Ghi từ Trại sáng tác Nha Trang

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2014 | 2:29:20 PM

YBĐT - Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác, từ ngày 15.4. 2014 đến ngày 29.4.2014, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái đã tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Nhà sáng tác thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Các văn nghệ sĩ Yên Bái tham gia Trại sáng tác Nha Trang tháng 4-2014.
Các văn nghệ sĩ Yên Bái tham gia Trại sáng tác Nha Trang tháng 4-2014.

Tham gia trại viết lần này có 15 thành viên thuộc nhiều chuyên ngành như: nhiếp ảnh, sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian, biên đạo múa, họa sĩ, nhạc sĩ, văn xuôi, thơ…

Tại trại sáng tác lần này, các tác giả đều hoàn thành được những tác phẩm đã đăng ký, không những thế trong những lần đi thực tế các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang và Tây Nguyên, nhiều tác giả đã có cảm hứng sáng tác được những tác phẩm mới có chất lượng cao.

Nhà thơ Ngọc Chấn hoàn thành tập thơ "Người đánh rơi câu hát". Tập thơ gồm nhiều mảng đề tài, nhiều tứ lạ và sự trăn trở, day dứt. Từ lâu người đọc đều biết nhà thơ Ngọc Chấn luôn tìm tòi, sáng tạo trong lập tứ lập ngôn cùng những hình ảnh nhịp nhạc trong thơ, bởi vậy thơ anh luôn đem đến cho người đọc sự bất ngờ và tình cảm trong sáng.

Đây là một khổ thơ như thế trong bài: "Người đánh rơi câu hát": "Người đánh rơi câu hát cuối chiều/ Câu hát lang thang theo đàn ngựa hoang/ Quá vãng sông sóng đi tìm bến cũ/ Bến đục, bến trong chòng chành mắt ướt/ Mưa cỏ lay phay/ Nhẹ êm trôi một ngày vương miện/ Thoang thoảng non tơ/ Se sắt bàn tay mềm trăng khuyết".

Họa sĩ Nguyễn Đình Thi hoàn thành tác phẩm "Chuyện kể bên chiến hào" với chất liệu sơn dầu truyền thống và một số ký họa về Nha Trang. Tác phẩm: "Chuyện kể bên chiến hào" hiện lên hình ảnh người cựu chiến binh  đã từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên gặp lại nhau trên chính chiến trường xưa. Niềm vui, nỗi xúc động và sự vui mừng trước những đổi thay được diễn tả chân thực, tinh tế. Trong những ngày ở trại sáng tác, họa sĩ còn hoàn thành một số tác phẩm chuẩn bị tham gia triển lãm tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam và 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tác giả Hoàng Tương Lai hoàn thành tập khảo cứu "Chuyện cổ tích tiếu lâm bây giờ mới kể", hơn 100 trang với 37 truyện của nhiều dân tộc.

Những câu chuyện dí dỏm đầy chất nhân văn trong cách sống và ứng xử giữa người với người, để lại trong lòng người đọc không chỉ là những tiếng cười ý nhị, sảng khoái mà còn đọng lại là những bài học giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc.

Tác giả Hoàng Nhâm nghiên cứu và chỉnh lý tập "Khảo cứu phong tục tập quán một số dân tộc ở Yên Bái". Đây là cuốn sách quí, bổ ích không chỉ cho những người làm công tác nghiên cứu mà còn góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc như: bảo tồn thư tịch cổ, trang phục nghi lễ của người Dao, bảo tồn dân ca Tày…, tiêu biểu như bài "Tục ngày xuân thi đoán lá cây của người Mường".

Tác giả Trần Vân Hạc hoàn thành tập khảo cứu văn hóa Thái "Đất trời chung đúc ngàn năm" gồm 54 bài khai thác những nét đẹp của phong tục tập quán của người Thái còn ẩn trong dân gian như trầm tích như: "Sáu điệu xòe cổ của người Thái Mường Lò", "Khắp với người Thái Tây Bắc", "Lịch của người Thái đen Tây Bắc", "Rừng thiêng của người Thái Tây Bắc"…

Tác giả Xuân Tình hoàn chỉnh tập "Tục cưới hỏi của người Dao Văn Chấn". Đây là tập sưu tầm khảo cứu công phu, sâu sắc có hệ thống về nhiều mỹ tục của người Dao Văn  Chấn, gắn liền với nghi lễ cổ xưa như: "Lễ cưới hỏi", "Lễ cấp sắc", "Tục chia ma"…

Cây bút văn xuôi Hoàng Xuân Lý hoàn chỉnh tập truyện ký "Hoa cỏ may" gồm 8 tác phẩm. Đây là tập truyện ký anh dồn cả cái tâm và tài năng để chuẩn bị in ấn. Không những thế, trước phong cảnh hữu tình của Nha Trang đã giúp anh thăng hoa trong bút ký: "Nha Trang trong tôi". Đây là tác phẩm chan chứa tình không chỉ phản ánh trung thực đất và người Nha Trang mà còn thể hiện tình yêu của tác giả với tình đất, tình người nơi đây.

Biên đạo múa - Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Anh Đậu hoàn thành tập kịch bản và đề cương múa: "Sắc xuân" đậm đà chất liệu Mông Tây Bắc. Từ những đạo cụ như: ô, khèn… tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, hòa quyện nhuần nhuyễn trong nền âm nhạc dân tộc, mô phỏng những nét sinh hoạt của cộng đồng người Mông, nâng lên tầm cao của nghệ thuật, nghệ sĩ Hoàng Anh Đậu còn hoàn thành kịch bản và đề cương: "Xiêng tính noọng" (tiếng đàn em) đậm đà chất liệu dân ca Thái, giàu ngôn ngữ hình tượng, phản ánh đời sống lao động và tâm linh của cộng đồng hòa trong vòng quay mang tính qui luật của con người, đất trời và vũ trụ. Chất liệu dân gian luôn là thế mạnh của chị trong xây dựng kịch bản và dàn dựng, điều đó giúp chị từng được trao nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan văn nghệ của tỉnh, khu vực  và trung ương.

Nhạc sĩ Kim Phụng hoàn thành tập ca khúc "Phút giao thừa trên đảo" với 8 ca khúc nghệ thuật, trong đó ca khúc "Trước biển"  và ca khúc "Phút giao thừa trên đảo" từng được giải B liên hoan âm nhạc phía Bắc năm 2014. Là người con của núi nhưng tâm hồn của nhạc sĩ vẫn đau đáu với biển đảo của Tổ quốc, vì vậy tình riêng và tình yêu quê hương đất nước hòa quyện nâng tầm mỗi tác phẩm của chị.

Trong những ngày ở trại sáng tác, nhạc sĩ Kim Phụng còn hoàn thành ca khúc "Điểm tựa hình tim" phỏng thơ Trần Vân Hạc, gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, mang âm hưởng dân ca Tây Bắc mà không kém phần hiện đại. Con đường riêng chị đã chọn chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh là những người thức khuya dậy sớm để  săn tìm cái đẹp và không phụ công của các nghệ sĩ, các anh đã có những tác phẩm đẹp mang bản sắc riêng, từ ý tưởng, bố cục, ánh sáng đến ngôn ngữ đặc trưng. Mỗi nghệ sĩ chọn được 5 ảnh tâm đắc, tuy chưa phải là những tác phẩm để đời nhưng là những  khoảnh khắc trời cho ghi lại cảnh vật và con người nơi đây.

Nghệ sĩ Vũ Chiến đồng cảm với nỗi nhọc nhằn của những người dân chài trong tấm ảnh "Thu lưới", anh sử dụng gam màu đen trắng làm cho tấm ảnh giàu hình tượng và "ý tại ngôn ngoại" trong sự cảm thông sâu sắc. Nghệ sĩ Việt Thắng cũng dùng chất liệu ảnh đen trắng đặc tả đôi mắt trong sáng, ngây thơ của một em nhỏ trong tác phẩm "Khát vọng". Đôi mắt như một thông điệp thức tỉnh lương tri. Nghệ sĩ Phúc Tiến Hùng chớp được khoảng khắc "Đêm Nha Trang", đêm Nha Trang không chỉ lung linh trong ánh đèn màu mà có cả gió, sóng và tiếng gọi mời đầy thân thiện của những con người hiền lành giản dị và chất phác nơi đây. Nghệ sĩ Phí Đức Long rất thành công trong tác phẩm "Chiều thu". Trong đôi mắt nhân vật nghệ sĩ đặc tả chứa đầy khát vọng, dẫu là chiều thu của mùa hay chiều thu của cuộc đời.

Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận, một số tác phẩm vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một số bài sưu tầm nghiên cứu chưa sâu, còn chưa rõ ràng giữa sưu tầm và sáng tác. Có truyện, ký còn "hiền lành" chưa tận dụng hết cơ hội khai thác nội tâm và tính cách nhân vật đẩy lên cao trào… Song đấy là điều khó tránh khỏi trong một thời gian thâm nhập thực tế và sáng tác ngắn hạn. Những gì các tác giả đã hoàn thiện trong trại sáng tác lần này chắc chắn sẽ trở thành những tác phẩm có giá trị trong thời gian tới.

 Trần Vân Hạc (Nhà sáng tác Nha Trang 29.4.2014)

Các tin khác
(Ảnh minh họa).

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) năm nay, các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ thực hiện chương trình nghệ thuật “Thiên đường tuổi thơ.”

Trong chuyến ra thăm Trường Sa, chiều 4/5, Đoàn đại diện chùa Tùng Vân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cung tiến pho tượng Phật ngọc Quan Thế âm Bồ tát cho chùa Trường Sa Lớn, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Tối 4/5, tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật niềm tin Việt Nam - sức mạnh Việt Nam với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc son thời đại.”

Chủ nhiệm Chính trị Lê Nam triển khai nghị quyết chiến dịch trong chiến hào Him Lam.

Từng cầm súng và cầm cọ đi suốt chiều dài và sự khốc liệt của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có nhiều tác phẩm xuất sắc, ông cũng là họa sĩ Quân đội có vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm được đồng đội, công chúng yêu hội họa và đồng nghiệp gọi là họa sĩ Điện Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục