“Thuốc phiện và Lửa”: Vấn nạn và tình yêu con người trong tiểu thuyết
- Cập nhật: Thứ hai, 2/6/2014 | 11:05:54 AM
YBĐT - Đang nghiền ngẫm tiểu thuyết “Thuốc phiện và Lửa”của nhà văn- nhà báo Hoàng Thế Sinh (Nhà xuất bản Công an Nhân dân – Quý I, năm 2013) thì hay tin một kẻ thủ ác vừa bị bắt vì chuyên chở hơn nửa tấn heroin và hàng nghìn viên ma túy tổng hợp từ Mộc Châu (Sơn La) về xuôi tiêu thụ. Lại nghe thông tin về người nông dân ven thành phố trồng cả sào cần sa sắp đến kì ra hoa bị phát giác.
|
Chuyện cũ - mới cứ đan xen trong ngờ vực, lo lắng: Vấn nạn ma túy - tiểu thuyết hay sự thực cuộc sống đang hiện hữu? Dẫu biết rằng, tiểu thuyết có lợi thế hư cấu song cây thuốc phiện và vấn nạn ma túy ở Tây Bắc dường như đã “nóng” mấy chục năm trước, thậm chí cả trăm năm trước như câu chuyện dẫn dắt của tác giả Hoàng Thế Sinh.
Tiểu thuyết hấp dẫn bạn đọc từ cách trình bày bìa ấn tượng bắt mắt, nội dung dày tới 575 trang nhưng chia thành 36 chương, mỗi chương chia tách thành nhiều phần nhưng đọc một mạch có sức lôi cuốn lạ kỳ, thật hiếm thấy trong tiểu thuyết hiện nay. Vốn là người hoạt ngôn, lợi thế trong diễn đạt nên nhà văn viết chảy trôi, ngôn ngữ, hình ảnh mộc mạc mang phong cách dân tộc miền núi nên hầu như không cần sự cầu kỳ, trau chuốt.
Cái tàn độc, man dại của ma túy ở vùng Tây Bắc trong thập niên chín mươi của thế kỷ trước được điển hình hóa trong không gian xã Zế Chế La, bản Xu Phin nào đó. Hãy xem tác giả miêu tả cuộc sống tưởng thanh bình, êm ấm nơi đây với con người, thiên nhiên tuyệt vời làm sao: “Sớm mai. Sương bay mờ núi rừng. Mặt trời tỏa nắng vàng hoa cải.
Thung lũng Na Cồ hiện ra như trong mơ. Nằm gọn giữa thung lũng Na Cồ là cánh đồng lung linh sắc màu hoa đỏ, hoa trắng, hoa vàng, hoa tím- hoa cây thuốc phiện như hoa hồng, đẹp mê hồn… Gió thổi nhẹ làm mởn sóng hoa lung linh lung linh”.
Nương bãi một vùng ngập cây thuốc phiện. Thuốc phiện một thời mang cho con người ở đây cái nhựa “quý”, đốt một nhẻo đã làm mê mẩn người và rồi dốc sức con người ta đến sức tàn lực kiệt như những bóng ma trơi.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Mã Sung - hậu duệ của chúa đất Khan và những người bạn Mông trên bản Xu Phin. Chuyện đan xen hư thực như huyền thoại, mộng mị giữa chúa đất Mã Khan - Giàng Xim và người con gái nghiêng đất nghiêng rừng Phạc Phiền. Tình yêu, cuộc sống, sự tham lam, tàn độc và sự hóa thân của họ thành thứ cây thuốc phiện có thể giết chết cả người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà được truyền kể từ đời này qua đời khác như một lời cảnh báo, răn đe nhưng sức hấp dẫn kỳ lạ của ma túy thời nào cũng có những người không thể cưỡng lại sự cám dỗ của nó. Mã Sung, Giàng A Sình và các bạn của chúng như Lử, Tủa, Páo, Lỳ Say… đều lần lượt nghiện ngập.
Dưới con mắt của Hoàng Thế Sinh, lớp thanh niên như Sung, Sình, Páo, Lử… sau khi uống rượu, hút thuốc phiện thì “say nhung nhúc như lũ ma trơi rúc vào âm ty, thuốc phiện ngấm vào lục phủ ngũ tạng như giọt sương ngấm vào tế bào rừng”, không còn biết trời đất gì nữa. Họ Mã người Mông trên bản Xu Phin này cả vùng núi Pú Soong Sung, Lũng Cung hay thung lũng Na Cồ, Phố Phủ của người Mông, người Thái, người Tày với người Kinh mới lên sinh sống đều biết. Họ giầu có truyền đời, ruộng nương bạt ngàn nhưng đường tình duyên bao giờ cũng trắc trở, gian truân, đứt gánh giữa đường. Mã Sung nhớ da diết người vợ, người tình bạc mệnh Seo Ly để lại đứa con gái Mã Liên bé bỏng, tội nghiệp (mà những đứa trẻ côi cút như thế ở Xu Phin rất nhiều), lại cậy thế, cậy tiền đi bắt con gái xinh nhất vùng về làm vợ.
Những hủ tục ấy chính bị lớp thanh niên mới phá vỡ. Họ dám thể hiện tự do và quyết gây dựng tình yêu đôi lứa như chàng trai Mông Lỳ Say với cô giáo My trường Xu Phin, giữa A Sình với Mỷ Châu… Tình yêu đẹp giữa họ nảy nở một thứ quan hệ tình cảm mới, không phân biệt cả dân tộc, tập tục hay tuổi tác.
Tác giả dành nhiều chương miêu tả cuộc đấu tranh không khoan nhượng, có lý có tình của hủ tục lạc hậu với phong cách làm ăn thời kỳ đổi mới, giữa các thế lực hắc ám, phản nghịch trong ngoài, vùng đồng bào dân tộc, thậm chí cả bên kia biên giới như bọn trùm buôn lậu ma túy như Tắc, Tam, Mo và bên nước Lào là trùm Khăm Pay. Có đô la Mỹ, chúng tự hào sung sướng và không từ bỏ một thủ đoạn nào. Chúng lén lút thu gom thuốc phiện trong công ty Một Cây, cấp hạt thuốc phiện, cấp tiền dụ dân trồng bạt ngàn thuốc phiện trên nương cả bản Xu Phin, Tà Sùa, Tà Dông… đồng thời dụ thanh niên đi buôn ma túy, ăn chơi trác táng và cũng sẵn sàng thanh toán nhau mỗi khi bể việc, đầu mối bại lộ.
Tự hào về sự hiểu biết, gương mẫu và đức độ của những người tự nguyện làm công bộc sẵn sàng hy sinh vì dân như già bản Mã Lềnh, Mã Lìn, Bí thư A Biên, cán bộ phụ nữ Mỷ Châu hay cán bộ huyện Nủ Phy. Họ gần gũi, chia sẻ và kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới trên mảnh đất này. Xóa tận gốc thuốc phiện bằng phong trào “ba bỏ”, kiếm nguồn nước cải tạo cánh đồng Khan để trồng lúa, chăm lo trồng và bảo vệ rừng, bỏ lối sống săn bắn hái lượm từ xưa… Họ đã xây dựng cuộc sống mới thành công trên mảnh đất này.
Cả 36 chương tiểu thuyết được nhà văn Hoàng Thế Sinh cấu trúc hợp lý, hấp dẫn. Lối kể, cách tả của tác giả qua ngôn ngữ chứa đựng đầy chất dân gian miền núi, việc khâu nối đan xen những yếu tố huyền ảo, lung linh sắc màu càng thể hiện sự hiểu biết của ông về phong tục, tập quán và lối tư duy cụ thể của đồng bào dân tộc miền núi bao đời nay. ý nghĩa của tiểu thuyết vì thế không chỉ dừng lại ở nội dung cụ thể, mà là sự xử lý chắc tay trong bút pháp nghệ thuật viết tiểu thuyết vốn là thế mạnh và thực tế đã gặt hái thành công của nhà văn Hoàng Thế Sinh nhiều năm qua.
Lan Hương
Các tin khác
YBĐT - Năm nay, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái kỷ niệm 35 năm ngày thành lập. Toàn thể hội viên cũng như mọi người quan tâm đến văn học nghệ thuật không thể không vui mừng, tự tin, tự hào về những thành quả đã đạt được trong hơn một phần ba thế kỷ lao động sáng tạo vừa qua.
Sáng 31/5 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc vòng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 8 năm 2013. Có tổng số 183 tác phẩm thuộc 11 loại giải được lọt vào vòng chung khảo.
15 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ giới thiệu và giao lưu sản phẩm tại Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam (Telefilm) 2014 được tổ chức tại TPHCM từ ngày 5-7/6.
Liên khúc hát múa "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” đã mở đầu chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vì biển đảo thân yêu” diễn ra tối 30/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.