Trăn trở bảo tồn điệu hát Sịnh ca

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/3/2016 | 9:22:58 AM

YBĐT - Nếu như ngày tết đồng bào Mông có hội hát Gầu plềnh, người Thái có những đêm hội Hạn Khuống, người Dao hát Páo dung thì người Cao Lan lại có những điệu hát Sịnh ca (thường gọi là Sình ca) mượt mà sâu lắng. Từ những điệu hát này, đã có bao đôi trai gái nên duyên vợ chồng.

Bà Hoàng Thị Tân ở thôn 9, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (ngồi giữa) giới thiệu hát  Sịnh ca cho thế hệ trẻ.
Bà Hoàng Thị Tân ở thôn 9, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (ngồi giữa) giới thiệu hát Sịnh ca cho thế hệ trẻ.

Trong đời sống sinh hoạt của người Cao Lan, hát Sịnh ca là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu. Tất cả những lễ hội quan trọng trong năm, người Cao Lan thường tổ chức hát giao duyên…

Đặc biệt là vào dịp tết, các chàng trai người Cao Lan đi du xuân đến các bản làng họ thường tổ chức hát giao duyên với các cô gái ở trong làng. Khi hát, các chàng trai đứng một bên, các cô gái đứng một bên thi nhau hát. Bên này hát, bên kia đáp lại. Họ có thể hát cả ngày, cả đêm. Trong những trận “đấu trí” bằng lời ca, tiếng hát ấy, nếu các chàng trai muốn đi đến làng khác thì phải hát thắng các cô gái, còn nếu thua thì phải ở lại và tiếp tục hát đến ngày hôm sau mới được đi.

Sịnh ca của người Cao Lan được hát cả ban ngày và ban đêm, nhưng dù là hát ban ngày hay ban đêm thì các chàng trai đến làm khách sẽ là những người hát trước và các cô gái trong làng sẽ hát đối đáp sau. Khi hát đối lại, bao giờ các cô gái cũng phải hát hỏi họ của các chàng trai. Nếu hai người cùng họ thì họ sẽ không hát với nhau nữa. Còn nếu không trùng họ thì đôi trai gái tiếp tục hát cho đến khi lý cạn, tình đầy mới thôi. Bởi thế, từ những đêm hát Sịnh ca này, đã có biết bao đôi trai gái nên vợ, nên chồng.

Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Cao Lan cũng đã đổi thay từng ngày, cùng đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã làm mai một dần những điệu Sịnh ca của đồng bào Cao Lan. Thế hệ trẻ hiện nay nhiều người không còn mặn mà với văn hóa dân tộc, trong đó có hát Sịnh ca, một phần vì ngại, một phần vì hát Sịnh ca khó luyến láy nên không hát được.

Ông Mễ Văn Vượng, dân tộc Cao Lan ở thôn 9 xã Minh Quán, huyện Trấn Yên cũng là người tâm huyết với điệu Sịnh ca của dân tộc mình. Khi thấy nét văn hóa của dân tộc mình đang bị mai một, ông thấy buồn vì hiện tại ở thôn của ông chỉ còn lại 5 người biết hát Sịnh ca, chủ yếu là những người đã 60 tuổi trở lên.

Bà Hoàng Thị Tân - một trong số ít người biết hát Sịnh ca ở thôn 9, xã Minh Quán (Trấn Yên) tâm sự: “Tôi muốn hướng dẫn chúng nó học hát để giữ gìn được bản sắc và phong tục truyền thống của dân tộc. Tôi nghĩ mình là dân tộc nào cũng nên giữ gìn bản sắc của dân tộc đó để sau này con cháu còn biết được gốc gác, cội nguồn của mình. Tôi mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa của người Cao Lan”.

Hiện nay không còn nhiều người biết hát Sịnh ca nữa nhưng để bảo tồn được điệu hát này thì mỗi năm cứ vào dịp tết đến, xuân về những người có tuổi, người biết hát Sịnh ca ở huyện Trấn Yên nói riêng và trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung vẫn tổ chức những buổi hát để cho con cháu thấy được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, để lớp trẻ tham gia học hát, để điệu Sịnh ca luôn trường tồn cùng với thời gian, trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Vàng Mai

Các tin khác
Trao giải “Tác phẩm báo chí hay về chủ đề Đại hội XII và Đất nước 30 năm đổi mới”.

Sau ba ngày diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn, Hội báo toàn quốc 2016 đã chính thức khép lại vào chiều ngày 15/3.

Bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang

Ngày 15-3, ông Chu Văn Hòa xác nhận Nhà xuất bản (NXB) Văn học đã đăng ký xuất bản cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử - Nhiều tác giả, Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên (Công văn số 1180/ XN- CXBIPH ngày 14-3-2016).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Quyết định công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt cho đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và hai huyện Tam Đảo, Sông Lô.

Tối 14/3, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức trọng thể lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên (huyện Tam Đảo) và Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô).

Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời vào lúc 5h sáng nay tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Nhạc sĩ Thanh Tùng – tác giả của hàng loạt ca khúc được nhiều người yêu thích như “Hoa tím ngoài sân”, “Lối cũ ta về”, “Một mình”… đã qua đời vào lúc 5h sáng nay (15/3) tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục