“Kên nen” – tết của người Cao Lan
- Cập nhật: Thứ tư, 5/2/2014 | 9:07:05 AM
YBĐT - Cùng với người Kinh, đồng bào Cao Lan ăn tết cổ truyền "Kên nen" trùng với dịp tết Nguyên đán. Ngoài những lễ thức và phong tục, tập quán chung của văn hóa Việt Nam, tết "Kên nen" của đồng bào Cao Lan còn có nhiều nét riêng biệt, tạo thành một không gian văn hóa đặc sắc không bị pha lẫn với bất cứ dân tộc nào.
|
Người Cao Lan (còn được gọi với những tên khác như Sán Chí, Sán Chỉ, Sán Chấy…) ở Yên Bái có khoảng 7.000 nhân khẩu, cư trú chủ yếu tại các xã xung quanh vùng hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình như Tân Hương, Đại Đồng, Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai, Bạch Hà và thị trấn Yên Bình.
Đối với người Cao Lan, "Kên nen" là tết lớn và quan trọng nhất trong năm của đồng bào.Trước đây, việc canh tác nông nghiệp và trồng lúa chủ yếu làm một vụ nên trong suốt tháng Chạp, hầu hết các gia đình đã tiến hành các công việc chuẩn bị đón tết cổ truyền "Kên nen", các công việc dở dang thì gấp rút hoàn thành và không tiến hành việc mới trong tháng để tập trung chuẩn bị ăn tết.
Trong dịp tết cổ truyền của người Cao Lan, ngày ba mươi tết và ngày mồng Một đầu năm quan trọng hơn cả. Ngày ba mươi tết, mọi công việc chuẩn bị như trang hoàng, quét dọn nhà cửa, sắm sửa các mâm cúng, bàn thờ tổ tiên và chuẩn bị lương thực, thực phẩm phải được hoàn tất. Nhà nhà gói bánh chưng, mổ lợn và dùng giấy đỏ cắt thành các hình trang trí dán vào tất cả các vật dụng, cây cối, khắp nơi trong nhà. Theo quan niệm của đồng bào, giấy đỏ báo hiệu mùa xuân về, tượng trưng cho sự tốt lành và có tác dụng xua đuổi tà ma.
Lễ vật quan trọng nhất trong lễ tết của người Cao Lan là bánh "ẹt kéo" (một loại bánh chưng nhỏ gói bằng lá dong có hình mu rùa, thuôn hai đầu) và bánh "ẹt chéo mon" (là bánh chưng dày giống bánh tét của người Nam Bộ). Trong lễ cúng tổ tiên bao giờ cũng phải có một đôi "ẹt kéo" làm thật to và úp vào nhau (biểu tượng âm dương) gọi là bánh cái, bánh mẹ và đôi bánh con (bánh “ẹt chéo mon”) để cúng tổ tiên trong suốt dịp tết từ ngày 30 tết cho tới rằm tháng Giêng. Ngày rằm tháng Giêng được tính vào dịp tết (vì vẫn còn bánh chưng) và ngày này, đồng bào tổ chức gói bánh chưng ăn tết lại. Lúc này, đôi bánh mẹ và bánh con được đem luộc lại cùng nồi bánh chưng mới và cặp bánh cái được phép ăn thì lúc đó coi như đã hết tết "Kên nen".
Trong ngày tết, các gia đình đều bài trí trang hoàng bàn thờ tổ tiên và các bàn thờ thần linh. Trên mâm cúng tổ tiên có ngũ quả, bánh "ẹt kéo", bánh "ẹt chéo mon" và các đồ ăn, thức uống thường có trong ngày tết.
Chiều ba mươi tết, các gia đình mổ lợn, mổ gà cúng tổ tiên, nhà nào cúng nhà đó. Mâm cúng gồm một con gà trống và các thức ăn, bánh trái ngày tết. Đại diện gia đình cúng mời tổ tiên về dự tết cùng con cháu và anh em trong dòng họ.
Ngày mồng Một tết, người Cao Lan kiêng đi sang nhà khác và họ cũng kiêng người khác vào nhà mình, ai ở nhà đó, uống rượu thắp hương cho tổ tiên. Giống như người Kinh, đồng bào cũng kiêng việc quét nhà trong ba ngày tết, nếu quét xem như quét hết lộc của gia đình.
Sang ngày mồng Hai tết, các gia đình đều sửa soạn mâm cúng, gồm một con gà, thịt lợn, bánh chưng, xôi, rượu và hoa quả, bánh trái mang ra đình làng làm lễ "cầu đềnh" (lễ cầu làng). Đây là lễ quan trọng của cả làng cầu xin Thành hoàng làng và các thần linh bảo vệ cho dân làng một năm mới được mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, mưa gió thuận hoà, bảo vệ các thành viên trong làng được an toàn trong dịp tết. Tất cả các gia đình đều có mâm cúng mang ra đình, đặt lên các vị trí trang trọng trên bàn thờ của đình. Một thầy mo chính mặc trang phục truyền thống cúng tại gian thờ chính của Thành hoàng làng và Ngọc Hoàng đại đế, các đạo tràng phụ trách cúng tại các bàn thờ phụ. Kết thúc lễ cúng, cả làng tập trung tại sân đình, đưa lễ vật, mâm cúng xuống cùng nhau ăn uống vui vẻ, cầu chúc một năm mới tốt lành.
Sau lễ cầu làng, mọi hoạt động vui chơi chính thức của dịp tết mới diễn ra. Mọi người nô nức tham gia đánh đu, đánh yến, ném còn, kéo co… , cùng vui chơi và mừng cho mùa xuân mới, ấm áp, hạnh phúc đến với dân làng. Từ ngày mồng ba tết trở đi, mọi người mới bắt đầu đến nhà nhau chúc mừng năm mới, cùng nhau uống rượu, hát giao duyên, làng này sang làng khác vui chơi, hát đối, say câu Xình ca trong ngày xuân hạnh phúc.
Xình ca là hình thức nghệ thuật dân gian độc đáo và đặc sắc nhất trong dịp tết cổ truyền "Kên nen".
Từng tốp, từng tốp thanh niên nam nữ của làng này sang làng khác hát Xình ca thâu đêm suốt sáng với lời ca mượt mà, yêu mến, thấm đậm tình cảm nhân văn sâu sắc: "Cụ nìn cụ lín, săn nìn lài/ Táo sự chau mùn pệc chí sài/Táo sự chau mùn pệc chí dip/Phông sui chí dip lểnh ai ai - Năm cũ đã qua, năm mới đến/ Nhà nhà dán giấy màu xung quanh/Phong tục Cao Lan đâu cũng vậy/Gió đưa lúc lắc sáng long lanh". Hay "Chinh nhit su dắt hơi săn nìn/ Cọ cọ sêu nìn hợi dàu dịnh/ Hơi tọa dàu dinh xày chốc hới/ Chốc hới lăn si tăn không lìn - Năm cũ qua đi năm mới đến/ Các chàng trai cô gái chúc tụng nhau/ Chúc cho con cháu đều vui vẻ/ Xuân này qua đi xuân kia về"
Tết cổ truyền "Kên nen" của đồng bào dân tộc Cao Lan ở Yên Bái còn lưu giữ được nhiều nét truyền thống độc đáo, làn điệu Xình ca đang được khôi phục, bảo tồn để trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc riêng có của người Cao Lan, mời gọi mọi người cùng đến thưởng thức và cảm nhận.
Kim Tiến - Mạnh Hùng
Các tin khác
YBĐT - Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lục Yên chủ yếu là người Tày, Nùng, Dao. Từ xưa bà con vẫn thường cư trú thành những làng bản khá thuần nhất một dân tộc. Bởi vậy, kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ và các loại hình văn hóa dân gian của mỗi tộc người thường giữ được những nét đặc thù riêng. Hơn nữa, văn hóa Tày, Nùng, Dao ở đây mang sắc thái của khu vực Đông Bắc - một trung tâm cư trú lớn nhất của đồng bào Tày, Nùng, Dao ở Việt Nam nên vùng Lục Yên từ lâu cũng được coi là một vùng văn hóa cổ khá đặc sắc.
YBĐT - Yên Bái hiện có các nhóm Mông hoa, Mông trắng, Mông đỏ, Mông đen chung sống. Tuy tiếng nói khác nhau đôi chút nhưng thủ tục cưới hỏi căn bản giống nhau. Đối với đồng bào Mông, chuyện cưới xin thường diễn ra vào mùa xuân bởi họ quan niệm, mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, nảy nở và con người cũng không nằm ngoài quy luật đó của tự nhiên. Hơn nữa, mùa xuân là mùa thảnh thơi, ít công việc đồng áng nên anh em, họ hàng, bạn bè có thời gian đến chung vui.
YBĐT - Nhà anh Vì Văn Tiềng lên nhà mới, bản Loọng, xã Nghĩa Sơn lại có thêm ngôi nhà sàn 4 gian khang trang khiến mọi người đều vui mừng. Vì thế, bữa cơm mừng của gia đình anh Tiềng, nhà nào trong bản cũng có người đến chúc mừng. Sau lễ thắp hương, lên mâm cúng tổ tiên, anh mời bà con cùng nâng chén rượu, mừng anh đã có mái ấm vững chãi đi về. Rượu từ chai nghiêng đầy các chén. Bữa liên hoan có thịt lợn đen nuôi, có gà thả vườn, cá từ dòng suối khe. Cả bản đến đông vui, tiếng cười xen lẫn lời mời làm ngôi nhà rộn rã trong hơi men nồng ấm.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh thời gian tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 11/2/2014 thay cho ngày 22/2/2014.