Văn xuôi Yên Bái - 35 năm nhìn lại
- Cập nhật: Thứ hai, 2/6/2014 | 11:03:46 AM
YBĐT - Năm nay, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái kỷ niệm 35 năm ngày thành lập. Toàn thể hội viên cũng như mọi người quan tâm đến văn học nghệ thuật không thể không vui mừng, tự tin, tự hào về những thành quả đã đạt được trong hơn một phần ba thế kỷ lao động sáng tạo vừa qua.
|
Để có được sự nhìn nhận, đánh giá chính xác, trước hết, hãy xem văn học nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng của Yên Bái đã được xây dựng và phát triển trong những điều kiện xã hội, lịch sử cụ thể như thế nào.
Ngày 12 tháng 6 năm 1979, Thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ra Quyết định số 685/NQ-TC thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn với Ban Chấp hành lâm thời 11 người do ông Trần Đức Minh làm Trưởng ban. Đó là thời điểm tỉnh Hoàng Liên Sơn (Lao Cai, Yên Bái) vừa ra khỏi cuộc chiến tranh biên giới 2/1979. Lúc này, tâm trí và lòng người không thể không còn bức xúc, xao động: Nỗi thương đau, mất mát chưa nguôi, lửa căm giận đang còn nghi ngút, vết thương chưa kịp liền da.
Sự kiện này mang lại cho sáng tác và văn học một nguồn đề tài phong phú, một nguồn cảm hứng mới mẻ, dạt dào, có gì vừa giống, vừa không giống với hai cuộc chiến vừa qua, bởi nó diễn ra ngay “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Nơi đây còn là một miền đất nước có núi cao, suối sâu, sông rộng vừa hùng vĩ vừa nên thơ, là nguồn lực vô tận cho công cuộc phát triển toàn diện.
Thủy điện Thác Bà - nhà máy thủy điện sớm nhất do Liên Xô giúp đỡ xây dựng là một biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa xã hội. Yên Bái (cũng như Lào Cai) là một vùng đất có tiềm năng lớn về một nền văn hóa, văn học của các dân tộc thiểu số anh em.
Những truyện thơ Tày, Thái với những số phận điển hình trong cõi người, những khúc dân ca dìu dặt, say đắm, những câu ca dao, tục ngữ mộc mạc, giản dị mà trăm phần sâu sắc… là nguồn mạch vô tận cho sáng tạo văn chương thời hiện đại. Bản thân nền văn hóa, văn học dân gian này cũng đã trực tiếp đào tạo và cung cấp cho văn nghệ những nghệ sỹ tài năng và hết mình cho nghệ thuật. Ba mươi lăm năm qua cũng là thời gian văn nghệ các vùng miền, các tỉnh, thành trong cả nước phát triển và giao lưu mạnh mẽ, là điều kiện thuận lợi cho chúng ta học hỏi, bồi dưỡng đội ngũ để đi lên.
Bước vào thời kỳ hiện đại, nền văn học của mỗi quốc gia, trong phạm vi một địa phương cũng vậy, nếu thơ ca là bộ phận nhạy cảm, đi đầu, “có ngay” thì văn xuôi thường được xem là trụ cột, xương sống. Quả vậy, chúng ta vui mừng 35 năm qua, văn xuôi Yên Bái luôn phát triển, có bước trưởng thành trong thế đi lên vững chãi.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, văn xuôi Yên Bái còn nhỏ lẻ. Người viết trong những năm đầu thành lập Hội là một số cây bút có ít nhiều năng khiếu, yêu văn chương, khi đến với văn chương đã vào khung “tứ thập bất hoặc” như Hoàng Hạc, Xuân Nguyên, Phạm Đức Hảo, Bùi Huy Mai… Một số khác trẻ khỏe lại đang vào thời kỳ thử nghiệm, còn dè dặt nhưng đã có những tác phẩm lóe sáng như Hoàng Hữu Sang, Thế Sinh, Thái Sinh, Nguyễn Hiền Lương, Trần Cao Đàm, Quang Bách, Hà Lâm Kỳ, Nguyễn Đức Long, Trần Vân Hạc… Tác phẩm của họ chủ yếu là những bài ký, truyện ngắn công bố trên báo chí và trong các tập in chung.
Bước sang thập niên đầu của thế kỷ XXI, có thể nói văn xuôi đã bước vào thời kỳ nở rộ, phát triển thành dòng, thành lớp. Số tác giả đông lên gấp bội với nhiều tầng bậc. Bằng tác phẩm của mình, họ dần dần tự định hình, định vị, trong số đó, phải kể đến Thế Sinh, Trần Cao Đàm, Nguyễn Hiền Lương, Dương Soái, Hải Đường, Quang Trung, Dương Hiền Nga… Những truyện ngắn đã kết thành tập, nhiều tập của từng tác giả và nhiều tác giả. Số lượng tiểu thuyết được công bố khá lớn, có cả những bộ tiểu thuyết nhiều tập xuất hiện trong các cuộc thi chuyên đề trên phạm vi cả nước, nếu dùng từ “đồ sộ” cũng không phải quá lời.
Điều quan trọng là từ ngày đầu thành lập Hội đến nay, văn xuôi của Yên Bái có ngay và đứng vững trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Có lẽ cũng là ngẫu nhiên nhưng rất lạ là ngày thành lập Hội là những ngày còn chưa tan hết khói súng của cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc, tháng này kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội thì biển đảo Trường Sa cũng đang nóng lên vì giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam.
Ở trong những thời điểm như thế, ta có ngay “ở biên giới” (thơ Vũ Chấn Nam), có ngay “Cột mốc giữa lòng sông” (Mã A Lềnh) và cũng có ngay người cầm bút ngã xuống giữa chiến hào để gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc - nhà văn, nhà báo Bùi Nguyên Khiết. Văn xuôi Yên Bái đã khái quát được công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu. Trong các tác phẩm, chúng ta thấy hiện lên một Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung anh hùng trong chống Mỹ cứu nước, anh hùng trong xây dựng nhà máy, xí nghiệp, xây dựng làng xóm, thành phố quê hương.
Chúng ta bắt gặp những con người ở nhiều lứa tuổi, ai nấy khỏe mạnh hăng say trong học tập, chiến đấu, sản xuất, yêu người và yêu đời, lạc quan, tin tưởng ở tương lai. Hôm nay, chính những con người ấy đang đi đầu trong công cuộc chống buôn gian bán lậu, làm cạn nghèo rừng núi hầm mỏ, chống tham nhũng, sự xuống cấp về đạo đức và lối sống sinh hoạt trong một phần không nhỏ cán bộ, đảng viên, để làm trong sạch xã hội, mang lại công bằng hạnh phúc cho nhân dân.
Điều đặc biệt rất lấy làm vui, củng cố thêm niềm tin vào ngày mai cho tất cả chúng ta là trong khi những cây bút đã trưởng thành, ngày càng cứng cáp, vị trí được xác lập thì những cây bút trẻ xuất hiện nhiều đáng kể và lớn lên trông thấy, hơn hẳn lớp đàn anh cùng độ tuổi khi xưa. Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn thường xuyên đăng tải truyện ngắn hoặc ký của các cây bút như: Ngọc Yến, Kim Yến, Nông Quang Khiêm…
Bên cạnh lực lượng sáng tác, dòng văn xuôi còn phải kể đến những tác giả nghiên cứu, biên khảo, phê bình. Số người viết các loại hình này không nhiều nhưng đã có những gương mặt tiêu biểu như Hoàng Việt Quân, Ngọc Bái… Hoàng Việt Quân là người cần cù, tỉ mỉ, hàng ngày, hàng giờ gom nhặt, cất xếp ngăn nắp mọi sự kiện, sự việc, mọi sản phẩm văn hóa văn nghệ của Hội từ nhỏ đến lớn không thiếu thứ gì. Anh xứng đáng là một nhà văn biên niên sử có nhiều đóng góp cho Hội.
Là nhà thơ, Ngọc Bái qua một thời kỳ làm quản lý ngành văn hóa và lãnh đạo Hội, anh có một tầm nhìn khái quát rộng, một vốn hiểu biết phong phú và tường tận về mọi loại thể văn chương nên khi anh viết phê bình, có ngay những hoa thơm trái chín. Những tác phẩm của anh về mặt này có tác dụng trực tiếp đối với người hoạt động văn nghệ nói chung và người sáng tác nói riêng.
Có lẽ phải chờ đến một công trình nghiên cứu nghiêm túc và khoa học mới có thể đánh giá đầy đủ và chính xác dòng văn xuôi Yên Bái 35 năm qua. Bài viết này chỉ là một vài suy nghĩ bước đầu, chắc chắn còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Nhưng, có một điều chắc chắn là 35 năm qua, văn xuôi nói riêng và văn học nói chung của Yên Bái đang phát triển, vững bước đi lên và rất nhiều hứa hẹn tốt đẹp.
Hán Trung Châu (Hội Liên hiệp Văn học
Nghệ thuật tỉnh)
Các tin khác
Sáng 31/5 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc vòng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 8 năm 2013. Có tổng số 183 tác phẩm thuộc 11 loại giải được lọt vào vòng chung khảo.
15 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ giới thiệu và giao lưu sản phẩm tại Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam (Telefilm) 2014 được tổ chức tại TPHCM từ ngày 5-7/6.
Liên khúc hát múa "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” đã mở đầu chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vì biển đảo thân yêu” diễn ra tối 30/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chiều 29/5, ông Nguyễn Anh Bằng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông, cho biết sáng cùng ngày, người dân địa phương đi làm rẫy đã phát hiện hai bộ đàn đá tại xã Long Sơn (huyện Đắk Mil), với niên đại hơn 3.000 năm.