Người Dao ở Yên Bái được chia thành 4 nhóm chính là: Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao quần trắng và Dao làn tuyển. Cách phân biệt các nhóm này chính là sự khác biệt trên trang phục truyền thống của họ. Trang phục truyền thống của người Dao rất đa dạng từ quần, áo, váy, yếm, khăn, mũ... với nhiều hoa văn cầu kỳ, sáng tạo mang đậm sắc thái của thiên nhiên.
Trang phục của đàn ông người Dao tương đối giống nhau với những họa tiết đơn giản nhưng trang phục của phụ nữ Dao được làm từ sợi bông và rất cầu kỳ từ cách may đến các họa tiết thêu thùa. Áo được thiết kế dài đến đầu gối, cổ áo hình chữ V có thêu hoa văn, lưng áo thêu họa tiết cầu kỳ. Cần rất nhiều công đoạn để hoàn thành được một bộ trang phục của phụ nữ Dao như: dệt, thêu, nhuộm, trang trí, cắt may, ghép khối... mới có được bộ trang phục sặc sỡ bởi vải, sợi màu, hoa văn, đặc biệt là kỹ thuật thêu hoa văn đặc trưng hình con vật, vật thể, cây cối, hoa văn bùa hay hoa văn tín ngưỡng...
Điểm nhấn quan trọng trong trang phục của phụ nữ Dao chính là khăn vấn đầu, đó có thể là khăn vuông, khăn chữ nhật hoặc khăn dài. Phụ kiện họ ưa dùng là vòng cổ, nhẫn, túi ăn trầu, các khối bạc hình bán cầu... để làm đẹp và mang ý nghĩa tâm linh để xua đuổi tà ma, tránh gió và để được thần linh phù hộ.
Thông thường, người phụ nữ Dao phải mất từ 2 đến 6 tháng để hoàn thành một bộ trang phục. Trong các nhóm người Dao ở Yên Bái thì trang phục truyền thống của người Dao đỏ được xem là rực rỡ nhất gồm: khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, cạp cuốn chân và giày dép. Để tạo được trang phục phải có 5 màu cơ bản nhưng chủ yếu vẫn là màu đỏ.
Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ là màu của hạnh phúc, ấm no, khỏe mạnh và tạo năng lượng tích cực cho con người. Chiếc áo là điểm nhấn với tông màu chính là màu chàm được thêu kín các hoa văn, họa tiết bằng sợi chỉ đỏ; nẹp ngực ở mỗi bên có đính 7 quả bông len đỏ và các tua len được đính ở nơi xẻ tà.
Ở dây lưng, hoa văn được trang trí tập trung ở hai đầu với các họa tiết. Khi thắt dây lưng phải cuốn 3 đến 4 vòng rồi buộc chặt ở phía sau. Quần của người Dao đỏ cũng được thêu hoa văn, họa tiết tỉ mỉ hơn. Phía nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết hình vuông, chữ nhật màu đỏ hoặc vàng, trắng, là hình cây thông hay quả trám…, bên trong các hình này là các họa tiết hình dấu chân hổ, răng cưa, người mặc váy...
Hoa văn trang trí trên chiếc "chùn” (váy mặc trước) của người Dao đỏ cũng hết sức cầu kỳ, chủ yếu là hình quả trám vuông có chữ "vạn”, hình răng cưa, hình cây thông… Viền của "chùn” có các tua len màu đỏ, khi đã mặc quần áo, thắt lưng xong sẽ cuốn "chùn” ở ngoài cùng để che phần vải không thêu hoa văn của áo dài và tăng thêm vẻ sang trọng của bộ lễ phục.
Bà Triệu Thị Nhậy ở xã Phúc Lợi, Lục Yên cho biết: "Đối với người phụ nữ Dao đỏ, ngay từ khi sinh được một bé gái, các mẹ đã nghĩ ngay đến việc may cho con bộ váy áo truyền thống và để tâm truyền dạy con biết thêu thùa. Đến khi con gái lớn, các mẹ phải hoàn thành bộ trang phục để con gái diện trong những ngày trọng đại. Đối với phụ nữ Dao đỏ, việc dạy con gái thêu thùa là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cũng là để thể hiện nếp gia giáo trong mỗi gia đình...".
Hoài Văn