Yên Bái: Nhiều cơ sở kinh doanh lâm sản, chế biến gỗ bất hợp pháp
- Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2009 | 12:00:00 AM
YBĐT - Thời gian qua, hoạt động chế biến và kinh doanh lâm sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ sở vi phạm các quy định của Nhà nước.
Công ty TNHH Thành Đạt, đầu tư máy móc hiện đại để chế biến gỗ xuất khẩu.
|
Yên Bái hiện có 205 cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, tập trung ở thành phố Yên Bái 63 cơ sở, huyện Trấn Yên 50, Yên Bình 24; Lục Yên 12; và Văn Yên 22 cơ sở…Những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở trên, thường xuyên phổ biến các quy định của Nhà nước và cấp sổ theo dõi xuất nhập lâm sản cho 100% cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn; hướng dẫn chủ cơ sở ghi chép khối lượng gỗ vào sổ theo qui định. Bằng các biện pháp đó, hoạt động chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn đã từng bước đi vào nền nếp.
Thực hiện đúng quy định của Nhà nước và làm ăn có lãi điển hình như cơ sở chế biến gỗ của Công ty TNHH Thành Đạt chuyên chế biến ván dăm và gỗ xẻ thanh xuất khẩu tại Khu công nghiệp Đầm Hồng (TP Yên Bái). Được thành lập từ năm 2006, nhờ nắm bắt và được phổ biến kịp thời các chủ trương, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực chế biến kinh doanh lâm sản nên nhiều năm qua, mặc dù qui mô sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng nhưng qua kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công ty luôn chấp hành tốt các qui định của Nhà nước.
Sự phát triển của các cơ sở chế biến kinh doanh gỗ thời gian qua đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về gỗ và các sản phẩm từ gỗ phục vụ hoạt động xây dựng. Thế nhưng, cũng còn không ít trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ. Từ đầu năm 2009 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và xử lý 180 vụ vi phạm trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh, vận chuyển lâm sản với khối lượng trên 150 m3 . Các lỗi vi phạm chính gồm: chế biến gỗ bất hợp pháp (không rõ nguồn gốc hoặc không chứng minh được nguồn gốc); xuất nhập gỗ không cập nhật vào sổ theo dõi theo qui định. Đáng lo ngại là không ít trường hợp vi phạm nhiều lần với khối lượng lớn.
Chỉ tính riêng tháng 6 năm 2009, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình đã lập biên bản phạt hành chính 6 triệu 600 nghìn đồng đối với Công ty cổ phần Yên Thành với số lượng gỗ bất hợp pháp không có nguồn gốc rõ ràng, không có dấu búa kiểm lâm lên tới 8 m3. Ngày 16 - 6 - 2009, Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra Công ty TNHH Sơn Tú và phát hiện 14m3 gỗ không rõ nguồn gốc, phạt hành chính trên 12 triệu đồng. Ngày 26 - 6 - 2009, phát hiện Công ty cổ phần Chế biến lâm nông sản và thương mại Minh Vượng trên 10m3 gỗ không rõ nguồn gốc, phạt hành chính 8 triệu đồng.
Nguyên nhân của những vi phạm là do nhận thức của một số chủ cơ sở hạn chế; nhiều trường hợp không rõ thủ tục trong lĩnh vực này, ý thức chấp hành các qui định của Nhà nước trong chế biến kinh doanh lâm sản của một số chủ cơ sở còn kém. Tìm hiểu thực tế cho thấy, thủ đoạn chủ yếu của nhiều chủ cơ sở là mua gỗ không rõ nguồn gốc rồi tổ chức chế biến nhanh, gây khó khăn cho lực lượng kiểm lâm khi kiểm tra; trà trộn gỗ hợp pháp vào gỗ bất hợp pháp; vào sổ không hết khối lượng gỗ nhập và xuất. Bên cạnh đó, ngành chức năng lại ít kiểm tra hoạt động của các cơ sở do thiếu nhân lực. Tại một số địa phương, việc kiểm tra định kỳ chỉ được thực hiện 2- 3 lần/năm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ lớn và 1 lần/năm đối với các cơ sở nhỏ.
Kiểm soát lâm sản trên khâu lưu thông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ rừng bởi khi được quản lý chặt sẽ hạn chế tình trạng khai thác và buôn bán gỗ trái phép. Do vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành chức năng là tăng cường tuyên truyền phổ biến các qui định của Nhà nước trong lĩnh vực này tới các chủ cơ sở chế biến kinh doanh gỗ; làm tốt chức năng tư vấn về thủ tục cho các đối tượng có nhu cầu.
Xây dựng kế hoạch chi tiết kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ sở trên được xem là biện pháp hữu hiệu hạn chế vi phạm. Để làm được điều này, cần bố trí lực lượng hợp lý, phân định rõ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm địa bàn. Bên cạnh đó, cần uốn nắn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tác dụng răn đe các đối tượng khác.
Quang Thiều
Các tin khác
Cục CSÐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) vừa kết thúc điều tra vụ án Nguyễn Phương Nga cùng đồng bọn mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; giết người; mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và không tố giác tội phạm. Tổng số 16 bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì buôn bán trót lọt hơn 100 bánh hê-rô-in với những thủ đoạn rất tinh vi, manh động.
Phòng cảnh sát điều tra hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An vừa khám phá một chuyên án, bắt 11 thủ phạm gây ra nhiều vụ dùng vật liệu nổ huỷ hoại tài sản, đe doạ tính mạng, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng trong thời gian qua, trên địa bàn thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình ngày 6-12 cho biết vừa phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Khăm Muộn (Lào) phá một đường dây buôn bán 14.000 viên ma túy tổng hợp từ Lào sang Việt Nam.
YBĐT - 1 giờ 30 phút ngày 2/3/2009, tại thôn Hồng Quang, xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái), lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Yên Bái đã bất ngờ chặn bắt xe ô tô Huyndai BKS 88H – 4748 đang lưu thông trên quốc lộ 70, do Bùi Văn Thân, sinh năm 1974 thường trú tại Bình Dương-Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc, trên thùng xe chở 29 giỏ nhựa và 2 thùng tôn chứa đầy rắn hổ mang – loại động vật rừng nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm 2.