Bếp lửatrong đời sống của người Khơ Mú ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2016 | 9:09:37 AM
YBĐT - Người Khơ Mú quan niệm dù giàu hay nghèo, dù nhà to hay nhà bé, một gia đình phải có “bốn góc nhà, ba góc bếp” tức là, trên sàn mỗi gia đình phải có đủ 3 bếp.
Bếp lửa là nơi các thành viên trong gia đình người Khơ Mú quây quần, sum họp.
|
Với mỗi gia đình người Khơ Mú, bếp lửa như một nơi linh thiêng của mỗi gia đình, mỗi ngôi nhà, nhìn vào các bếp lửa trong gia đình người ta có thể đánh giá được sự giàu có, ngăn nắp của từng ngôi nhà. Cho dù để làm một cái bếp lửa thực sự không tốn nhiều tiền của nhưng dường như quy định ngầm trong mỗi họ và mỗi gia đình, nếu gia đình nghèo thì bếp lửa cũng không nên làm to quá…
Người Khơ Mú quan niệm dù giàu hay nghèo, dù nhà to hay nhà bé, một gia đình phải có “bốn góc nhà, ba góc bếp” tức là, trên sàn mỗi gia đình phải có đủ 3 bếp: bếp ma nhà (Hrôi gang), bếp chính (Tâm brạ) và một bếp dùng để xôi cơm (Tâm rumạ).
Trong ba bếp lửa của một gia đình Khơ Mú, cả ba bếp đều quan trọng vì mỗi bếp có một chức năng riêng biệt và có vị trí riêng biệt trong mỗi ngôi nhà nhưng quan trọng nhất và linh thiêng nhất là bếp thờ cha mẹ, tổ tiên.
Bếp ma nhà (Hrôi gang) được lập để cúng tổ tiên cha mẹ và chỉ riêng có bếp này mới phải lập theo đúng lễ nghi, còn hai bếp kia như bếp tiếp khách, bếp xôi cơm thì trên sàn nhà nào cũng phải có nhưng không cần phải thủ tục cúng xin phép thần linh và bố mẹ. Bếp ma nhà (Hrôi gang) được khoanh theo hình chữ nhật chiều dài khoảng 70 cm trong lòng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn.
Khi làm được ngôi nhà mới, người Khơ Mú quan niệm: “Con ma không sống chung nhau được thì con người cũng phải làm ba bếp, không thể chung nhau tất cả vào một bếp được”. Bếp ma nhà (Hrôi gang) là bếp thiêng trong gia đình. Bếp này không dùng để nấu nướng thức ăn mà chỉ để cúng ma nhà hay trong các ngày hội, ngày lễ tết và để ông chủ sưởi khi ngày đông giá rét vì nó có vị trí ngay gần chỗ ngủ của ông chủ.
Bếp chính (Tâm brạ) hình chữ nhật chiều dài khoảng 1 - 1,2m, trong lòng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn, chính giữa đặt một cái kiềng dùng để đun nấu. Song song với khung bếp cách mặt sàn khoảng 80 cm là giàn bếp làm bằng tre, nứa được treo bởi dây mây bốn góc, trên giàn lưu trữ lương thực, thực phẩm cần sấy khô như: một xâu thịt rừng, da trâu, cá hoặc thịt đã nướng…
Trên cùng là giàn khói dùng treo những hoa quả sấy khô, giống ngô, giống lúa và các vật dụng đan lát cần được hong khói để tăng thêm độ đen bóng và làm cho vật dụng bền chắc hơn...
Bếp chính (Tâm brạ) đặt ngay gian đầu cầu thang, bếp này dùng để nấu nướng (Khua ma) và tiếp khách, khi lập bếp, gia đình không cần thờ cúng. Bếp chính (Tâm brạ) dùng trong sinh hoạt hàng ngày, ngoài nấu nướng, còn dùng để sưởi ấm cho cả gia đình và đón tiếp khách đến chơi.
Đối với người Khơ Mú, bếp này còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Mọi người thường ngồi lại quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm và trò chuyện, chia sẻ những buồn vui…
Đồng bào Khơ Mú chọn giống cho vụ mới.
Bếp xôi cơm (Tâm rumạ) có vị trí ở cuối mỗi ngôi nhà của người Khơ Mú cũng được thiết kế hình chữ nhật, chiều dài khoảng 80 - 90 cm trong lòng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn.
Riêng bếp này liên quan đến tục rước mẹ lúa (Grơ mẹ ngọ) cho nên bếp xôi cơm (Tâm rumạ), không để đun nấu thức ăn, sưởi ấm mà chỉ dùng để xôi cơm của mỗi gia đình.
Có thể nói, bếp lửa luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của từng gia đình dân tộc Khơ Mú, đó chính là những nét văn hóa gắn liền với đời sống sinh hoạt của các cư dân sinh sống nơi núi rừng Tây Bắc. Những nét văn hóa độc đáo ấy đang được người Khơ Mú lưu giữ cùng với thời gian, làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo và riêng biệt.
Đặng Phương Lan
Các tin khác
Sáng 9/11, tại tòa nhà Lotte Center đã diễn ra buổi họp báo Liên hoan âm nhạc Châu Âu lần thứ 15 tại Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Công văn số 4496/ BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà hàng, quán bar.
Hoàng Thu Thảo - Á hoàng 1 Nữ hoàng Trang sức Việt Nam 2015 đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép tham gia cuộc thi Hoa hậu châu Á -Thái Bình Dương (Miss Asia Pacific International) 2016. Cô sẽ lên đường sang Philipines vào ngày 14-11 tới.
YBĐT - Hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc của Đoàn Nghệ thuật quần chúng (NTQC) các dân tộc tỉnh Yên Bái tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII năm 2016, tại tỉnh Lào Cai đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bè bạn muôn nơi.