân nắm được thực hiện và giám sát. Để Luật công chứng đi vào cuộc sống, chúng tôi mong muốn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các ngành, các cấp, của các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền phổ biến Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành tới cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan.

 

 Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

P.S (thực hiện)

Các tin khác
Ông Lê Trường Giang - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Công an TP Việt Trì, Phú Thọ đã ra quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Lê Trường Giang - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Bị cáo Nguyễn Thanh Long (hàng sau) và bị cáo Phạm Duy Tuyến (áo dài tay hàng trước) tại phiên tòa phúc thẩm

Tại phiên toà, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận hành vi nhận hối lộ 2,25 triệu USD như bản án sơ thẩm cáo buộc, không bào chữa thêm.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cảnh báo người dân về tình trạng có một số đối tượng giả danh người của đơn vị này yêu cầu đồng bộ dữ liệu căn cước công dân.

Các bị cáo tại toà phúc thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm, Phan Quốc Việt xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng tổng số tiền gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng trong vụ án Việt Á là chưa đúng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục