SEA Games 31 diễn ra từ ngày 21-11 đến 2-12-2021 tại Hà Nội và 10 tỉnh thành gồm: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.
Chạy đua với thời gian
SEA Games 31 sẽ là một trong những đại hội tiết kiệm nhất, không có bất cứ công trình thể thao nào được xây mới. Toàn bộ các nhà thi đấu, SVĐ nơi diễn ra các môn thi của đại hội được tận dụng cơ sở vật chất đã được xây dựng từ SEA Games 2003 và trước đó tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
Tuy nhiên sau nhiều năm sử dụng, các công trình này đã xuống cấp, hư hỏng và phải được tu sửa để phục vụ SEA Games 31. Theo thông tin từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), Chính phủ chỉ cấp kinh phí để sửa chữa và làm mới 4 công trình là: sân vận động (SVĐ) Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, trường bắn, đường đua xe đạp với kinh phí khoảng 602 tỉ đồng.
Tại SEA Games 31, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với hai công trình trọng điểm là SVĐ và Cung thể thao dưới nước sẽ vẫn là "trái tim" của đại hội, với lễ khai mạc - bế mạc, địa điểm thi đấu môn bóng đá nam, điền kinh, các môn thể thao dưới nước (bơi, lặn, nhảy cầu).
Thời gian qua, Tổng cục TDTT và các liên đoàn thể thao quốc gia đã khảo sát, đánh giá thực trạng hai công trình tại Mỹ Đình và cho biết có quá nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều phòng chức năng không thể sử dụng do xuống cấp, nhiều khu vực trên khán đài SVĐ Mỹ Đình bị nứt nẻ.
Ngoài ra, toàn bộ trang thiết bị thi đấu cho điền kinh, bơi lội được mua từ SEA Games 2003 gần như hỏng hết và phải mua mới toàn bộ. Vì thế, riêng kinh phí để sửa chữa SVĐ Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước và tiền mua sắm trang thiết bị cho bơi lội, điền kinh đã tiêu tốn khoảng 300 tỉ đồng.
Không có kinh phí để xây trường bắn mới
Nhiều năm qua, các VĐV bắn súng Việt Nam phải tập ở trường bắn xuống cấp, lạc hậu tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn). Đến nay, các VĐV vẫn phải tập luyện trên hệ thống bia giấy và đạn chưa bao giờ có đủ để tập luyện. Trong khi đó, từ lâu các giải bắn súng quốc tế đều sử dụng hệ thống bia điện tử.
Vì vậy để chuẩn bị cho SEA Games 31, trường bắn từng được lên kế hoạch xây mới với trang thiết bị hiện đại. Thế nhưng do không có đủ kinh phí, sẽ không có trường bắn nào được xây mới cho SEA Games 31. Với nguồn kinh phí được cấp hơn 150 tỉ đồng, Tổng cục TDTT cho biết chỉ đủ để sửa chữa và thay hệ thống bia giấy bằng hệ thống bia điện tử tại trường bắn Nhổn.
Ngoài ba công trình trên, ngân sách trung ương chỉ cấp thêm kinh phí để tu sửa, cải tạo đường đua xe đạp địa hình và đường trường tại tỉnh Hòa Bình. Hiện nay UBND tỉnh Hòa Bình đang xin được hỗ trợ khoảng 11 tỉ đồng cùng với nguồn ngân sách địa phương để triển khai dự án chuẩn bị đường đua xe đạp cho SEA Games 31.
Tất cả các công trình thể thao còn lại ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... địa phương sẽ phải chi tiền để sửa chữa phục vụ cho việc thi đấu ở SEA Games 31.
Đau đầu với địa điểm thi đấu quần vợt
Theo Tổng cục TDTT, đau đầu nhất là địa điểm thi đấu môn quần vợt do trên cả nước hiện nay không có một cụm sân quần vợt nào có đủ từ sáu sân trở lên với thiết kế hiện đại để phục vụ một giải đấu lớn như SEA Games.
Trước đó, từ năm 2015 HĐND TP Hà Nội từng thông qua chủ trương cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn T&T triển khai dự án Trung tâm quần vợt Hà Nội nằm ở quận Nam Từ Liêm. Dự án này từng được cho rằng sẽ giúp Hà Nội và cả nước có một hệ thống sân quần vợt hiện đại, đủ tiêu chuẩn đăng cai các giải quần vợt danh tiếng thế giới cũng như SEA Games, Asiad. Thế nhưng sau 5 năm, dự án vẫn nằm trên... giấy.
Vì vậy, để chuẩn bị cho việc thi đấu môn quần vợt tại SEA Games 2021, Tổng cục TDTT cho biết UBND TP Hà Nội sẽ xây dựng cụm sân quần vợt với quy mô nhỏ tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội.
(Theo TTO)