Tình ca Cay Hin

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/2/2014 | 10:07:11 AM

YBĐT - Thượng nguồn huổi Kẹn có một bản Thái. Nơi ấy vừa diễn ra hội Lồng Tồng vui lắm, vui nhiều. Chả thế, trai mường, gái bản khắp nơi kéo nhau về chơi tung còn đông nghìn nghịt.

Cứ nhìn đủ biết, lũ con trai anh nào anh ấy ra sức trổ tài “Hặp au ăn ngắm”, nghĩa là bắt được còn của bọn con gái, loại còn xai có tua dài như đuôi rồng, đuôi phượng ném tới. Ngược lại, đám con gái dường như nín thở, má cô nào cô ấy đỏ như ruột gấc chín, khuôn ngực căng tròn, phập phà phập phồng, nghiêng nghiêng ngả ngả tưởng như tóm gọn những còn xổm của lũ trai làng đến nơi rồi.

-Ha, ha, ha! Được rồi nhé!
Lũ con trai ré lên. Đúng là ông Trời ở mường trên khéo phù. Mười cặp chơi thì cả mười, cứ còn đến tay ai là lập tức nằm lỳ tại đó, y như chuồn chuồn dính nhựa mít. Thảo nào họ vui sướng, hả hê cười cười, nói nói như tép nhảy, ngô rang.

Có điều lạ, sau ngày hội, mọi người ngạc nhiên không thấy nàng Ủa đâu. Nàng Ủa, tên cô gái trẻ, đẹp nhất vùng, nhà ngay giữa bản bận việc gì thế? Để ý, mới thấy Ủa suốt ngày ngồi bên khung dệt. Ủa chăm thêu khăn piêu, may áo cỏm mới. Ủa tập thắt lưng sao cho “Eo kíu meng po” thon gọn như eo con tò vò. Lại nữa, Ủa  “Kim hẳu chang, mang hẳu ngắm” đi đứng sao cho nhẹ nhàng, thanh thoát. Ủa  thường xuyên gội đầu bằng lá thơm bởi bộ tóc của Ủa dài lắm. Đặc biệt tóc Ủa  lúc nào cũng óng mượt như tơ, như lụa, tỏa ngát hương ban, hương khẳm - những loài hoa quý của rừng.

Nói về Nàng Ủa mà bỏ sót chàng Khun - bạn tình của Ủa là thiếu vắng lớn, là không trọn vẹn.

Ây dô! Khun ấy à? Khun là tên một loại chim có bộ ngực màu nâu sẫm. Nó hót hay, hót lạ mỗi độ xuân về, ban nở. Dáng của Khun chẳng khác gì trâu tơ kéo mật, ngựa xám sải vó, tung bờm. Chưa hết, chàng còn có tài thổi khèn, ngậm pí pặp, pí thiu giỏi nhất mường dưới, bản trên. Không thấy mặt thì thôi, chứ mỗi lần chàng và nàng Ủa  gặp nhau, chỉ ít giây dành cho mắt trong mắt, chỉ vài phút dành cho tay trong tay, rồi lập tức kẻ khèn, người “Khắp sài peng” hát những lời tình tự. Những lúc như thế, mọi người không ai bảo ai, họ kéo đến chật cả mấy ngọn đồi mà chiêm ngưỡng trai tài, gái sắc, nghe những âm thanh kỳ diệu, thưởng thức những khúc tình ca tuyệt tác của đôi bạn tình.

“À, ơi, ơi! Hay chăng nàng, hỡi người mến yêu ơi/ Anh muốn cùng em về một mái nhà/ Ta sống bên nhau như đũa có đôi/ như tằm vào kén quấn tơ/ Chần chừ gì nữa, suốt năm tháng đợi chờ, a, ơi, ơi…”.
Tạo Khằm, một lãnh chúa uy quyền vượt chín ngọn núi, qua mười cánh rừng. Ngoài mặt lão vẻ nhân từ nhưng giỏi giấu vuốt nanh. Có bài hát: “Phìa Tạo au mết hay ná” (Phìa tao lấy hết ruộng nương).

Hát rằng: “Cuộc đời sao cay đắng khốn khổ/ Phìa tạo lấy hết ruộng nương rồi/ Các xúm ơi, ruộng nương chúng cấm không cho làm/ Ngô lúa trong nhà đem nộp, lợn gà chúng vơ vét, lại cướp tiền trong túi của ta, các xúm ơi hỡi, ầy dơ…”.
Gần bảy mươi tuổi nhưng Tạo còn khỏe lắm. Cứ nhìn cặp mắt dê của lão lúc nào cũng lia ngang, đảo dọc quyết liệt, đủ hiểu lão muốn gì, lão cần gì.
- Khí, khí, khí! Lão cười sắc lạnh như hũ sành vỡ, mỗi khi khoái chí, bằng lòng.
- Kin đảy, kin đảy!

Lão gật gù khen ngon, nhai ngấu nghiến đồ ăn, thức uống giật được từ tay những sinh linh khốn khó trong bản. Biết Khun và Ủa thương nhau, hai người hòa hợp, quyến luyến như “Tăng dứa kiểu tăng xa” - nhựa sung dính nhựa dướng. “Chỉ còn một cách…” Lão lại khí, khí, khí sặc sụa. Bọn gia nhân theo lời lão bảo, kẻ gậy gộc, đứa dao búa kéo đến nhà chàng Khun như bầy ong bò vẽ - lũ người nhà lão tạo vừa chửi bới vừa đấm đá, đánh đập vừa đuổi Khun ra khỏi bản, cấm không được ở đây nữa.

Đi thì sống, ở là chết. Trước đòn uy hiếp của người nhà lão tạo, chẳng còn cách nào khác, chàng Khun phải chạy vào rừng. Chàng đi mãi, đi mãi tới thượng nguồn nơi có đèo Lau trên núi Trạm mới dừng lại.

Giữa lúc ấy, tạo Khằm cùng với mấy tên tay sai đến nhà nàng Ủa . Lão hứa sính lễ trâu một đàn, bạc một nén nếu thuận cho Ủa theo lão về làm thiếp. Cha mẹ Ủa hỏi, Ủa thưa:

- Ông ấy già rồi, tuổi kém gì cha con. Con không muốn nhận thêm cha nữa. Nếu ép con lấy thì thà con lên đầu nguồn đâm đầu xuống vực mà chết cho xong…
Biết hổ ác vằn ngoài da, lão tạo Khằm da vằn trong bụng, nên ải êm nàng Ủa khẽ khàng:

- Bẩm tạo! Nàng Ủa của chúng tôi có lớn nhưng chưa có khôn. Nó ăn được nhưng lo chưa tới. “Kin đảy, ngắm báu họt” đúng không ạ? Hơn nữa, tuổi nó đâu làm nổi bà quan? Xin tạo tha cho!
Nghe, lão Tạo cười. Lão không cười khí, khí, khí như mọi lần mà lục cục, lạc cạc như vịt đực sảy đàn.
- Ủa, mày làm kiềng bếp nhà ta chứ?
- Không. Tôi chỉ là cây hoa dại, đã có người nhận gốc!

Một lúc cả cha mẹ và nàng từ chối thẳng thừng. Tạo Khằm sùi bọt mép. Cặp mắt dê đảo ngược, trắng dã. Ủa có mái tóc dài, Ủa có nước da trắng. Ủa  có cái lưng eo, lại có đôi môi thắm hồng, tuổi thơm hương cốm. Ngon lành như thế sao bỏ qua được. Nghĩ, lão rít lên:

- Chúng mày nghe đây. Việc chúng mày muốn không bằng tao muốn. Còn vía thằng Khun nó lang thang mãi tận đèo Lau, núi Trạm. Có trời mà tìm thấy. Hổ ăn thịt nó rồi…
Lão càng nói, người lão càng giật lên đùng đùng. Miệng lão ngoác ra hệt như mồm con chão chuộc, lão thét lũ tay sai bắt, rồi lôi nàng Ủa  về làm thiếp.

*       * 
*  

Người bản biết chuyện thương nàng Ủa . Người này nói: “Có mới nới cũ. Để xem lão tạo kia chả đem mụ cả, mụ hai ra chợ bán như bán mớ rau, ống tép ấy à?”. Người khác lại bảo: “Ủa như hoa ban, hoa khẳm. Sao để hoa héo, hoa tàn?”. Thế là đêm tối, lão tạo lại say khướt, người trong bản mới dẫn Ủa đi trốn. Nhớ mồm lão tạo, nàng Ủa nhằm hướng đèo Lau núi Trạm mà đi.

“Pay mí cu, dú mí đôi”, đi có bạn ở có đôi. Nàng và chàng Khun đã từng thề thốt với nhau nhiều lần đó thôi. Vậy là trên đường tìm chàng, xa một dốc, Ủa kéo lại còn vài bước. Xa vài bước Ủa kéo lại thành một gang. Xa một gang Ủa kéo xoắn vào nhau như sợi đan, sợi dệt.

Đâu đó vẳng tiếng khèn, tiếng pí. Con tim Ủa  mách bảo đây là tiếng gọi nhớ thương của chàng. Run rẩy, cảm động, nàng mải miết đi về hướng có tiếng sáo, tiếng khèn. Kỳ lạ thay, nơi mỏm đá chênh vênh, dưới là vực thẳm, trên là núi cao những chín tầng mây, lại là điểm gặp nhau của đôi bạn tình, chàng Khun - nàng Ủa. Từ trong mịt mùng, khốn khổ, họ gặp được nhau. Không còn khắc khoải, xót xa, cách biệt. Sau những ngỡ ngàng, sung sướng, cả hai mới thấy mệt nhoài, đói lả. Chẳng có dao để đào củ, không có lửa để nướng ngọn măng. Khun và Ủa chỉ còn biết tựa lưng nhau mà khóc.

Cô gái khóc nhiều, khóc đến nỗi nước mắt chảy xuống vực làm ướt bảy cánh rừng, chín dãy núi. Nước mắt biến thành dòng nước to đổ xuống chân đèo chảy thành suối lớn. Thương cảm và cũng là bất lực trước bạo tàn của tên chúa đất, sau những lời nguyền sống không lấy được nhau, chết sẽ mãi mãi bên nhau, chàng Khun liền nhảy xuống dòng nước mắt của nàng (lúc này đã xanh biếc một màu). Thân thể chàng vừa chạm mặt nước đã vỡ tan thành trăm ngàn mảnh đá. Mảnh đá lớn thì nằm lại, mảnh đá nhỏ thì trôi theo dòng.

Cô gái chưa kịp can ngăn, thấy vậy quặn đau lòng dạ cũng buông mình xuống theo. Mái tóc nàng Ủa bung ra. Mỗi sợi bám vào một hòn đá. Tóc biến thành thứ rêu óng ả, lấp lóa dưới ánh mặt trời, lung linh, xao động tựa hàng vạn bàn tay vẫy gọi. Cứ thế. Đâu có đá là rêu bám vào phát triển ở đó. “RÊU VÀ ĐÁ” quấn quýt bên nhau suốt con suối dài. Người sau gọi đó là “CAY HIN” tức là rêu đá. Rêu càng có nhiều về mùa xuân. Cũng từ ngày đấy, con suối cuốn theo những hòn đá từ chân đèo Lau, núi Trạm trôi tới tận lòng chảo Mường Lò, Mường Gia, trôi mãi đến tận cùng hang Coóng Kéng mới chịu đổ ra sông Hồng. Suối hình thành và có được từ “nước mắt” của nàng Ủa nên được bản đặt tên là “Huổi Xia”, nghĩa là “suối nước mắt”. Lâu dần gọi chệch là suối Thia, ngòi Thia.

Hai bờ suối Thia bây giờ đông vui, trù phú lắm. “Nước mắt” nàng Ủa đã chảy vào nhà máy làm nên những dòng điện tỏa sáng nơi đây. Các dân tộc chín bản, mười mường được sống hạnh phúc lại càng thương cảm cho đôi trai tài, gái sắc chàng Khun - nàng Ủa trong câu chuyện “TÌNH CA CAY HIN” từ cái thuở xửa xưa nào…


Mường Lò - Xuân Giáp Ngọ 2014
    B.H.M

Các tin khác

YBĐT - Hàng năm, ngoài việc vui xuân đón tết như các dân tộc anh em khác, người Dao ở Văn Chấn (Yên Bái) nói chung và người Dao thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh nói riêng thường tổ chức Tết nhảy vào dịp cuối năm khi mọi công việc đồng áng đã hoàn tất. Tết nhảy vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa chứa đựng nét nghệ thuật nhằm mục đích bảo tồn nét văn hóa độc đáo còn lưu truyền từ ngàn đời nay.

Trò chơi “Tó mắc lẹ” trong lễ hội Lồng tồng Tú Lệ (Văn Chấn).
(Ảnh: Hoàng Đô)

YBĐT - Tết đến, du khách có dịp lên Tây Bắc, luôn có được những ấn tượng ngọt ngào thi vị. Thiên nhiên tươi đẹp, tình người nồng hậu, chiều sâu và bề dầy của một nền văn hóa không pha trộn. Trong bữa cơm đón khách, bao giờ cũng được chủ nhà mời chén rượu thơm, tinh hoa của bàn tay lao động, tình người và lắng đọng của cả đất trời Tây Bắc.

Các hãng phim muốn chiếu phim Việt Nam trong dịp Tết với mục đích ủng hộ và quảng bá phim trong nước.

YBĐT – Ai chưa từng đến Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mường Lò – xứ sở của hoa ban với những điệu khắp trữ tình và vòng xòe nồng say hẳn chưa thể biết tới một nền văn hóa văn hóa phong phú đa dạng và lâu đời của người Thái Mường Lò, trong đó hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo và tiêu biểu nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục