Nhìn lại chặng đường từ lúc còn là sinh viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội đi thực tập ở Lạng Sơn, lòng yêu nghề dạy học đã được nhen nhóm "Tập sự làm thầy trong một tháng/Lòng anh càng thấy mến yêu nghề". Tốt nghiệp ra trường, theo tiếng gọi của non sông "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" người thầy giáo trẻ Vũ Đình (tên khai sinh của nhà thơ) đã hăng hái viết đơn xung phong lên Yên Bái với nhiệt tình phơi phới:
Chim đủ cánh chim rời tổ ấm
Nắng mai hồng thơm ngọt gọi chim đi
Ta cũng như chim lòng ta hoa phượng thắm
(Trưởng thành)
Bốn mươi năm rong ruổi bốn ngôi trường: Cấp III Phủ Bình, Trung học Sư phạm, Bổ túc công nông và Trung học phổ thông Nguyễn Huệ. Ở đâu cũng "nhiều kỷ niệm lắm vui buồn" và "tình đồng nghiệp nghĩa thầy trò cảm thông".
Nhớ lại ngày mới đặt chân lên đất Yên Bái thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, lúc kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Nền giáo dục buổi sơ khai cũng nhiều gian nan, vất vả "Lán nứa chông chênh bốn phía gió lùa/Tiếng nai tác ngang cổng trường tối tối/Giếng nước gò lim, mái tóc cứ thưa dần....".
Rồi khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ "Lớp học nhà âm ở phía sau đồi/Mùa mưa đến bao nhiêu là muỗi vắt/Suất cơm độn ngô vàng khè đĩa sắt/Gió bấc mưa phùn phụ đạo các em". Vậy mà lửa nhiệt tình vẫn cháy rực khi hướng đời đã mở và ước nguyện đem con chữ đến cho các em nhỏ vùng cao chắp cánh cho lời giảng bay xa:
Lớp học nơi đây núi dựng canh trời
Có thừa thãi tiếng chim, tiếng gió
Giữa mênh mông thung lũng, núi đồi
Trang giấy trắng nhận bao điều mới lạ...
(Lớp học nơi đây)
Cũng giống bao thầy, cô giáo cùng thế hệ: Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Đàm, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Chính, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Bảng, cô giáo Hoàng Thị Chiến..., thầy giáo - nhà thơ Vũ Đình luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ "trẻ em như búp trên cành" cần phải nâng niu, chăm sóc.
Chính vì vậy mà thầy đến với các em bằng tình yêu thương, trách nhiệm của người anh trong gia đình "Từ bữa anh về cho tới nay/Bao nhiêu em nhỏ có thêm thầy/Nôi trưa quấn quýt từng câu hát/Bập bẹ i tờ quanh gốc cây".
Rồi khi đứng lớp giảng về những danh nhân Nguyễn Du, Đồ Chiểu, Hồ Chí Minh; những văn nghệ sĩ cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... bằng tất cả sự say mê "rôm rả suốt giờ văn" để mà truyền lửa, truyền những cảm xúc thẩm mỹ về văn hóa dân tộc. Không chỉ dạy chữ, vai trò "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" như một sứ mệnh thiêng liêng đặt ra nhiệm vụ cho những người thầy phải dạy học sinh biết kế thừa truyền thống quí báu của con người Việt Nam: yêu nước, yêu thương con người, ghét cái ác, cái phi nhân nghĩa "Trái đất còn chua mặn/Cái ác còn lên ngôi/Con tin đừng nguội lạnh/Trước nỗi đau nhân tình".
Phải thế chăng mà gặt hái sau những năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người đã mang về mùa quả ngọt:
Năm mươi năm ta bỗng hiểu thêm mình
Ta bỗng thấy thêm một phần hạnh phúc
Những hạt giống từ tay ta chăm sóc
Đã làm nên hoa trái những mùa vàng
(Năm mươi năm ấy)
Vinh quang đấy song cái sự dạy và học cũng lắm thăng trầm. Đặc biệt những khó khăn chồng chất của đất nước vào cuối thập niên tám mươi của thế kỷ XX khiến thầy giáo cũng phải lăn lưng, đánh vật với cuộc sống "Nghề dạy học là một nghề cao quý/ Sao vị trí ông thầy lại cứ giảm suy/ Là kẻ sĩ đâu phải là tu sĩ/ Trước bao điều thường nhật phải lo toan". Dẫu vậy nhân cách ông thầy vẫn tỏa sáng "Trong thanh bạch ta thấy mình giàu có/với bao nhiêu châu báu ở trên đời". Và cái chất lãng mạn cách mạng, tâm hồn thi sĩ yêu đời, yêu con người giúp họ vượt lên hoàn cảnh:
Cứ mỗi sáng mai lên ta muốn làm thi sĩ
Chắp cánh tâm hồn cho các em bay
Ngắm ô cửa lòng sao say đến thế
Ba mươi năm nét chữ chẳng hao gầy
(Nghĩ về nghề cuối thập kỷ 80)
Trọn đời gắn bó với nghề dạy học, khi rời xa bục giảng về nghỉ hưu theo chế độ lại càng bâng khuâng, xao xuyến nhớ nghề "Nghỉ lên lớp rồi sao thấy nhớ/Mỗi ngày lên lớp một ngày vui".
Nhìn lại chặng đường đã qua mà không khỏi tự hào "40 năm vẫn nồng nàn say đắm/Tình yêu ta nguyên vẹn buổi ban đầu"; mới cảm nhận rõ nhất nghề dạy học thực sự là "Một chặng đường hạnh phúc của đời tôi". Và ông ước nguyện "Nếu được đầu thai lại xin làm nghề dạy học/ Để được chong đèn soi giáo án đêm đêm/ Nét chữ nét người biết bao khó nhọc/ Bốn mươi năm tít tắp một con đường”.
Là tác giả của những tập thơ viết về nhà trường như "Những mùa hoa", "Mùa hoa phượng" và nay là "Nỗi nhớ ngày qua", nhà thơ Vũ Chấn Nam đã tỏ lòng mình và nói hộ rất nhiều cho các thế hệ nhà giáo "Ta mãn nguyện với cuộc đời thanh bạch/Làm con tằm rút ruột gửi đời sau". Chúc ông ngày càng có thêm nhiều thi phẩm hay về "nghề dạy học là một nghề cao quý".
Thế Quynh