Châu bản triều Nguyễn - khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam - là Di sản tư liệu thế giới
- Cập nhật: Thứ năm, 15/5/2014 | 1:51:31 PM
Với các giá trị nổi bật về mặt nội dung, hình thức và phong cách, hồ sơ “Châu bản triều Nguyễn" đã thuyết phục được Ban Tư vấn cũng như dành được đa số phiếu bầu của các nước thành viên tham dự Hội nghị để lọt vào danh sách 16/21 hồ sơ đề cử được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Triển lãm các châu bản triều Nguyễn.
|
Trung tâm Lưu trữ quốc Gia I cho biết, tại Phiên họp thứ 2 của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (MOWCAP) tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc (từ ngày 13 đến 15-5) với sự tham gia của 54 đại biểu đến từ 17 quốc gia, hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO năm 2014.
Với các giá trị nổi bật về mặt nội dung, hình thức và phong cách, hồ sơ “Châu bản triều Nguyễn" đã thuyết phục được Ban Tư vấn cũng như dành được đa số phiếu bầu của các nước thành viên tham dự Hội nghị để lọt vào danh sách 16/21 hồ sơ đề cử được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các chuyên gia của Tiểu ban Đăng ký của MOWCAP đã đánh giá cao tính xác thực, độc đáo, duy nhất, giá trị nội dung và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đối với khu vực cũng như quốc tế.
Như vậy tính đến nay, “Châu bản triều Nguyễn” là Di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn (2007), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012). Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới từ nay có thêm một nguồn sử liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học của cộng đồng, bởi thông qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, các Di sản tư liệu sẽ có nhiều cơ hội để phát huy giá trị của tài liệu và ngày càng đến gần với công chúng hơn.
Châu bản triều Nguyễn là các tập tấu, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư, trình, sớ, bẩm... được đích thân các vua nhà Nguyễn ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son. Thông qua nhà vua ngự phê truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội...Việc ngự phê của các vua triều Nguyễn là một trong những đặc điểm độc đáo của Châu bản.
Trải qua 143 năm triều Nguyễn, số lượng Châu bản sót lại còn khoảng 1/5, nhưng ngày càng khẳng định tính độc nhất và những giá trị lịch sử quý hiếm. Châu bản triều Nguyễn phản ánh tất cả mọi mặt của đời sống xã hội thời kỳ phong kiến chứ không riêng về mảng nào. Người làm về văn hóa, lịch sử có thể nghiên cứu nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có chủ đề liên quan tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trong Châu bản triều Nguyễn, tài liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo thể hiện ở nhiều góc độ. Có những văn bản trực tiếp nhưng cũng có văn bản gián tiếp như nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa để thăm dò, hoặc bút phê việc khen thưởng những người có công với Hoàng Sa, Trường Sa…
Trong đó có những châu bản đặc biệt quan trọng như Châu bản ngày 15-12 năm Bảo Đại thứ 13 (1939) truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất của đội lính khố xanh, trú đóng tại đảo Hoàng Sa qua đời do bệnh nặng trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa; Châu bản có chữ ký và ngự phê của Vua Bảo Đại, ghi lại sự kiện: Ngày 10-2-1939, Tòa khâm sứ Trung Kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng Huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung Kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn ở miền núi và có công trong việc lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa. Đến ngày 15-2-1939, Vua Bảo Đại đã phê “Chuẩn y” (đồng ý cho thi hành)...
Châu bản triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ còn nhiều bản gốc có ghi ngày giờ, niên địa cụ thể, có dấu ấn vương triều Nguyễn và tập trung nhiều nhất vào thời Vua Minh Mạng. Các tờ Châu bản chứa nội dung khẳng định nhà Nguyễn đã quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có hệ thống quản lý hành chính nhà nước ở đây, đồng thời nhiều tài liệu về việc phái các đội đi Hoàng Sa, Trường Sa khảo sát và lập các bản đồ, lập các tài liệu…Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Trong hai ngày 14 và 15-5, tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thuộc Bộ VH,TT&DL phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại" - trường hợp dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh.
Ngày 13/5, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.
YBĐT- Lễ cưới hỏi của người Dao quần chẹt xưa kia phải trải qua tới 8 bước lễ nghi thì mới hoàn thành một lễ cưới, đó là lễ dạm hỏi, lễ thông đường, lễ định cha mẹ, lễ xin định lễ vật, lễ xem ngày và định ngày cưới, lễ cưới, lễ lại mặt.
Sáng 14-5, tại thị trấn Trà Xuân, UBND huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức Lễ hội Điện Trường Bà năm 2014 và đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia Điện Trường Bà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng vào ngày 9-5-2014.