Đọc “Người ở núi ra biển” của Hoàng Anh Đậu
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/6/2014 | 8:12:48 AM
Tác giả Hoàng Anh Đậu là người con của dân tộc Tày, chị là biên đạo múa, Nghệ sĩ ưu tú, đã từng có nhiều kịch bản và dàn dựng nhiều tiết mục đạt nhiều giải thưởng của trung ương và địa phương, bởi vậy trong thơ chị không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn cách nghĩ, cách nói của người “ở núi”.
|
Người ở núi ra biển
Người ở núi ra biển
Nghe nói biển nước mặn
Gập người xuống nếm thử
Nhớ gói muối lá dong
Muốn gánh biển Đông về
Người ở núi ra biển
Thấy biển xanh tóc bạc
Cứ như tình mây núi
Có lúc biển chẳng nói
Như rừng cây đứng im
Người ở núi ra biển
Thấy biển xanh trải rộng
Muốn làm cánh diều bay
Sợ bị giật tung dây
Gối đầu xuống cát trắng.
Vũng Tàu - 2006
Đôi dòng cảm nhận:
Đúng là cách cảm, cách nói của người “ở núi” ra biển với đầy hình tượng nghệ thuật độc đáo, gợi những liên tưởng thú vị, sâu sắc.
“Nghe nói biển nước mặn”, từ “nghe nói” đã gợi sự tò mò cho người đọc. Có lẽ tác giả chưa ra biển lần nào, chỉ biết muối ăn hàng ngày làm từ nước biển, bởi vậy đứng trước biển tác giả như không nén được lòng mình phải: “Gập người xuống nếm thử”. Từ “gập” thật đắt mang cả sự dồn nén, khao khát khám phá và khi cảm nhận được vị mặn của biển, thật bất ngờ tác giả trải lòng: “Nhớ gói muối lá dong” trên gác bếp quê nhà có được cùng vị mặn mồ hôi của bà, của mẹ, tảo tần, một nắng hai sương. Câu thơ “Muốn gánh biển Đông về” vừa mang bản sắc của người “ở núi” vừa sâu nặng ân tình với gia đình và quê hương yêu dấu.
Đứng trước biển, tác giả cảm nhận:“Thấy biển xanh tóc bạc” đầy những suy tư trăn trở, chẳng khác nào “tình mây núi”. Thật tinh tế khi tác giả không chỉ “thấy” mà còn là sự đồng cảm, đồng điệu: “Có lúc biển chẳng nói/ Như rừng cây đứng im”. Cái khoảng lặng của biển, của rừng ấy như giấu kín trong lòng bao nỗi niềm về cuộc đời, về nhân tình, tác giả như hòa vào lòng biển, hóa thân trong rừng cây nơi quê nhà, cất lên những lời tâm sự sâu thẳm tự đáy lòng.
Khổ thơ cuối gợi ra những chiêm nghiệm sâu sắc về giới hạn của con người trước những ước muốn bay cao bay xa: “Muốn làm cánh diều bay” nhưng lại: “Sợ bị giật tung dây”. Nói là “sợ” nhưng thực ra tác giả biết mình biết người, biết rõ cái mình có thể đạt được trong muôn vàn ước mơ. Dẫu rằng khi bị “giật tung dây” chỉ “Gối đầu xuống cát trắng” một cách nhẹ nhàng chứ chưa hẳn đã bị những cú giáng mạnh mẽ của cuộc đời. Đáng quí thay khi con người ta biết điều tiết giữa khát vọng và thực tại.
Tác giả Hoàng Anh Đậu là người con của dân tộc Tày, chị là biên đạo múa, Nghệ sĩ ưu tú, đã từng có nhiều kịch bản và dàn dựng nhiều tiết mục đạt nhiều giải thưởng của trung ương và địa phương, bởi vậy trong thơ chị không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn cách nghĩ, cách nói của người “ở núi” với những hình ảnh nghệ thuật độc đáo, sự so sánh bất ngờ mà còn đầy nhịp nhạc và ẩn sâu bên trong một mạch ngầm xuyên suốt bài thơ mang những tâm sự, nỗi niềm, những suy tư trăn trở về con người và cuộc đời.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Ngày 5/6, Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình (Telefilm) lần thứ 2 năm 2014 đã khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai phim được chiếu mở màn Liên hoan là “Khi không thể vượt qua chính mình” của Việt Nam và "Xin đừng quên tôi" của Đức.
Đây là những tác phẩm về đề tài môi trường có giá trị nội dung sâu sắc, phản ánh giá trị tài nguyên đối với cuộc sống.
Chiều 4-6, BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 chính thức công bố thể lệ và thời gian diễn ra cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014. Theo đó, vòng chung kết cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 26-11 đến 6-12 tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang).