Hát Xoan đủ điều kiện thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/9/2015 | 6:43:30 AM

Cuối năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Hát Xoan Phú Thọ
Hát Xoan Phú Thọ

Phóng viên (P.V) báo chí đã có cuộc phỏng vấn PGS, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, cố vấn trong việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về những giải pháp mà tỉnh Phú Thọ đã triển khai để hồi sinh loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc này.

P.V: Ông đánh giá thế nào về những giải pháp mà tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai để bảo tồn di sản văn hóa hát Xoan?

PGS Đặng Hoành Loan: Có lẽ tỉnh Phú Thọ là một trong những mẫu điển hình về công cuộc bảo tồn và phát huy di sản. 4 năm vừa qua, diện mạo của hát xoan trong đời sống đã thay đổi hoàn toàn. Thứ nhất là tại các phường xoan, các thế hệ đã biết hát xoan. Thứ hai là họ đã phục hồi được lề lối sinh hoạt xoan ở trong 4 phường xoan. Bây giờ về đấy vào những dịp xuân thì ở đình nào trong 4 phường xoan cũng nổi trống, nổi đóa để hát xoan, với nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau.

Cùng với phục hồi sinh hoạt ở 4 phường xoan thì họ phục hồi được các phường xoan đi hát ở các đình làng trong tỉnh Phú Thọ. Việc đó giúp hát xoan có giá trị cao, được toàn cộng đồng chấp nhận và yêu mến. Tôi cho rằng, phát huy được vùng văn hóa xoan là rất tốt.

Một điều rất quan trọng là tỉnh đã phục hồi được miếu Lãi Lèn - đây là nhà hát đầu tiên để hát múa xoan. Trong hát xoan có câu “Vua về xem con dân Lãi Lèn" tức là Vua về xem con dân múa hát. Vì vậy, ngày nay phục hồi được miếu đó tức là phục hồi được dung dáng lịch sử, là chứng tích của việc hát thờ Vua. 4 phường xoan đã làm được những việc quan trọng như vậy cho việc phục hưng hát xoan.

P.V: Cùng với việc khôi phục, bảo tồn hát Xoan tại 4 phường gốc, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức dạy hát Xoan cho học sinh các trường học và người dân trong tỉnh, ông đánh giá thế nào về việc làm này?

PGS Đặng Hoành Loan: Cái được của Phú Thọ hiện nay là đã đem hát Xoan dạy cho nhân dân toàn tỉnh. Càng nhiều người biết bao nhiêu thì hát xoan càng lan tỏa bấy nhiêu. Như vậy khi người ta biết về hát xoan và hát được xoan thì họ sẽ tự biết ứng xử với nghệ thuật xoan.

Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là huyện Thanh Thủy thời tôi khảo sát không có hát xoan, vậy mà bây giờ hát xoan đã về tới huyện. Ở đấy có trên 40 CLB hát xoan, được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ và trở thành sinh hoạt quần chúng trong tất cả cuộc vui.

P.V: Sau những nỗ lực phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, theo đánh giá của ông thì hát Xoan Phú Thọ có thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp?

PGS Đặng Hoành Loan: Có thể nói chúng ta đã phục dựng lại coi như toàn bộ nghệ thuật xoan từ 4 phường gốc có nhiều thế hệ hát xoan, nghệ nhân hát xoan hay. Họ phục hưng lại được việc hát xoan thờ vua Hùng, phát triển được hát thờ vua Hùng ấy rộng rãi trên rất nhiều đình làng chung quanh là một thành công rất lớn. Họ bảo tồn nguyên vẹn không gian tín ngưỡng của hát xoan. Cùng với việc bảo tồn nguyên vẹn, người ta truyền được toàn bộ nghệ thuật xoan đến với cộng đồng.

Theo tôi, trên cương vị là cố vấn trong việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp thì hoàn toàn có thể đưa hát xoan hết tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản đại diện của nhân loại.

P.V: Theo ông, tỉnh Phú Thọ cần tập trung vào những việc làm gì tiếp theo để hát Xoan xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

PGS Đặng Hoành Loan: Hiện nay còn 3 vấn đề mà tôi cho quan trọng là làm sao hát xoan hay, hiện nay hát xoan chưa hay. Nếu so với băng mà Viện Âm nhạc lưu trữ được cách đây 40 năm thì hát xoan thời nay còn kém các cụ ngày xưa nhiều lắm. Thế nên làm sao cho lớp nghệ nhân ngày nay hát xoan hay lại như ngày xưa, chuẩn chỉ như ngày xưa, điều ấy rất cần thiết.

Việc thứ hai rất cần là làm các công trình nghiên cứu sâu về hát xoan để hiểu hát xoan một cách sâu rộng hơn, hiện nay mới chỉ là bề mặt thôi. Điều thứ ba là làm cho các lớp con cháu hiểu được giá trị văn hóa và lịch sử của hát xoan. Điều này rất quan trọng cho lớp trẻ. Làm sao cho mọi người hiểu về văn hóa Hùng Vương thì giá trị của hát xoan được đẩy lên rất là cao.

P.V: Xin cảm ơn ông!.

(Theo VOV)

Các tin khác
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Quốc hội.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2016), Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”.

Chiều 24- 9, tại Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức khai mạc Triển lãm "Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam" năm 2015.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL Huế nhận bằng công nhận ca Huế là Di sản  văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tối 22-9, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL)Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ đón bằng công nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trang bìa cuốn sách.

Cuốn sách “Tổ quốc nơi đầu sóng” tập hợp các tư liệu, tác phẩm báo chí thể hiện sâu sắc quan điểm, lập trường và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục