Đụng lợn - Tết xưa trở lại

  • Cập nhật: Thứ bảy, 6/2/2016 | 11:48:50 AM

YBĐT - “Đụng lợn” - tết xưa đã trở lại và dường như người dân đang từng bước chuyển dần từ “ăn ngon - mặc đẹp” thành “mặc đẹp - ăn nghệ thuật” để giữ lại nếp xưa.

Mới vậy mà đã qua gần ba chục năm thời bao cấp lùi vào quá khứ! Chẳng phải tem phiếu, chẳng phải chờ đến chiều ba mươi tết mới có thịt treo trong nhà.

Cuộc sống giờ đã sung túc, đủ đầy hơn! Bữa ăn cũng chẳng thiếu, nếu muốn ngày nào cũng có thể có hương vị tết. Ấy vậy mà chẳng biết do hoài cổ, hay do sự cầu kỳ trong ăn uống, việc mấy nhà chung nhau con lợn mổ trước tết hay còn gọi là “đụng lợn” lại phổ biến như tết vừa qua.

Mấy cậu trai trẻ trói gà không chặt, đâu có biết cái thời đụng lợn xưa khó khăn như thế nào, chỉ biết đụng lợn vui lắm, xăng xái việc này việc khác! Người lớn tuổi mới nhớ, mới thấm cái thiếu của một thời bao cấp để rồi vừa làm vừa kể lại chuyện đụng lợn xưa. Không chỉ vì phải có bữa tinh tươm, thịnh soạn mà quan trọng hơn là phải có mấy lạng thịt làm nhân bánh chưng, có thêm mỡ rán dành để ra Giêng còn có cái xào nấu. Khó khăn, thiếu thốn là thế.

Giờ thì đụng lợn để làm vui, để thêm củi lửa, thêm khói oi nồng. Tiếng lợn kêu, rồi dao thớt, tiếng băm, tiếng chặt của những người không thạo việc cũng đã mang không khí tết xưa trở lại. Chỉ có khác là sự ăn bây giờ có nhiều hơn những chọn lựa.

 

Cũng ba, bốn nhà chung nhau con lợn, nhưng phải là lợn sạch nhé! Tự nuôi ấy mà! Nếu không, cũng phải con lợn rừng nuôi trong trang trại, hoặc lợn “cắp nách” của đồng bào nuôi cả năm được có đôi mươi cân. Phải gửi mua tận địa phương vùng cao mới có!.

Ở phố không gian chật hẹp thì tìm nhà nào rộng rãi cùng nhau làm thịt! Thế mới có chỗ để mấy tay đồ tể nghiệp dư hành nghề chứ! Nghiệp dư vẫn phải có 'nhạc trưởng" ra tay. Phải đến khi thịt ra thịt, xương ra xương, phần của nhà nào về nhà nấy thì việc chế biến món mới được mấy bạn trẻ loay hoay tham dự.

Cũng đủ món, nhưng thú vị nhất là nướng chả, là dồi lòng và dè dặt hãm thêm mấy bát tiết canh. Những món phải nhiều gia vị, phải cầu kỳ công sức thế này mới đáng là đụng lợn chứ! Chẳng biết có ngon bằng ăn nhà hàng hay không, nhưng cứ phải mổ, phải chia nhau và chế biến rồi quây quần cho củi lửa cay cả mắt mới gọi là Tết.

Tết này, số người ra chợ mua thịt cũng giảm! Các bác ba toa, đồ tể đã nhàn nhã hơn. Phải chăng người tiêu dùng muốn quay lưng với thị trường vốn có nhiều vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm?

Phần là vậy, nhưng quan trọng hơn: “đụng lợn” - tết xưa đã trở lại và dường như người dân đang từng bước chuyển dần từ “ăn ngon - mặc đẹp” thành “mặc đẹp - ăn nghệ thuật” để giữ lại nếp xưa.

Minh Quang

Các tin khác

YBĐT - Lời hát Sình ca của Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh khi cất lên làm mê đắm lòng người đặc biệt là các khúc hát mừng xuân mới, với cách lấy hơi, nhả chữ luyến láy khó ai bì kịp. Giữa bạt ngàn rừng quế mang tiếng hát Sình ca như giục mùa xuân đến sớm.

YBĐT - Âm nhạc luôn đem lại nguồn cảm xúc xuân tươi mới, rộn ràng. Những người nghệ sỹ, diễn viên là những “người mang mùa xuân đến sớm”. Tiếng hát cất lên là món quà đầy ý nghĩa mà những người nghệ sỹ, diễn viên đã gửi gắm cả tình cảm, tâm huyết của mình trong từng ca từ gieo niềm vui cho tất cả mọi người, mọi nhà trước mùa xuân mới.

YBĐT – Cùng với các món ăn truyền thống, cành đào, bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên làm nên hương vị tết cuộc sống đủ đầy, khí xuân tràn ngập mỗi gia đình còn bởi sắc hoa tươi hiện diện ở mỗi không gian trang trí ngày tết. Chơi hoa là một trong những nét đẹp văn hóa tinh thần, thể hiện sắc đẹp, sự tinh tế, thanh tao, hồn người đón xuân của Tết Việt.

YBĐT – Mùa xuân đang về với khắp các bản trên, làng dưới là lúc đồng bào Cao Lan lại tự hào cất lên lời Sình ca với ước mơ và khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục