Những gương mặt bạn bè
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2016 | 9:43:40 AM
YBĐT - Bài thơ “Những gương mặt bạn bè” là sự hồi tưởng trong nỗi niềm nhớ thương vô hạn những đồng chí, đồng đội đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi suốt quãng thời gian chiến đấu gian khổ, ác liệt nơi chiến trường.
Ký ức nhắc một thời leo dốc dọc Trường Sơn
cây gậy mòn chống chọi cánh rừng sốt rét
quăng quật chiếc ba lô băng đèo vượt dốc
võng mắc chênh chao giấc ngủ chẳng yên lành
căn hầm đào vội loằng nhoằng chớp đạn
gương mặt bạn bỗng hiện lên rồi vụt tắt
cơn mưa thời bình không xóa nổi vết thương
lở loét cánh đồng ma, xót xa cánh rừng thuốc độc
lửa đã tàn dọc con đường xoáy lốc
làm sao nhớ nổi dấu võng bom lìa
làm sao nhớ nổi căn hầm hai đứa ôm nhau khóc
gương mặt bạn tự dưng nhòa nhạt khói chiều
nửa thế kỷ chiến tranh qua dấu vết cũ xa mờ
ngồi nhớ lại rùng mình bữa cơm rau môn thục
nhìn lứa trẻ vô tư cụng ly tràn trề lời chúc
bỗng dưng cười vui, bỗng rưng rưng nước mắt
bỗng dưng muốn hát bài hát đã xa
thấy gương mặt bạn hiện về thấp thoáng.
Ngọc Bái
Lời bình của Hoàng Hiền
Là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và từng một thời là lính nên khi sáng tác về đề tài người lính, cảm xúc của nhà thơ Ngọc Bái chân thành và xúc động đến vô cùng. Với ông, đó là những kỷ niệm không thể phai nhòa; là ký ức, là khoảng thời gian đong đầy nỗi nhớ suốt cuộc đời.
Bài thơ “Những gương mặt bạn bè” là sự hồi tưởng trong nỗi niềm nhớ thương vô hạn những đồng chí, đồng đội đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi suốt quãng thời gian chiến đấu gian khổ, ác liệt nơi chiến trường. Trong sự nhớ thương ấy, có cả nỗi xót xa khi bạn bè nay người còn, người mất; vết thương da thịt giờ đã lành nhưng vết thương của chiến tranh trong tâm can thì luôn nhức nhối.
Với 3 khổ thơ, mỗi khổ là một lời tự sự nhưng đều kết bằng hình ảnh “Gương mặt bạn”. Ở khổ một là dòng ký ức “một thời leo dốc dọc Trường Sơn”. Những khó khăn, gian khổ được tác giả khắc họa chân thực qua hình ảnh “cây gậy mòn chống chọi cánh rừng sốt rét”, hình ảnh “quăng quật chiếc ba lô”, “võng mắc chênh chao”, “giấc ngủ chẳng yên lành”, “loằng nhoằng chớp đạn”… Tất cả những vội vàng ấy của thời chiến đã khiến “gương mặt bạn bỗng hiện lên rồi vụt tắt”. Cái “vụt tắt” ở đây có lẽ được hiểu là giữa cuộc chiến quá khốc liệt, những người đồng chí còn không có đủ thời gian để nhìn mặt nhau, chưa kịp tâm sự đôi ba câu chuyện thì đã vội ào lên trận tuyến.
Ở khổ 2, tác giả nói đến những đau thương của hiện tại. “Cơn mưa thời bình không xóa nổi vết thương”. Xóa sao nổi những vết thương chiến tranh khi chúng quá tàn khốc! “Lở loét cánh đồng ma, xót xa cánh rừng thuốc độc/ lửa đã tàn dọc con đường xoáy lốc”. Sự cày xới của bom đạn đã khiến những người lính còn lại hôm nay khó có thể nhận ra trận địa năm xưa, khó có thể nhận ra “dấu võng”, “căn hầm hai đứa ôm nhau khóc”. Có phải vì thế mà “Gương mặt bạn tự dưng nhòa nhạt khói chiều”?
Cảm xúc ở hiện tại tiếp tục được tác giả giãi bày trong khổ 3. Cái hiện tại ấy đã cách xa chiến tranh đến “nửa thế kỷ” và “chiến tranh qua dấu vết cũ xa mờ”. Vậy mà “ngồi nhớ lại” vẫn “rùng mình bữa cơm rau môn thục”. Khi những ký ức đã quá sâu đậm thì không dễ gì để nguôi quên. Lại càng nhớ đến những đồng chí đồng đội khi cảm nhận được sự đối lập trong cuộc sống hôm nay: “nhìn lứa trẻ vô tư cụng ly tràn trề lời chúc/ bỗng dưng cười vui, bỗng rưng rưng nước mắt”.
Ở khổ 1 “gương mặt bạn bỗng hiện lên rồi vụt tắt”, đến khổ 2, “Gương mặt bạn tự dưng nhòa nhạt khói chiều” cho ta cảm nhận một nỗi xót xa vô hạn. Nhưng đến khổ cuối, cái còn lại sau cùng vẫn là “Thấy gương mặt bạn hiện về thấp thoáng”. Vậy là trong tâm tưởng những đồng chí đồng đội, những người bạn năm xưa không bao giờ bị lãng quên. Những gương mặt bạn bè dù có đổi thay bởi chiến tranh, bởi thời gian xa cách thì tình cảm gắn bó, yêu thương của những người đồng chí đồng đội vẫn luôn nguyên vẹn. Và giá như đừng có chiến tranh thì đã không có những mất mát, chia lìa; không phải xót xa khi bạn ra đi lúc tuổi đời còn quá trẻ. Bài thơ “Những gương mặt bạn bè”, lời nhắc nhớ của người còn sống luôn canh cánh bao nỗi niềm.
H.H (Đài PT – TH tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Ngày hôm ấy hình như là một ngày biển động, nói đúng hơn là hừng đông ngủ thiếp đi sau cơn bão tố.
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa phát động cuộc thi xây dựng đoạn phim ngắn (video clip) về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chiều 14/7, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã tổng kết 10 năm Giải Báo chí quốc gia (2006-2016), nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng giải trong thời gian tới.
Lần đầu tiên, những giai điệu Tổ quốc gồm 11 bản hùng ca Việt Nam như "Tổ quốc gọi tên mình," "Tổ quốc yêu thương," "Việt Nam quê hương tôi"... đã liên tục được trình diễn trong hai ngày liên tiếp tại Nhạc viện thành phố Rouen, thủ phủ vùng Normandie của Pháp.