Nghệ sĩ Trần Hạnh được đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân
- Cập nhật: Thứ ba, 20/3/2018 | 9:41:30 AM
Sau nhiều năm lỡ hẹn, cuối cùng Nghệ sĩ Ưu tú Trần Hạnh đã được đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội vừa công bố.
Nghệ sĩ Trần Hạnh là một trong hai trường hợp được đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2018.
|
Theo ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng cấp cơ sở thì danh sách 12 nghệ sĩ nằm trong diện đủ hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mới chỉ ở cấp sở. Trong số 12 người, có 2 trường hợp được đặc cách xét tặng danh hiệu là nghệ sĩ Bùi Xuân Hanh (Diễn viên nghỉ hưu của Nhà hát Chèo Hà Nội) và Trần Ngọc Hạnh (Diễn viên nghỉ hưu của Nhà hát Kịch Hà Nội).
Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được thành lập vào ngày 11/1/2018 với 57 thành viên. Hội đồng đã tổ chức cuộc họp phiên toàn thể vào ngày 18/11/2018 để xét tặng và bỏ phiếu kín danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Kết quả có 12 người đủ điều kiện tiêu chuẩn đề nghị Hội đồng cấp trên xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân gồm: Đồng Thị Thu Hà (Diễn viên - Nhà hát Kịch Hà Nội), Nguyễn Công Lý (Trưởng đoàn diễn 2 - Nhà hát kịch Hà Nội), Trần Quang Hùng (Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội), Trần Mạnh Cường (Diễn viên Điện ảnh), Nguyễn Minh Chuyên (Đã nghỉ hưu - Đài Truyền hình Việt Nam), Đào Văn Trung (Nhạc công - Nhà hát Cải lương Hà Nội), Nguyễn Thị Thu Huyền (Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội), Nguyễn Tất Ngọc (Hoạ sĩ - hưu trí), Nguyễn Lê Văn (Đã nghỉ hưu - Đài Truyền hình Việt Nam), Trần Thị Loan (Nhà hát Chèo Hà Nội), Bùi Xuân Hanh (Diễn viên nghỉ hưu - Nhà hát Chèo Hà Nội) và Trần Ngọc Hạnh (Diễn viên nghỉ hưu - Nhà hát Kịch Hà Nội).
Trong số 12 trường hợp trên, nghệ sĩ Trần Ngọc Hạnh (tức Trần Hạnh) là người đã từng được khán giả biết đến với rất nhiều vai diễn trên sân kịch lẫn phim truyền hình.
Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh 1929 tại Hà Nội. Ông hoạt động nghệ thuật cùng thời với NSND Đoàn Dũng, NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang... Nghệ sĩ Trần Hạnh đã từng có nhiều vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc.
Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước với các vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa” (Huy chương vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), vai chính trong "Tiền tuyến gọi”, "Âm mưu và tình yêu”... Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1982-1984. Ông về hưu rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989.
Mặc dù rất tài năng trên sân khấu kịch nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh được khán giả cả nước biết đến nhiều qua các vai diễn trên phim truyền hình như: Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi, Cuốn sổ ghi đời...
Ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 - 1996, ông đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim "Nước mắt đàn bà”. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim "Ngõ lỗ thủng” của đạo diễn Quốc Trọng. Những vai diễn của ông đã đi vào lòng công chúng với những nét khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc.
Nhiều năm nay, nghệ sĩ Trần Hạnh phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người con trai út đã gần 50 tuổi bị bệnh trong căn nhà hơn chục mét vuông của ông nằm trong khu Trần Quý Cáp - Hà Nội.
Năm 2016, việc nghệ sĩ Trần Hạnh không có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối bởi những cống hiến của ông đối với nghệ thuật đều được nhìn thấy rõ. Nhiều người cho rằng, với 3 lần đoạt Huy chương vàng ở các vở kịch "Nguyễn Trãi”, "Tiền tuyến gọi”, "Hamlet” cùng giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 11 với phim "Nước mắt đàn bà” và nhiều giải thưởng khác, nghệ sĩ Trần Hạnh quá đủ tiêu chuẩn xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân.
Chia sẻ về điều này, nghệ sĩ Trần Hạnh cho biết, ông là thế hệ nghệ sỹ đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Thời đó, Nhà nước chủ động phong cho các nghệ sỹ như ông khi nhìn thấy có nhiều cống hiến đối với nghệ thuật chứ không phải xin mới được xét như bây giờ. Vì thế, sau này nhiều người nhắc ông làm hồ sơ xin xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nhưng ông dứt khoát không làm vì không muốn xin.
"Tôi được phong danh hiệu là do Nhà nước nhận thấy năng lực của tôi. Từ khi theo cách mạng, nhất quyết tôi không xin ai. Ai thấy tôi làm được thì cứ phong tặng chứ nhất quyết là tôi không xin”, nghệ sĩ Trần Hạnh nói.
Các tin khác
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/3 cho biết tại Văn bản số 947/TB- BVHTTDL, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cần đẩy nhanh tiến độ thanh tra toàn diện các hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, Quần thể Danh thắng Tràng An; hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Công ty cổ phần Du lịch Tràng An tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư để báo cáo cấp có thẩm quyền, sớm công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đền Cửa Ông - Cặp Tiên là di tích văn hóa tâm linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân.
Ngày 17/3, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2018) và khai mạc triển lãm ảnh "Đất nước, con người bè bạn quốc tế” qua ống kính các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.
Ngày 16/3, tại khu di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, đã diễn ra Lễ hội kỷ niệm 134 năm ngày Khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884 – 16/3/2018), thu hút hàng vạn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh về dự.